Thứ Hai, 25/11/2024 12:42 CH
Lan tỏa phương pháp dạy nghề sáng tạo
Thứ Bảy, 20/11/2021 07:00 SA

Cô Đỗ Thị Cẩm Vinh hướng dẫn sinh viên thực hành may tại Xưởng thực hành của Trường cao đẳng Nghề Phú Yên. Ảnh: THÚY HẰNG

Hội giảng Nhà giáo giáo dục nghề nghiệp (GDNN) năm 2021 đã bế mạc ngày 18/11 nhưng những phương pháp giảng sáng tạo trong thời đại số sẽ được nhân rộng, lan tỏa đến các trường dạy nghề, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo.

 

Phú Yên có 4 nhà giáo, gồm Đỗ Thị Cẩm Vinh, Trần Khắc Trí Nhân (Trường cao đẳng Nghề Phú Yên), Võ Quốc Dũng, Phạm Quốc Lợi (Trường cao đẳng Công Thương Miền Trung) tham gia hội giảng lần này.

 

Luôn học hỏi và đổi mới trong dạy nghề

 

10 năm gắn bó với công việc giảng dạy nghề may và thiết kế thời trang nhưng với ThS Đỗ Thị Cẩm Vinh, mỗi lần đứng trước học sinh, sinh viên (HSSV) là một lần chuẩn bị giáo án tỉ mỉ. Bởi theo cô Vinh, đầu vào của HSSV thuộc hệ thống GDNN thấp nên giáo viên luôn băn khoăn, trăn trở làm thế nào để chất lượng dạy và học sát với yêu cầu thực tế; làm thế nào để HSSV có sự say mê đối với nghề đã chọn. Từ những suy nghĩ đó, cô không ngừng nỗ lực đổi mới phương pháp giảng dạy gắn với yêu cầu thực tiễn.

 

Tham gia hội giảng lần này, cô Vinh trình giảng bài: Thiết kế thân trước váy cơ bản. “Nội dung bài giảng không thay đổi, chỉ thay đổi ở cách truyền đạt, đó là từ trực tiếp sang trực tuyến. Cách dạy này đòi hỏi giáo viên không chỉ có kiến thức chuyên môn mà còn phải biết sử dụng công nghệ thông tin, phần mềm classroom khi giảng dạy”, ThS Đỗ Thị Cẩm Vinh cho hay.

 

Năm 2018, cũng tại hội giảng này, cô Vinh chỉ đạt giải khuyến khích. Rút kinh nghiệm và học hỏi từ các đồng nghiệp, những năm qua, cô Vinh tập trung dạy học theo định hướng phát triển năng lực người học, trong đó có hướng dẫn HSSV tự mình hoàn thành nhiệm vụ nhận thức dưới sự tổ chức, hướng dẫn của giáo viên. Quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học trên cơ sở học đi đôi với hành, lý luận gắn với thực tiễn, giáo dục nhà trường kết hợp với doanh nghiệp, cô Vinh dễ dàng đưa nội dung bài giảng đến người học dù là ở hình thức trực tiếp hay trực tuyến.

 

Tương tự, đến với Hội giảng Nhà giáo GDNN toàn quốc lần này, các nhà giáo Võ Quốc Dũng, Phạm Quốc Lợi, Trần Khắc Trí Nhân không đặt nặng mục tiêu giải thưởng mà chỉ muốn thử sức ở một hội thi tầm quốc gia.

 

Hơn 20 năm gắn bó với việc dạy nghề điện, hàng ngày, dù ở lớp học hay xưởng thực hành, ngoài dạy học trò kiến thức, thầy Dũng còn chỉ bảo các em về cách sống. Với thầy, câu chuyện dạy nghề luôn có điểm nhấn là người học, vì thế thầy có thêm động lực để tiếp tục cống hiến, tận tâm với nghề. Theo thầy Dũng, điện là ngành học mang tính ứng dụng cao, nó rất thiết thực với đời sống. Chính vì vậy, bên cạnh dạy lý thuyết, thầy thường tăng cường thời lượng thực hành bằng cách đưa người học đến các công trình mà thầy và các đồng nghiệp nhận bảo trì, sửa chữa hoặc lắp đặt để các em làm quen, trải nghiệm với môi trường thực tế, qua đó giúp các em rèn luyện thêm kỹ năng tay nghề. Một khi hiểu rõ về nghề thì các em sẽ yêu thích nghề và nỗ lực hơn trong học tập.

 

Trong khi đó, thầy Phạm Quốc Lợi chia sẻ, điều quan tâm nhất của người thầy là hiệu quả việc học của học trò. “Tùy theo nội dung bài học, tôi sẽ chọn phương pháp dạy phù hợp, trong đó đặc biệt chú trọng phương pháp dạy học tích hợp giữa lý thuyết và thực hành. Thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch bệnh nên HSSV tạm dừng đến trường nhưng nhà giáo chúng tôi thì không dừng dạy. Và phương pháp giảng dạy trực tuyến đã giúp chúng tôi tự làm mới mình về cách soạn giáo án cũng như truyền đạt kiến thức đến người học”.

