5 năm qua, ngành KH-CN tỉnh luôn được Đảng bộ và lãnh đạo tỉnh quan tâm, chỉ đạo để phát huy những tiềm năng, lợi thế, qua đó đạt được những thành tựu quan trọng, có sức lan tỏa, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Vừa qua, UBND tỉnh tổ chức hội nghị tổng kết hoạt động KH-CN giai đoạn 2016-2020 nhằm tổng kết hoạt động KH-CN 5 năm qua và định hướng phát triển, ứng dụng KH-CN, đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021-2025.
Những dấu ấn KH-CN quan trọng
Trong 5 năm (2016-2020), hoạt động KH-CN trên địa bàn tỉnh đạt được nhiều thành tựu đáng kể, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Ngành KH-CN đã tập trung nghiên cứu, ứng dụng KH-CN trên các lĩnh vực phục vụ sản xuất và đời sống; cung cấp cơ sở khoa học, luận cứ ở một số ngành; sản xuất sản phẩm nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ có giá trị gia tăng; phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sinh thái để tạo sự chuyển biến về chất lượng trong quá trình phát triển.
Số liệu thống kê cho thấy, KH-CN đã đóng góp vào tăng trưởng kinh tế, đo bằng chỉ số năng suất yếu tố tổng hợp (TFP) đạt 32%. Bên cạnh đó, công tác quản lý nhà nước về KH-CN có đổi mới, tiềm lực KH-CN được nâng lên; hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, phát triển KH-CN trên các lĩnh vực được đẩy mạnh, hướng đến việc ứng dụng hiệu quả các kết quả đề tài, dự án vào thực tiễn sản xuất và đời sống. Trong giai đoạn 2016-2020, tỉnh đã nghiệm thu, bàn giao và đưa kết quả 78/102 nhiệm vụ nghiên cứu vào ứng dụng. Trong đó đáng chú ý có 3 kết quả nghiên cứu làm cơ sở hình thành 3 doanh nghiệp KH-CN với nhiều sản phẩm đã được thương mại hóa thành công.
Công ty TNHH Thủy sản Đắc Lộc là đơn vị đi đầu trong hoạt động ứng dụng KH-CN vào lĩnh vực thủy sản, và là một trong hai đơn vị đầu tiên của tỉnh được cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp KH-CN. Cùng với sự phát triển của doanh nghiệp, Đắc Lộc được địa phương, Trung ương tin tưởng giao thực hiện các dự án cấp nhà nước: “Hoàn thiện quy trình công nghệ nuôi tôm hùm thương phẩm trong bể trên bờ quy mô hàng hóa tại vùng bãi ngang tỉnh Phú Yên” và “Hoàn thiện quy trình và xây dựng mô hình nuôi tôm hùm lồng công nghệ Nauy theo hướng bền vững tại các vùng biển tỉnh Phú Yên”.
Ông Lê Hữu Tình, Phó Giám đốc Công ty TNHH Thủy sản Đắc Lộc cho biết, trong quá trình phát triển và trở thành doanh nghiệp KH-CN, Đắc Lộc đã nhận được sự hỗ trợ từ Trung ương, địa phương để có cơ hội nghiên cứu, ứng dụng những thành tựu KH-CN mới nhất vào cải tiến chất lượng sản phẩm, tạo ra sản phẩm chất lượng cao, đem lại lợi ích cho nhà nông và đối tác. Việc đầu tư ứng dụng công nghệ cao vào quy trình sản xuất là tiền đề giúp Đắc Lộc tạo ra những mô hình nuôi bền vững, góp phần đưa ngành nuôi trồng thủy sản phát triển theo hướng hiện đại, quy mô, đồng bộ, chất lượng và hiệu quả.
Động lực then chốt phát triển kinh tế - xã hội
Đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ KH-CN; đổi mới sáng tạo, bứt phá trong năng suất, chất lượng, nâng cao sức cạnh tranh; bảo hộ sở hữu trí tuệ các sản phẩm địa phương… đang góp phần quan trọng và trở thành động lực then chốt phát triển kinh tế - xã hội. Để tạo sự bứt phá cho hoạt động KH-CN, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã xây dựng và ban hành Nghị quyết 11 về phát triển, ứng dụng KH-CN và đổi mới sáng tạo phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; UBND tỉnh cũng ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết 11, đồng thời phê duyệt đề xuất đặt hàng và triển khai 5 nhiệm vụ KH-CN cấp quốc gia năm 2022. Trong đó có 2 nhiệm vụ cấp thiết, 3 dự án nông thôn miền núi.
Để thực hiện mục tiêu đưa nhiều giải pháp công nghệ vào các hoạt động kinh tế - xã hội, ông Dương Bình Phú, Giám đốc Sở KH-CN cho biết, giai đoạn 2021-2025, ngành KH-CN tập trung nguồn lực để triển khai các định hướng phát triển KH-CN chủ yếu, các nhiệm vụ KH-CN cấp quốc gia triển khai trên địa bàn tỉnh; chú trọng phát triển nguồn nhân lực KH-CN, đầu tư hạ tầng cơ sở, trang thiết bị hiện đại phục vụ cho nghiên cứu, ứng dụng KH-CN; phát triển thị trường KH-CN, doanh nghiệp KH-CN và các hoạt động dịch vụ KH-CN; đẩy mạnh hợp tác và phát triển KH-CN trong khu vực và quốc tế, nhất là các viện, trường, doanh nghiệp có thế mạnh trên các lĩnh vực mà tỉnh đặt ra.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đào Mỹ chỉ đạo các sở, ban ngành; UBND các huyện, thị xã, thành phố cần xác định nhiệm vụ phát triển, ứng dụng KH-CN và đẩy mạnh đổi mới sáng tạo là nhiệm vụ trọng tâm gắn với kế hoạch phát triển của ngành, địa phương mình; trong đó, tập trung triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp và 6 chương trình theo Nghị quyết 11 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển, ứng dụng KH-CN và đổi mới sáng tạo phục vụ kinh tế - xã hội. Bên cạnh đó, UBND các huyện, thị xã, thành phố cần quan tâm củng cố kiện toàn đội ngũ cán bộ KH-CN để đủ năng lực tiếp nhận, triển khai các đề tài, dự án KH-CN đến người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; các viện nghiên cứu, các trường đại học, doanh nghiệp tiếp tục phối hợp với các sở, ngành đưa kết quả nghiên cứu KH-CN vào các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, nhất là ở những ngành, lĩnh vực có lợi thế ở địa phương…
Hoạt động KH-CN của Phú Yên 5 năm qua đạt được nhiều kết quả quan trọng; tỉnh nên tiếp tục triển khai các hoạt động KH-CN bám sát vào Chiến lược phát triển KH-CN và đổi mới sáng tạo khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong năm 2022; tập trung quản lý, khai thác, phát triển tài sản trí tuệ; đẩy mạnh hoạt động đổi mới sáng tạo, phát triển thị trường KH-CN, doanh nghiệp KH-CN; quan tâm quy hoạch tổ chức doanh nghiệp KH-CN công lập, ngoài công lập, tổ chức nghiên cứu và hỗ trợ cho doanh nghiệp…
Ông Thân Ngọc Hoàng, Phó Vụ trưởng Vụ Phát triển KH-CN địa phương (Bộ KH-CN) |
THÁI HÀ