Theo các chuyên gia ngành Giáo dục, trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, việc thay đổi tư duy giáo dục nhằm nâng cao năng lực giảng dạy của giảng viên ở các trường đại học, cao đẳng là rất quan trọng, góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng, đáp ứng nhu cầu thực tiễn.
Cuối tháng 3 vừa qua, Trường đại học Xây dựng Miền Trung phối hợp các trường: đại học Sư phạm kỹ thuật TP Hồ Chí Minh, đại học Lạc Hồng, đại học Sư phạm kỹ thuật Đà Nẵng, cao đẳng Công nghiệp Huế, cao đẳng Nghề Kỹ thuật Công nghệ, cao đẳng Công Thương TP Hồ Chí Minh là các thành viên tham gia dự án EMVITET, tổ chức hội thảo Workshop on study visit program. Đây là dự án nhằm tăng cường năng lực giảng dạy của giảng viên tại Việt Nam hướng tới nền tảng giáo dục 4.0 của chương trình ERAMUS+, chương trình được tài trợ bởi cộng đồng châu Âu.
Xây dựng hệ sinh thái giáo dục 4.0
Theo PGS.TS Ngô Văn Thuyên, đại diện Ban quản lý Dự án EMVITET tại Việt Nam, dự án kéo dài trong 3 năm (2019-2022) thông qua việc triển khai các hoạt động tham quan, học tập, tập huấn, bồi dưỡng chuyên sâu về năng lực quản lý lãnh đạo, cũng như năng lực giảng dạy cho giảng viên, cung cấp cho giảng viên kiến thức, kỹ năng cần thiết chuẩn bị cho những xu hướng giáo dục trong tương lai trước tác động mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Các hoạt động chủ đạo của dự án hướng đến mục tiêu xây dựng hệ sinh thái học tập mới cho giáo dục 4.0 tại Việt Nam, dựa trên phương pháp học tập lấy sinh viên làm trung tâm, giáo dục dựa trên năng lực, hợp tác/kết nối mạng trong môi trường kỹ thuật số và chia sẻ kiến thức thông qua cộng đồng thực hành. Thay đổi tư duy và hình thành mô hình vận hành mạng lưới kết nối các đại học Việt Nam để đáp ứng nhu cầu giáo dục trong tình hình mới. Đổi mới tư duy của người dạy - người học và các bên liên quan nhằm tạo ra một cách vận hành mới dựa trên sự cộng tác sâu rộng và chặt chẽ của cả hệ sinh thái giáo dục. Thay đổi cấu trúc giáo dục (chương trình giảng dạy, quy trình, quản lý) nhằm gia tăng những hỗ trợ cần thiết để khắc phục những thách thức.
Trước đó, dự án EMVITET đã hỗ trợ hơn 50 cán bộ, giảng viên các trường tham gia chương trình hợp tác quốc tế này tham quan, học tập, chia sẻ kinh nghiệm về mô hình giáo dục, phương pháp giảng dạy, xây dựng môi trường học tập, hoạt động đổi mới sáng tạo tại Trường đại học Khoa học ứng dụng Hame (Phần Lan). Tham gia dự án EMVITET có các trường đại học ở Phần Lan (Hameen Ammaaikorkeakoulu Oy), Ireland (Dublin City University), Bỉ (Katholieke University Leuven).
Theo PGS.TS Nguyễn Vũ Phương, Hiệu trưởng Trường đại học Xây dựng Miền Trung, mặc dù trường không tham gia dự án EMVITET từ đầu, nhưng việc trường được mời đăng cai tổ chức hội thảo Workshop on study visit program là rất bổ ích. Hội thảo diễn ra trong 5 ngày, chia sẻ các nội dung thiết thực như đánh giá thực trạng dạy học trực tuyến, chia sẻ về cẩm nang giáo dục 4.0, kết nối cộng đồng, thiết kế dạy học trực tuyến…
Giảng viên Trường đại học Xây dựng Miền Trung hướng dẫn sinh viên thực hành bằng hình thức dạy học trực tuyến. Ảnh: THÚY HẰNG |
Đổi mới tư duy dạy và học ở bậc đại học, cao đẳng
PGS.TS Phan Cao Thọ, Hiệu trưởng Trường đại học Sư phạm kỹ thuật Đà Nẵng, khẳng định việc tham gia những dự án về tăng cường năng lực cho đội ngũ lãnh đạo quản lý và giảng viên như dự án EMVITET đã làm thay đổi tư duy về cách tổ chức các hoạt động của nhà trường; đổi mới mạnh mẽ các hoạt động về dạy và học - đặc biệt là việc triển khai dạy học số, kiểm tra đánh giá, các hoạt động quan hệ kết nối với doanh nghiệp, sinh viên, cựu sinh viên cũng như việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin (CNTT) hỗ trợ phát triển hệ sinh thái giáo dục 4.0. Đồng thời mở ra cơ hội hợp tác quốc tế, nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực cho nhà trường.