 

Có thâm niên dạy nghề chưa đến 5 năm, nhưng thầy giáo sinh năm 1992 Trần Khắc Trí Nhân được tập thể Trường cao đẳng Nghề Phú Yên chọn tham gia hội giảng toàn quốc lần này. Thầy Nhân cho biết: Dù đã tốt nghiệp thạc sĩ, nhưng với tôi, việc tự học, tự cập nhật kiến thức mới là việc làm hàng ngày, nhất là với những phương pháp dạy hay, hiệu quả. Qua hội giảng lần này, dù chưa đạt giải nhưng tôi học được rất nhiều từ các đồng nghiệp về phương pháp giảng dạy cũng như cách tiếp cận người học để thu hút các em vào từng bài giảng, bài thực hành. “Nếu không muốn tụt hậu thì phải tự học, tự nâng cao trình độ mỗi ngày. Đặc biệt, với ngành công nghệ thực phẩm mà tôi đang theo đuổi, những kiến thức mới của hôm nay, ngày mai chưa chắc còn mới. Khi thầy kịp thời cập nhật những kiến thức mới và áp dụng vào giảng dạy thì HSSV mới ứng dụng thực tế hiệu quả”, thầy Nhân nhấn mạnh.

 

Thầy Trần Khắc Trí Nhân trình giảng bài Quan sát mẫu vật nấm mốc bằng lớp kính hiển vi quang học tại Hội giảng Nhà giáo GDNN toàn quốc năm 2021. Ảnh: THÚY HẰNG

 

Thích ứng với tình hình mới

 

Hội giảng Nhà giáo GDNN toàn quốc năm 2021 có 404 nhà giáo tham gia trình giảng tại 113 địa điểm tại 55 địa phương và 6 bộ, ngành. Đây là lần đầu tiên Hội giảng Nhà giáo GDNN được tổ chức bằng hình thức trực tuyến nhằm biến thách thức thành cơ hội chuyển đổi số thành công trong lĩnh vực đào tạo nghề. Mỗi thầy cô mang đến hội giảng những nội dung và phương pháp khác nhau với thông điệp: Đổi mới - sáng tạo - thích ứng - hội nhập. Bởi vậy, nhiều thầy cô đến hội giảng với tâm thế muốn được phô diễn năng lực sư phạm và kỹ năng, để qua đó cùng tìm ra những cách dạy hay, hiệu quả, nhân rộng trong quá trình giảng dạy ở các trường. Trong 4 đại diện của tỉnh, chỉ có cô Vinh đạt giải ba. Dù đạt giải hay chưa đạt giải, đối với các thầy cô, đây thực sự là cơ hội để họ học hỏi được những điều hay từ các bài trình giảng của đồng nghiệp trên cả nước.

 

Phó Hiệu trưởng Trường cao đẳng Nghề Phú Yên Nguyễn Văn Nhất bộc bạch: Trường không đặt mục tiêu đạt giải thưởng mà chỉ nêu quan điểm đây là cơ hội để các thầy cô được học tập, bồi dưỡng. Những bài giảng đạt kết quả tốt có sự đóng góp của tập thể sư phạm từ những chi tiết nhỏ nhất. Do đó, trong thời gian hội giảng, nhà trường đã tổ chức ghi hình các bài trình giảng để lan tỏa những phương pháp dạy nghề sáng tạo tới từng giáo viên.

 

Quá trình hội nhập đang đòi hỏi các nhà giáo GDNN những chuyển biến tích cực trong chuyên môn để đáp ứng tốt nhất yêu cầu dạy học. Bên cạnh việc bồi dưỡng thường xuyên, định kỳ của từng trường học thì tự bồi dưỡng cũng là cách giúp các thầy cô giáo nâng cao trình độ của chính mình. Theo Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN (Bộ LĐ-TB-XH) Trương Anh Dũng, trong thời gian tới, hơn 20 ngành, nghề và kỹ năng nghề mới sẽ được triển khai đào tạo lại gắn với chuyển đổi việc làm cho 300.000 lao động. Để đạt được mục tiêu nêu trên, vai trò của các nhà giáo là rất quan trọng. “Muốn công tác giảng dạy đạt chất lượng, người thầy phải thường xuyên học hỏi, cập nhật kiến thức mới, áp dụng nhiều phương pháp dạy học hay và khơi gợi niềm say mê học tập của HSSV. Đây chính là mục tiêu mà Ban tổ chức Hội giảng Nhà giáo GDNN mong muốn ở các nhà giáo, để qua đó giúp các cơ sở GDNN có cơ sở cập nhật và thay đổi phương pháp đào tạo đáp ứng nhu cầu nhân lực trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0”, ông Trương Anh Dũng nhấn mạnh. 

 

Xu thế giáo dục mới, người thầy càng phải nâng cao trình độ nếu muốn đào tạo ra những thế hệ học trò tốt hơn, nên tôi vẫn tìm tòi, tự học mỗi ngày.

 

ThS Trần Khắc Trí Nhân

 

THÚY HẰNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek