Theo TS Trần Lăng, Hiệu trưởng Trường đại học Phú Yên, những năm gần đây, hoạt động nghiên cứu khoa học của nhà trường tiếp tục triển khai đổi mới theo hướng nâng cao hiệu quả, gắn với đời sống, sản xuất. Để đưa hoạt động nghiên cứu khoa học đi vào chiều sâu, đạt thành tựu như kỳ vọng, nhà trường có nhiều chính sách hỗ trợ, động viên những người làm công tác nghiên cứu.
Tập trung các đề tài gắn với đời sống, sản xuất
Dưới sự định hướng, ủng hộ của ban giám hiệu nhà trường, thời gian qua, ThS Nguyễn Trần Vũ, Trưởng bộ môn Trồng trọt - Lâm nghiệp, Khoa Nông nghiệp (Trường đại học Phú Yên) đã triển khai nhiều đề tài, dự án nhằm bảo tồn, phát triển các loài cây bản địa trên địa bàn tỉnh Phú Yên như: cam thảo Đá Bia, trà mã dọ, sim rừng… hướng đến mục tiêu giúp cho người dân có thêm nguồn sinh kế từ rừng.
Bà Đào Thị Mỹ Liên, trước đây có nhiều năm làm Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã An Xuân, huyện Tuy An và hiện nay phối hợp cùng ThS Nguyễn Trần Vũ phát triển cây sim trên vùng đất An Xuân, hướng mắt về vườn sim cho biết: “Ban đầu, khi thầy Vũ về An Xuân thuê đất, thuê người đào gốc sim trên rừng về trồng, người dân trong thôn xóm nửa tin, nửa ngờ vì không biết trồng để làm gì. Sau này khi thầy Vũ thuê mướn nhân công và tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương, rồi khi nhìn vườn sim lớn lên và trái sim được dùng để sản xuất thử rượu vang, mọi người bắt đầu phấn khởi. Hiện nay, thầy Vũ đang đặt vấn đề cung cấp cây giống, bao tiêu sản phẩm cho người dân trồng sim nên thời gian tới, sẽ có nhiều người dân cùng tham gia”.
Cùng với cây sim, hiện nay cây trà mã dọ đã phát triển tốt trong vườn ươm, cây cam thảo Đá Bia phát triển ổn định dưới tán keo. Đây đều là những cây trồng có nhiều triển vọng giúp người dân có thêm nguồn sinh kế, cải thiện thu nhập.
Chia sẻ về việc thực hiện dự án Bảo tồn, phát triển các loài cây bản địa của Phú Yên, ThS Vũ cho biết: “Lâu nay, mọi người thường nghĩ rằng ở dưới tán cây keo thì ít có loài cây nào phát triển được. Nhưng nhóm nghiên cứu chúng tôi đã thực hiện một cuộc thử nghiệm trồng cây cam thảo Đá Bia dưới tán keo và kết quả trong 370 cây trồng đều sống và sau 2 tháng sinh trưởng tốt. Tính theo chu kỳ sinh trưởng thì cứ khoảng mỗi 2-2,5 năm, người trồng sẽ thu hoạch cam thảo một lần và 5 năm sau (khi thu keo) thì họ thu hoạch cam thảo lần thứ hai. Tương tự với cây sim, nếu tính sơ bộ mỗi cây sim thu được 1kg, mỗi ký có giá bán thô 10.000 đồng thì so với keo, sim vẫn mang lại lợi nhuận tối thiểu gấp đôi. Hơn nữa với cây sim, người dân chỉ cần trồng một lần và thu hoạch trong thời gian dài, ít đầu tư. Chưa kể, hướng phát triển của nhóm nghiên cứu là dùng loại sim này để phát triển thành sản phẩm rượu vang sim sẽ mang lại lợi nhuận cao hơn nữa.
