Đó là chủ đề của chương trình tọa đàm phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo vừa được Trường cao đẳng Công Thương Miền Trung phối hợp với Tỉnh đoàn, các sở KH-CN, LĐ-TB-XH, Công ty TNHH Nhân lực AKANE và Hội đồng tư vấn khởi nghiệp quốc gia khu vực phía Nam tổ chức. Chương trình này thu hút rất nhiều sự quan tâm của học sinh, sinh viên các trường đại học, cao đẳng, THPT trên địa bàn tỉnh.
Quan tâm khởi nghiệp bằng xuất khẩu lao động
“Hiện nay, nhiều học sinh, sinh viên (HSSV) chọn con đường lập thân, lập nghiệp và khởi nghiệp bằng việc xuất khẩu lao động ở nước ngoài như: Nhật, Đức, Hàn Quốc… Chính sách của Nhà nước về vấn đề này như thế nào? Chương trình hợp tác giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp với các đối tác doanh nghiệp về điều này ra sao?”, đây là câu hỏi mở đầu tại chương trình tọa đàm của sinh viên Lê Anh Khoa, Trường cao đẳng Công Thương Miền Trung.
Trả lời cho câu hỏi này, ông Phạm Tâm Đê, Trưởng Phòng Dạy nghề (Sở LĐ-TB-XH Phú Yên), cho hay: Thời gian qua, đại dịch COVID-19 đã tác động tiêu cực đến các hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Thực tế đó đã cho thấy tính cần thiết của những nỗ lực và giải pháp thiết thực bảo đảm quyền lợi của nhóm đối tượng này. Hiện nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp để phục hồi sản xuất, kinh doanh đang có xu hướng tăng. Tuy nhiên, tại Phú Yên, nguồn cung lao động vẫn thừa với hơn 64.000 người. Để giải quyết tình trạng thừa lao động, tỉnh đẩy mạnh kết nối cung cầu lao động thông qua hoạt động của các trung tâm Dịch vụ giới thiệu việc làm, từ đó hỗ trợ và kết nối thông tin về nhu cầu tìm việc làm của người lao động Phú Yên với nhu cầu sử dụng lao động, tuyển dụng của các doanh nghiệp trên địa bàn các tỉnh, thành phố vùng kinh tế trọng điểm miền Nam và miền Trung. Cùng với giới thiệu việc làm trong nước là đẩy mạnh xuất khẩu lao động tại các thị trường như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan... Hàng năm, Sở LĐ-TB-XH đều tổ chức hội nghị gắn kết giữa giáo dục nghề nghiệp với các doanh nghiệp. Trên cơ sở đó, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tổ chức ký kết thỏa thuận với các doanh nghiệp về nhu cầu đào tạo nghề nghiệp, giải quyết việc làm và xuất khẩu lao động.
“Làm việc và khởi nghiệp ở nước ngoài đối với HSSV và thanh niên là lựa chọn thú vị nhưng cũng rất khó khăn. Là một doanh nhân và cũng là chuyên gia trong lĩnh vực phát triển nhân lực quốc tế, anh có thể chia sẻ với chúng em về những lợi thế cũng như những điều cần phải chuẩn bị để đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động nước ngoài”, một sinh viên khác đặt câu hỏi.
Ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Nhân lực AKANE chia sẻ: Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài chủ yếu trong các lĩnh vực sản xuất chế tạo (cơ khí, dệt may, giày da, lắp ráp điện tử…), xây dựng, nông nghiệp, thủy sản, dịch vụ (chăm sóc người già, người bệnh, giúp việc gia đình). Người sử dụng lao động tại các thị trường tiếp nhận đánh giá người lao động Việt Nam khéo tay, chăm chỉ, khả năng nắm bắt công việc nhanh, ham học hỏi, sáng tạo, năng động, làm việc năng suất, chất lượng. Làm việc ở nước ngoài là cơ hội rất thuận lợi trong việc nâng cao trình độ kỹ năng nghề, tiếp thu được kiến thức, ngoại ngữ và tác phong làm việc tiên tiến. Tuy nhiên, để có thể tham gia xuất khẩu lao động, trước hết các bạn phải lựa chọn công việc, ngành nghề phù hợp với bản thân; lựa chọn các đơn vị làm thủ tục xuất khẩu lao động có uy tín; chuẩn bị tốt các kỹ năng để tham gia thi tuyển và phỏng vấn; chuẩn bị cho mình những hành trang, thông tin cần thiết khi sang nước ngoài làm việc. Đặc biệt phải thể hiện lòng quyết tâm, kiên trì, trách nhiệm khi tham gia làm việc ở nước ngoài.
