Với 6 nhiệm vụ KH-CN chuyển tiếp và 6 nhiệm vụ KH-CN đang trình UBND tỉnh phê duyệt, trong năm 2022, ngành KH-CN tỉnh tiếp tục triển khai, ứng dụng KH-CN, đổi mới sáng tạo phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà.
Nhiều nhiệm vụ chuyên sâu, quy mô lớn
Theo Sở KH-CN, trong năm 2022, đơn vị chuyển tiếp và thực hiện 6 nhiệm vụ KH-CN đã được các cấp phê duyệt. Đó là các nhiệm vụ: Ứng dụng công nghệ sản xuất giống và nuôi thương phẩm sá sùng; Ứng dụng công nghệ GIS trong quản lý giá đất trên địa bàn TP Tuy Hòa; Ứng dụng tiến bộ KH-CN xây dựng nuôi cá chình bông giống và thương phẩm đạt năng suất và hiệu quả cao tại Phú Yên; Xây dựng mô hình nuôi cá chình bông trong lồng với một số loài cá giá trị kinh tế tại trại giam Xuân Phước (huyện Đồng Xuân); Nghiên cứu quy trình nhân giống In Vitro và bảo tồn loài dược liệu quý cây cam thảo Đá Bia (xã Hòa Xuân Nam, TX Đông Hòa); Nghiên cứu phát triển và ứng dụng hệ thống quan trắc tự động và cảnh báo môi trường nuôi tôm hùm ở vịnh Xuân Đài và đầm Cù Mông... Ngoài ra, hiện Sở KH-CN đã hoàn thiện hồ sơ 6 nhiệm vụ KH-CN trong năm 2022 để trình UBND tỉnh phê duyệt theo quy định.
Ông Dương Văn Nghị, Trưởng phòng Quản lý khoa học (Sở KH-CN) cho biết: Sở đã tổ chức xây dựng các nhiệm vụ KH-CN dưới dạng chương trình, nhiệm vụ KH-CN có quy mô lớn, dài hạn, chuyên sâu, tập trung nhằm giải quyết các vấn đề cốt lõi thực tiễn đời sống kinh tế - xã hội với các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp và cơ chế chính sách thực hiện phù hợp tầm nhìn chiến lược và quy hoạch của tỉnh. Bên cạnh đó, Sở KH-CN cũng chuyển động và hội tụ tất cả nguồn lực của xã hội thực hiện nghiên cứu khoa học, chuyển giao, ứng dụng công nghệ, đổi mới sáng tạo trên nền tảng kiến tạo thực tại mới của tỉnh nhà; từng bước thực hiện mô hình đồng tài trợ.
“Lựa chọn các giải pháp và công cụ tối ưu nhằm định hình thương hiệu cho các sản phẩm của tỉnh đã được tạo lập nhãn hiệu; định vị các sản phẩm chủ lực của tỉnh tham gia trong chuỗi giá trị toàn cầu; bổ trợ và hoàn chỉnh các phân khúc, các khâu còn thiếu, hay yếu trong từng chuỗi cung ứng toàn thế giới và chuỗi giá trị gia tăng toàn cầu cho mỗi sản phẩm và từng ngành hàng của địa phương. Thực hiện bằng được việc tăng giá trị gia tăng và gia nhập chuỗi giá trị toàn cầu các sản phẩm chủ lực của tỉnh. Đó là những yêu cầu mà chúng tôi cần phải hoàn thành”, ông Dương Bình Phú, Giám đốc Sở KH-CN cho biết thêm.
Tập trung nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ
Theo ông Dương Bình Phú, hiện Sở KH-CN tập trung nghiên cứu và phát triển nhanh các công nghệ nền tảng; nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng các công nghệ thuộc danh mục công nghệ ưu tiên nghiên cứu, phát triển và ứng dụng để chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Song song đó, với trách nhiệm của ngành, sở từng bước nâng cao năng lực, năng suất đổi mới sáng tạo nội tại, sử dụng và trọng dụng nhân lực KH-CN trong và ngoài tỉnh. Đồng thời tập trung tuyên truyền sâu rộng nhằm nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền về vai trò của chuyển đổi số đối với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; tăng cường bồi dưỡng, cập nhật thông tin cho cán bộ, lãnh đạo các cấp về ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong lãnh đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ.
Thời gian tới, ông Dương Bình Phú cho biết, Sở KH-CN sẽ sớm triển khai các ứng dụng hỗ trợ doanh nghiệp, phát huy nguồn lực, quan tâm hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo khoa học kỹ thuật, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế trong tình hình mới. Song song đó, sở chủ động xây dựng kế hoạch, đề án doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo tại địa phương. Đồng thời phát huy hoạt động đổi mới sáng tạo gắn với thực hiện các chính sách và hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo phát triển doanh nghiệp KH-CN.
Tại buổi làm việc với lãnh đạo các sở KH-CN, NN-PTNT và Công Thương về công tác phối hợp trong KH-CN và đổi mới sáng tạo, Phó Chủ tịch UBND Đào Mỹ cho rằng trong giai đoạn 2022-2025, các sở cần tiếp tục đẩy mạnh công tác phối hợp, tập trung vào một số nội dung chính. Trọng tâm là tiếp tục khai thác, huy động tối đa các nguồn lực để đẩy mạnh, nâng cao năng lực nghiên cứu, ứng dụng theo hướng tiếp nhận, ứng dụng các thành tựu KH-CN tiên tiến, áp dụng các kết quả nghiên cứu khoa học vào thực tiễn đời sống và phát triển các sản phẩm chủ lực có tính cạnh tranh cao phục vụ thiết thực các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Tăng cường đầu tư tiềm lực KH-CN và hỗ trợ phát triển thị trường KH-CN, hệ sinh thái khởi nghiệp. Hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, hình thành không gian đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, là nơi giao dịch kết nối giữa cung - cầu công nghệ cho tỉnh để sẵn sàng tiếp nhận, chuyển giao giữa các viện, trường, doanh nghiệp, cá nhân, đơn vị trên cơ sở hạ tầng, vật chất các đơn vị sự nghiệp hiện có để phục vụ, hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng công nghệ tiên tiến, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, cũng như phát triển thị trường KH-CN chủ động tiếp cận thành tựu cuộc cách mạng công nghệ 4.0…
Thời gian đến, Sở KH-CN cần phải phối hợp với các ngành liên quan để hoàn thiện chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh. Trong đó, tập trung phát triển, ứng dụng KH-CN và đổi mới sáng tạo phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đào Mỹ |
VĂN TÀI