Thời gian qua, Trường đại học Phú Yên còn thực hiện các đề tài khác như: Mô hình trồng các loại nấm ăn và nấm dược liệu tại Trường đại học Phú Yên; Ứng dụng quy trình sản xuất măng tây xanh thương phẩm tại vùng đất cát Trường đại học Phú Yên; Ứng dụng quy trình nhân giống Invitro cây sung Magic tại Trường đại học Phú Yên; Ứng dụng và hoàn thiện quy trình trồng cây đinh lăng trên đất cát ở tỉnh Phú Yên; Xây dựng quy trình nhân giống Invitro và trồng thử nghiệm giống thơm đặc hữu tại xã Sơn Long, huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên... Những đề tài có tính ứng dụng sau khi nghiên cứu, nhà trường đã chuyển giao kết quả cho một số đơn vị, cá nhân ở các địa phương trong tỉnh áp dụng và có những hiệu quả bước đầu.
Luôn tạo điều kiện thuận lợi
TS Đào Nhật Kim, Trưởng Phòng Quản lý khoa học và Hợp tác quốc tế của trường, cho biết chiến lược phát triển của nhà trường giai đoạn 2016-2025 và định hướng đến năm 2030 là: “Nghiên cứu khoa học một mặt phải phục vụ trực tiếp nhiệm vụ phát triển và nâng cao chất lượng GD-ĐT, mặt khác nghiên cứu khoa học phải xuất phát từ nhu cầu phục vụ phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội của tỉnh Phú Yên, của khu vực Nam Trung Bộ - Tây Nguyên”.
Xuất phát từ định hướng trên, trong những năm qua, hoạt động nghiên cứu khoa học của đội ngũ cán bộ, giảng viên nhà trường đã có những đóng góp đáng kể vào thành tích chung hoạt động nghiên cứu khoa học của tỉnh nhà. Bên cạnh đó, hoạt động sáng tạo kỹ thuật, phát huy sáng kiến được cán bộ, giảng viên của nhà trường chú trọng, nhiều giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả trong công việc phụ trách. Trong đó phải kể đến các sáng tạo kỹ thuật, sáng kiến được nhà trường áp dụng đem lại hiệu quả thiết thực như: Sử dụng và bảo trì một số thiết bị phục vụ giảng dạy và học tập tại Trường đại học Phú Yên; Một số biện pháp nâng cao chất lượng trong công tác quản lý hoạt động thực tập sư phạm của học viên hệ vừa học, vừa làm, Trường đại học Phú Yên; Một số giải pháp nhằm đổi mới phương thức tổ chức và hoạt động của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Trường đại học Phú Yên trong điều kiện đào tạo theo học chế tín chỉ; Phần mềm tra cứu bệnh vật nuôi...
Theo TS Trần Lăng, nhìn chung việc ứng dụng các kết quả nghiên cứu khoa học ở các trường đại học nói chung, Trường đại học Phú Yên nói riêng hiện nay chưa cao vì hoạt động này gắn liền với nhiều điều kiện, trong đó, quan trọng nhất vẫn là yếu tố con người, có đủ sự đam mê, kiên trì, bền bỉ hay không. Để đưa các kết quả đề tài, dự án vào thực tiễn, nhiều giảng viên của trường đã kết nối với các viện, các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất… Tuy nhiên, kết quả vẫn còn nhiều hạn chế; chủ yếu chỉ ở phạm vi trong tỉnh, chưa có những kết quả nghiên cứu khoa học có tầm ảnh hưởng rộng và đem lại hiệu quả cao trong triển khai, ứng dụng. Để thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học, nhà trường đã áp dụng một số chính sách có tính chất động viên, khuyến khích cán bộ, giảng viên. Mong rằng, với định hướng và sự đồng hành này, thời gian tới, hoạt động nghiên cứu khoa học của nhà trường sẽ đạt được nhiều thành tựu.
Năm 2021, Trường đại học Phú Yên tổ chức xét duyệt 6 đề tài; nghiệm thu 10 đề tài cấp trường của cán bộ, giảng viên. Các đề tài đã nghiệm thu được chuyển giao cho thư viện, các khoa chuyên môn, phòng thực hành để ứng dụng vào thực tiễn nghiên cứu, giảng dạy, nuôi trồng. |
THÁI HÀ