Gần 30 năm gắn bó với nghề giáo, TS Văn Thị Phương Như, Trưởng khoa Khoa học Tự nhiên, Trường đại học Phú Yên đã ghi dấu ấn về một nhà giáo yêu nghề và đam mê nghiên cứu chuyên ngành sinh học - môi trường.
Từ nền tảng tri thức
Tháng 9/1993, Văn Thị Phương Như tốt nghiệp ngành Sinh học, Trường đại học Đà Lạt. Sau đó, chị trở thành giáo viên Sinh học, giảng dạy tại Trường THPT Lê Trung Kiên (TX Đông Hòa). Năm 2003, chị bảo vệ thành công luận văn thạc sĩ chuyên ngành Sinh thái môi trường, Trường đại học Đà Lạt. Năm 2015, chị bảo vệ thành công luận án tiến sĩ chuyên ngành Vi học vật học tại Viện Nghiên cứu và Phát triển công nghệ sinh học, Trường đại học Cần Thơ. Từ năm 2010 đến nay, TS Văn Thị Phương Như giảng dạy tại Khoa Khoa học tự nhiên Trường đại học Phú Yên.
Trong quá trình công tác, TS Văn Thị Phương Như luôn nỗ lực rèn luyện về mọi mặt, xứng với danh hiệu người thầy. Để nâng cao chất lượng bài giảng, TS Như thường xuyên bổ sung, cập nhật nội dung mới của các chương trình đào tạo trong và ngoài nước giúp sinh viên nắm vững kiến thức chuyên ngành do mình đảm trách như: Vi sinh vật học, Sinh thái học, Môi trường và con người, Giáo dục môi trường; Bệnh truyền nhiễm ở vật nuôi; Vi sinh công nghiệp, Di truyền vi sinh, Sinh học phân tử, Đấu tranh sinh học và ứng dụng; Sự phát triển thể chất của trẻ em ở lứa tuổi mầm non; Thực tập vi sinh vật. TS Văn Thị Phương Như cùng đồng nghiệp đã biên soạn giáo trình Di truyền vi sinh và miễn dịch; giáo trình Môi trường và con người; các chương trình giảng dạy đại học ngành Sư phạm Sinh học, Sinh học, Sinh học ứng dụng, Sư phạm Khoa học tự nhiên, Nông nghiệp. Chương trình đào tạo cao học: Chuyên ngành Sinh học ứng dụng, phục vụ mục tiêu học tập và nghiên cứu khoa học của sinh viên.
Trao đổi về những nỗ lực của TS Như trong giảng dạy, ThS Nguyễn Thị Kim Triển, giảng viên Khoa Khoa học tự nhiên, Trường đại học Phú Yên nói: Cô Như luôn tâm huyết với nghề, có trình độ chuyên môn cao và không ngừng tự học để cập nhật, bổ sung kiến thức mới. Cô luôn động viên, giúp đỡ, hỗ trợ đồng nghiệp về chuyên môn, tận tình hướng dẫn sinh viên học tập và tham gia vào hoạt động nghiên cứu khoa học. Một số đề tài khóa luận do cô hướng dẫn sinh viên thực hiện đều đạt kết quả tốt, được đồng nghiệp đánh giá cao như: Nhận diện và phân tích sự đa dạng di truyền của vi khuẩn nội sinh cây lúa ở huyện Tây Hòa và TP Tuy Hòa; Phân lập và khảo sát các đặc tính vi khuẩn nội sinh cây lúa trồng trên đất ở huyện Sơn Hòa; Khảo sát ảnh hưởng của vi khuẩn nội sinh lên cây lúa; Phân lập và khảo sát các đặc tính của vi khuẩn nội sinh trong cây nha đam (Aloe vera) trồng trên đất ở tỉnh Phú Yên; Phân lập và khảo sát các đặc tính của vi khuẩn vùng rễ ở một số loại rau ăn lá trồng ở tỉnh Phú Yên.