Các chuyên gia tư vấn cho học sinh, sinh viên quan tâm đến vấn đề khởi nghiệp bằng xuất khẩu lao động. Ảnh: THÚY HẰNG |
Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực
Đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài, không chỉ giải quyết việc làm, đào tạo nhân lực mà còn góp phần nâng cao thu nhập của người lao động. Do đó, những năm gần đây, hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài luôn nhận được sự quan tâm sâu sắc và chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Chính phủ, sự phối hợp của các bộ, ngành và chính quyền địa phương các cấp, sự tham gia của các tổ chức chính trị - xã hội. Bên cạnh đó, các cơ quan truyền thông, báo chí và dư luận xã hội quan tâm hợp tác trong công tác thông tin, tuyên truyền các chính sách, pháp luật và thông tin về tình hình lao động đi làm việc ở nước ngoài, thị trường lao động ngoài nước qua đó nâng cao được nhận thức của xã hội và người lao động. Ngoài ra, đội ngũ các doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa lao động đi làm việc ngày càng tăng cả về lượng và chất, đóng góp rất lớn và quan trọng vào kết quả đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài.
Theo thống kê của Bộ LĐ-TB-XH, số lượng người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài đã tăng lên đáng kể qua các năm. Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 bùng phát năm 2020, đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi hoạt động kinh tế - xã hội của toàn cầu, đặc biệt khó khăn đối với lĩnh vực người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài từ việc tuyển chọn, đào tạo lao động trước khi đi đến việc tổ chức chuyến bay cho lao động đi ra nước ngoài và về nước, số lao động đi làm việc nước ngoài giảm đáng kể. Hiện nay, các thị trường lao động như Hàn quốc, Đức, Nhật Bản, Đài Loan… đang tiếp nhận nguồn nhân lực trở lại. Đây là cơ hội để lao động mạnh dạn tham gia học nghề để khởi nghiệp bằng việc tham gia xuất khẩu lao động.
Tại Phú Yên, lao động hiện nay chủ yếu là lao động phổ thông nên khó khăn trong tiếp cận các ngành nghề có yêu cầu kỹ thuật và thu nhập cao; công tác xuất khẩu lao động vì thế vẫn còn hạn chế. Để chủ động nguồn lao động, Sở LĐ-TB-XH đã chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương, doanh nghiệp, đơn vị dịch vụ việc làm tăng cường công tác thống kê; thiết lập hệ thống dự báo nhu cầu nhân lực qua đào tạo giáo dục nghề nghiệp với dự báo về thị trường lao động, việc làm. Cùng với đó, sở đẩy mạnh hoạt động gắn kết giữa doanh nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài với trung tâm dịch vụ việc làm và cơ sở giáo dục nghề nghiệp, để tạo nguồn lao động chất lượng đáp ứng được yêu cầu của đối tác nước ngoài. Tăng cường công tác quản lý trong hoạt động người lao động đi làm việc ở nước ngoài thông qua thanh tra, kiểm tra, điều tra kịp thời phát hiện, xử lý các vi phạm trong lĩnh vực đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, cũng như đề xuất sửa đổi, bổ sung những bất cập còn tồn tại.
Để đi làm việc ở nước ngoài các bạn cần chủ động tìm hiểu thông tin cần thiết liên quan đến thị trường, ngành nghề công việc dự kiến sẽ làm việc ở nước ngoài, chủ động nâng cao trình độ về ngoại ngữ và tay nghề phù hợp với yêu cầu của thị trường tiếp nhận; trực tiếp liên hệ và thực hiện theo hướng dẫn của doanh nghiệp để đáp ứng các yêu cầu theo quy định của nước tiếp nhận lao động.
Ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Nhân lực AKANE |
THÚY HẰNG