Cũng theo PGS.TS Phan Cao Thọ, qua tập huấn Workshop on education 4.0 and new skills tại Trường đại học Khoa học ứng dụng Hame (Phần Lan), giảng viên các trường đại học, cao đẳng của Việt Nam đã tiếp cận, tìm hiểu nền giáo dục hiện đại của nước bạn, qua đó học tập những kinh nghiệm liên quan đến xây dựng chương trình đào tạo và được cập nhật những công cụ mới trong xây dựng bài giảng điện tử.
Việc đổi mới dạy học ở bậc đại học, cao đẳng là một đòi hỏi tất yếu, trong đó có nhiều phương pháp dạy học gắn với nền tảng CNTT. Những phương pháp này đều thực hiện theo nguyên tắc dạy học dựa theo năng lực của người học. Với các nền tảng CNTT hiện nay, giảng viên có thể tương tác trực tuyến với sinh viên trong quá trình giảng dạy thông qua phần thảo luận trên diễn đàn. Đó cũng là cách thức tổ chức lớp học 4.0 trên các nền tảng CNTT, điều mà các giảng viên tham gia dự án hướng đến.
PGS.TS Ngô Văn Thuyên cho biết: “Dự án EMVITET được triển khai nhằm xây dựng hệ sinh thái học tập cho nền giáo dục Việt Nam, trong đó lấy người học làm trung tâm, giáo dục dựa trên năng lực, hợp tác toàn diện và chia sẻ kiến thức trong môi trường kỹ thuật số. Dự án giúp nâng cao năng lực của đội ngũ giảng viên Việt Nam, đặc biệt là giảng viên ở các trường thành viên dự án, để hướng đến giáo dục 4.0”.
Bên cạnh những mục tiêu và lợi ích nêu trên, một trong các hình thức dạy học được các giảng viên tham gia dự án EMVITET rất tâm đắc là khuyến khích sinh viên tạo hồ sơ trực tuyến từ tài khoản của trường (tạo E-portfolio). Có thể hình dung E-portfolio như một trang nhật ký cá nhân. Trong đó, thông qua hướng dẫn của giảng viên, sinh viên sẽ tự thiết kế, trình bày trang nhật ký của mình để lưu giữ lại hồ sơ học tập của cá nhân. Với việc xây dựng E-portfolio, sinh viên sẽ học tập chủ động hơn. Thông qua những thông tin, kết quả quá trình học tập được sinh viên đưa lên trang cá nhân, giảng viên có thể theo dõi và đánh giá được tiến trình học tập của sinh viên. Ngoài ra, E-portfolio còn được xem là công cụ hữu ích khi sinh viên “săn” học bổng du học hay xin việc làm. Bởi đây là kênh tổng hợp quá trình học tập của sinh viên, các dự án tham gia, kết quả đạt được trong suốt quá trình học có sự chứng nhận của giảng viên.
Dự án EMVITET được triển khai nhằm xây dựng hệ sinh thái học tập cho nền giáo dục Việt Nam, trong đó lấy người học làm trung tâm, giáo dục dựa trên năng lực, hợp tác toàn diện và chia sẻ kiến thức trong môi trường kỹ thuật số. Dự án giúp nâng cao năng lực của đội ngũ giảng viên Việt Nam, đặc biệt là giảng viên ở các trường thành viên dự án, để hướng đến giáo dục 4.0.
PGS.TS Ngô Văn Thuyên, đại diện Ban quản lý dự án EMVITET |
TRẦN QUỚI