Cô Phương Như khảo sát đặc tính của vi khuẩn nội sinh trong cây lúa trồng trên đất ở tỉnh Phú Yên. Ảnh: CTV |
Đến những công trình nghiên cứu
Gần 30 năm giảng dạy từ bậc trung học lên đại học, với nền tảng tri thức chuyên sâu, TS Văn Thị Phương Như luôn say mê nghiên cứu khoa học về lĩnh vực sinh học - môi trường. TS Như đã chủ nhiệm một đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh; bảy đề tài cấp trường. Hiện chị cũng đang là thành viên tham gia một đề tài cấp bộ. Một số công trình khoa học tiêu biểu như: Phân lập và đặc tính vi khuẩn nội sinh cây lúa (Oryza sativa L) trồng trên đất của tỉnh Phú Yên; Ảnh hưởng của vi khuẩn Azospirillum amazonense và Burkholderia kururiensis lên sự sinh trưởng và năng suất của lúa cao sản (giống lúa Ma Lâm 213) trồng trên đất thịt pha cát ở TP Tuy Hòa; Ảnh hưởng của vi khuẩn Pseudomonas putida và Bacillus subtilis đến sinh trưởng và năng suất của giống lúa cao sản (giống lúa Ma Lâm 213) trồng trên đất thịt pha cát ở TP Tuy Hòa; Điều tra khu phân bố, đặc điểm hình thái trà Mã Dọ trên địa bàn TX Sông Cầu (đồng tác giả); Khảo sát và một số đề xuất về bồi dưỡng giáo viên môn Khoa học tự nhiên ở trường phổ thông tại Phú Yên (đồng tác giả); Khảo sát ý kiến giáo viên THCS về ngành Sư phạm Khoa học tự nhiên (đồng tác giả)… Ngoài ra, TS Như đã có trên 10 bài báo được công bố ở các tạp chí khoa học trong nước, quốc tế và hội thảo quốc gia.
ThS Nguyễn Trần Vũ, giảng viên Trung tâm Khoa học và Công nghệ Trường đại học Phú Yên cho rằng: TS Văn Thị Phương Như rất đam mê nghiên cứu chuyên ngành sinh học - môi trường, trong đó một số đề tài có tính ứng dụng cao như: Phân lập và tuyển chọn các chủng vi sinh có khả năng phân giải photpho khó tan và thuốc trừ sâu photpho hữu cơ Methidathion trong các vùng đất khác nhau ở Phú Yên. Kết quả khảo sát cho thấy ý thức sử dụng thuốc bảo vệ thực vật của một bộ phận người dân chưa cao, lạm dụng hóa chất bảo vệ thực vật ảnh hưởng đến sức khỏe con người và môi trường sinh thái. Từ đó đề xuất các giải pháp khắc phục. Hay như đề tài Ứng dụng và hoàn thiện quy trình trồng cây đinh lăng (Polyscias fruticosa L.Harms) trên đất cát ở tỉnh Phú Yên, đã tập trung nghiên cứu sâu về nguồn phân bón, phòng trừ sâu hại cho cây đinh lăng theo hướng tạo ra sản phẩm an toàn. Trên cơ sở đó mở rộng quy mô sản xuất cây đinh lăng tại nhiều vùng đất khác nhau trên địa bàn tỉnh. Đồng thời mở rộng quy mô sản xuất, cung cấp nguồn dược liệu cho địa phương và các tỉnh, thành khác.
TS Văn Thị Phương Như trao đổi thêm: Trong xu thế phát triển nền nông nghiệp sạch, bền vững, chúng ta cần phải thay đổi phương thức trồng trọt. Đặc biệt là đối với cây dược liệu, hiện nay nhu cầu sử dụng ngày càng nhiều. Diện tích, năng suất và sản lượng cây dược liệu được sản xuất ở Phú Yên còn rất hạn chế. Quá trình trồng cây dược liệu còn gặp rất nhiều khó khăn. Các quy trình kỹ thuật, tiêu chuẩn kỹ thuật đối với cây dược liệu vẫn chưa được ban hành. Cây dược liệu cần phải được đảm bảo hàm lượng hoạt chất vừa đảm bảo năng suất; yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm rất cao. Tuy nhiên, việc nghiên cứu quy trình canh tác, quy trình phòng trừ sâu bệnh hại chưa được thực hiện. Hơn thế nữa, việc khai thác chưa hợp lý, công tác bảo vệ tài nguyên dược liệu, các cây có giá trị tạo nguyên liệu cung cấp dinh dưỡng cho con người chưa được quan tâm đúng mức. Trong điều kiện biến đổi khí hậu, việc chọn lựa và thay đổi cơ cấu cây trồng và kỹ thuật canh tác trong quá trình trồng trọt là rất cần thiết.
Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường Trường đại học Phú Yên Võ Thị Minh Duyên nhận xét: Là Bí thư chi bộ, Trưởng khoa Khoa học tự nhiên, TS Văn Thị Phương Như luôn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, nhất là trong công tác giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Những thành quả bước đầu trong hành trình chinh phục đỉnh cao tri thức và nghiên cứu khoa học của TS Văn Thị Phương Như là sự nỗ lực rất lớn cần được biểu dương, khích lệ. Khiêm nhường, ham học hỏi và với năng lực sẵn có, cô Như vẫn ngày ngày mang nguồn trí tuệ của mình trao truyền cho những lớp sinh viên.
THÙY TRANG