TASS đưa tin, người sáng lập kiêm Tổng Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Di truyền Phân tử của Nga tại DNKOM Andrei Isayev ngày 1/12 nhận định biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 có thể lây lan trên toàn cầu, trong bối cảnh vẫn chưa rõ cách thức phát hiện chúng thông qua các xét nghiệm PCR hiện nay.
Ông Isayev nói: "Do số lượng đột biến lớn, hiện vẫn chưa rõ cách thức chính xác biến thể Omicron hiển thị trên các xét nghiệm PCR và liệu các bác sĩ phòng thí nghiệm có thể phát hiện chúng với hệ thống xét nghiệm hiện có hay không. Theo quan điểm của tôi, chúng ta không biết phạm vi thực sự mà Omicron xuất hiện trên toàn thế giới vì một phần rất nhỏ mẫu bệnh phẩm được giải trình tự (gene của virus), so với các xét nghiệm PCR".
Ông lưu ý: "Chúng tôi không thể giải trình tự các mẫu phẩm của từng người đến từ các quốc gia châu Phi. Và với tần suất di chuyển cao, nhiều khả năng biến thể này sẽ lây lan ra toàn thế giới”. Trước đó, người đứng đầu cơ quan kiểm soát và bảo vệ tiêu dùng Nga, bà Anna Popova cho biết vẫn chưa phát hiện biến thể Omicron ở Nga.
Theo phóng viên TTXVN tại Kuala Lumpur, trước sự xuất hiện của biến thể Omicron, chuyên gia y tế Malaysia kêu gọi người dân nước này tiếp tục tuân thủ nghiêm túc các quy định giãn cách xã hội. Tiến sĩ virus học Kumitaa Theva Das cho rằng trong vài tuần tới, giới khoa học sẽ công bố thêm thông tin về biến thể Omicron.
Tuy nhiên, trong khi chờ đợi, “chúng ta nên tiếp tục giữ khoảng cách, đeo khẩu trang, tránh những nơi đông người và thường xuyên cảnh giác để bảo vệ bản thân và gia đình”. Trước mọi biến thể của virus SARS-CoV-2, người dân nên chủ động góp phần làm giảm thiểu nguy cơ lây lan. Theo chuyên gia này, những người đã tiêm phòng đầy đủ đã có kháng thể bảo vệ trước biến thể Delta, cũng như với biến thể Omicron.
Đề cập đến mũi tiêm tăng cường, Tiến sĩ Theva Das cho biết dữ liệu toàn cầu từ các quốc gia cho thấy vắc xin đã tăng cường khả năng miễn dịch cho cơ thể trong ít nhất một vài tháng, giúp các nhà nghiên cứu có thể tìm hiểu thêm về biến thể Omicron, cũng như sản xuất được vắc xin hoạt động hiệu quả hơn chống lại biến thể mới này. Tiến sĩ Theva Das cũng kêu gọi người dân nên giữ bình tĩnh trong thời gian Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và các chuyên gia y tế nghiên cứu sâu hơn về biến thể Omicron.
Trong khi đó, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm của Bệnh viện Penang (Malaysia), bác sĩ Chow Ting Soo cho biết có một số dấu hiệu cho thấy biến thể Omicron có nhiều đột biến nhưng điều này không đồng nghĩa rằng biến thể này nguy hiểm hơn.
Các triệu chứng ở những bệnh nhân nhiễm Omicron tới nay đều được ghi nhận ở mức vừa phải như đau đầu và mệt mỏi. Theo chuyên gia này, những việc nên làm vào lúc này vẫn là nâng cao ý thức cảnh giác, tránh đến nơi đông người, cũng như tiêm mũi tăng cường để nâng cao hiệu quả bảo vệ của vắc xin.
Trong diễn biến liên quan, Bộ trưởng Y tế Malaysia Khairy Jamaluddin cho biết biến thể Omicron có thể dễ lây lan hơn biến thể Delta nhưng hiện chưa rõ mức độ nguy hiểm. Do đó, trong lúc này, người dân nên tăng cường các biện pháp bảo vệ sức khỏe cộng đồng, giữ cho không khí trong nhà thông thoáng, đảm bảo an toàn cho người lớn tuổi và tăng cường sức đề kháng cho cơ thể.
Hãng tin Kyodo của Nhật Bản cho biết ngày 1/12, nước này đã xác nhận ca thứ 2 nhiễm biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, là một hành khách nhập cảnh từ Peru. Ca đầu tiên nhiễm biến thể trên ở Nhật Bản được ghi nhận một ngày trước đó, là một nhà ngoại giao trở về từ Namibia. Theo Chánh văn phòng Nội các Hirokazu Matsuno, bệnh nhân là một thanh niên khoảng 20 tuổi, nhập cảnh tại sân bay Narita gần Tokyo ngày 27/11 vừa qua.
Cùng ngày, Chính phủ Nhật Bản thông báo nước này sẽ không cho phép hành khách nước ngoài, kể cả những người có thị thực dài hạn, nhập cảnh trở lại nếu họ từng đến các quốc gia ở miền Nam châu Phi trong thời gian qua.
Phát biểu với báo giới, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Hirokazu Matsuno cho biết biện pháp trên có hiệu lực từ ngày 2/12, áp dụng với người trở về từ 10 nước gồm Angola, Botswana, Eswatini, Lesotho, Malawi, Mozambique, Namibia, Nam Phi, Zambia và Zimbabwe.
Ngoài ra, Nhật Bản cũng siết chặt quy định cách ly đối với người nhập cảnh, theo đó yêu cầu tất cả công dân và người nước ngoài thường trú ở nước này trở về từ 27 quốc gia và vùng lãnh thổ có nguy cơ cao phải cách ly bắt buộc tại các cơ sở do chính phủ chỉ định trong 10 ngày.
Cũng trong ngày 1/12, một quan chức Bộ Giao thông Nhật Bản cho hay nước này đã yêu cầu các hãng hàng không tạm dừng nhận đặt chỗ cho tất cả các chuyến bay được lên lịch trình trong một tháng tới, kể từ ngày 1/12. Những vé máy bay đã đặt không bị ảnh hưởng.
Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh của Nigeria (NCDC) ngày 1/12 thông báo đã ghi nhận những ca đầu tiên nhiễm biến thể Omicron là hai du khách người Nam Phi đã tới nước này vào tuần trước.
Thông báo cho biết do nguy cơ lây nhiễm cao của biến thể mới này nên việc thực hiện các biện pháp nhằm hạn chế sự lây nhiễm trong cộng đồng là vấn đề cấp thiết. Cũng theo NCDC, ngoài những ca mắc mới nói trên, nước này cũng đã phát hiện biến thể Omicron trong một mẫu xét nghiệm thu được trong tháng trước.
Thông báo trên của NCDC được đưa ra trước thềm cuộc gặp giữa Tổng thống Nam Phi Cyril Rampahosa và người đồng cấp Nigeria Muhammadu Buhari dự kiến sẽ diễn ra cùng ngày ở Abuja (Nigeria), trong đó vấn đề biến thể Omicron được cho là có thể sẽ được đưa ra thảo luận.
Biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 được ghi nhận lần đầu tiên ở khu vực miền nam châu Phi và đang lây lan khắp thế giới. Để ứng phó với biến thể mới này, nhiều nước đã áp đặt lệnh cấm đối với hành khách đến từ các quốc gia trong khu vực trên, đặc biệt là Nam Phi. Theo Tổng thống Nam Phi Rampahosa, lệnh cấm này là không công bằng và ảnh hưởng tới các nước đang phát triển.
H.N (tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+)