Nhân kỷ niệm 39 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982-20/11/2021), Báo Phú Yên phỏng vấn Giám đốc Sở GD-ĐT Trần Khắc Lễ xoay quanh công tác dạy và học trong thời gian tới.
Ông Trần Khắc Lễ cho biết: Dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp trên địa bàn tỉnh ảnh hưởng rất lớn đến mọi hoạt động. Trong đó, các cấp học phải cho học sinh tạm dừng đến trường, chuyển sang học trực tuyến, linh hoạt. Mặc dù khó khăn và không ít thách thức, nhưng ngành Giáo dục sẽ nỗ lực để hoàn thành chương trình năm học; tích cực triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19 nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối cho thầy và trò trước khi đến trường học trực tiếp.
Ông Trần Khắc Lễ |
* Tình hình dịch COVID-19 vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp, ngành Giáo dục tỉnh sẽ ứng phó như thế nào để vừa chuyển tải kiến thức cho học sinh, vừa đảm bảo an toàn cho thầy và trò, thưa ông?
- Dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh còn diễn biến phức tạp và có thể kéo dài. Vì thế năm học 2021-2022, ngành Giáo dục tỉnh sẽ chủ động phối hợp với các sở, ban ngành liên quan hướng dẫn các cơ sở giáo dục (CSGD) thực hiện kế hoạch năm học phù hợp với tình hình dịch COVID-19 như: tổ chức dạy học trực tuyến, trực tiếp, qua truyền hình.
Để dạy học trực tuyến, ngành Giáo dục tổ chức tập huấn, bồi dưỡng các kỹ năng cần thiết cho đội ngũ nhà giáo để tiến hành dạy học; xây dựng nền tảng dạy và học trực tuyến dùng chung hệ thống bài giảng chuẩn hóa, kho học liệu điện tử chia sẻ theo hướng tạo môi trường tương tác, tăng tính thích ứng và trải nghiệm đối với người học, đồng thời tăng cường khả năng tự học cho học sinh. Đối với những trường tổ chức dạy học trực tiếp thì tận dụng tối đa thời gian để dạy kiến thức mới kết hợp ôn tập, củng cố kiến thức cho học sinh. Mỗi trường học đều xây dựng kế hoạch, phương án cụ thể trong phòng, chống dịch để học sinh đến trường học trực tiếp an toàn. Riêng bậc học mầm non không tổ chức dạy học trực tuyến thì tập trung phối hợp, hướng dẫn, hỗ trợ cha mẹ trẻ nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ ở nhà theo các hình thức phù hợp.
* Thưa ông, quá trình tổ chức dạy học trực tuyến, linh hoạt gặp những khó khăn gì?
- Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, trẻ mầm non phải ở nhà trong thời gian dài, ảnh hưởng đến nền nếp, thói quen, chế độ sinh hoạt theo yêu cầu phát triển của độ tuổi. Các CSGD phổ thông tổ chức dạy học trực tuyến, qua mạng internet nên chất lượng dạy và học bị ảnh hưởng. Hạ tầng, trang thiết bị công nghệ thông tin ở các địa phương, trường học còn thiếu đồng bộ, nhiều học sinh thiếu thiết bị đầu cuối, chưa kết nối mạng internet… dẫn đến việc dạy học trực tuyến chưa đồng bộ. Đối với những học sinh không có thiết bị học trực tuyến, các trường phải tổ chức dạy học linh hoạt, giáo viên phải gửi bài giảng, bài tập qua đường bưu điện hướng dẫn các em học tập, một số địa bàn khó khăn, giáo viên trực tiếp đem bài soạn đến nhà từng học sinh để hướng dẫn các em học và làm bài nên khá vất vả…
* Để khắc phục những khó khăn trên, ngành Giáo dục đã có kế hoạch gì, thưa ông?
- Để tạo điều kiện cho học sinh có điều kiện học tập, ngay từ đầu năm học, ngành Giáo dục đã hỗ trợ kinh phí và sách giáo khoa cho một số học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn để các em có điều kiện học tập. Thực hiện chương trình “Sóng và máy tính cho em”, đến nay, ngành Giáo dục đã vận động quyên góp hơn 1,8 tỉ đồng. Số tiền này dùng để mua máy tính bảng tặng học sinh thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, học sinh có cha mẹ bị tử vong do dịch COVID-19 nhưng chưa có máy tính để học trực tuyến. Việc hỗ trợ thiết bị học tập, sở cũng đã chỉ đạo các đơn vị, trường học hỗ trợ tinh gọn theo từng trường, không dàn trải để thuận lợi cho việc tổ chức dạy học trực tuyến theo chỉ đạo của Bộ GD-ĐT.
Ngoài ra, Sở GD-ĐT đã xin chủ trương để trình HĐND tại kỳ họp cuối năm giảm 50% mức thu học phí học kỳ I đối với bậc mầm non và phổ thông của năm học này nhằm hỗ trợ một phần cho người dân do ảnh hưởng của dịch COVID-19; quan tâm hỗ trợ và động viên học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn để huy động ra lớp, không để bất kỳ học sinh nào vì hoàn cảnh khó khăn thiếu sách giáo khoa, thiết bị học tập phải bỏ học.
* Nhân kỷ niệm 39 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam, với vai trò “tư lệnh ngành”, ông có những chia sẻ gì với cán bộ, nhà giáo, những người làm trong ngành Giáo dục?
- Dịch bệnh COVID-19 kéo dài và diễn biến khá phức tạp, ngành Giáo dục cũng phải thay đổi kế hoạch và hình thức dạy học để thích nghi. Vì thế, các thầy cô cũng phải nỗ lực để truyền đạt kiến thức cho học sinh của mình khi thực hiện các hình thức dạy học từ xa. Điều kiện dạy học hiện nay còn nhiều khó khăn và áp lực, nhưng thầy cô đã cố gắng để hoàn thành nhiệm vụ bằng tất cả nhiệt huyết, trí lực của mình. Không những trong dạy học mà thầy cô còn góp công sức trong công tác phòng chống dịch bệnh.
Nhân kỷ niệm 39 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam - ngày tri ân thầy cô giáo, tôi kính chúc quý thầy cô nhiều sức khỏe, niềm vui, hạnh phúc trong cuộc sống, thành công trong sự nghiệp cao quý của mình. Giữ vững bầu nhiệt huyết và lòng yêu nghề để truyền thụ kiến thức cho thế hệ học sinh, góp phần giúp các em trở thành người hữu dụng cho Tổ quốc.
* Xin cảm ơn ông!
Trong điều kiện dạy học hiện nay còn nhiều khó khăn và áp lực, nhưng thầy cô cũng đã cố gắng để hoàn thành nhiệm vụ bằng tất cả nhiệt huyết, trí lực của mình. Nhân kỷ niệm 39 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam - ngày tri ân thầy cô giáo, tôi xin kính chúc các thầy cô nhiều sức khỏe, niềm vui, hạnh phúc trong cuộc sống, thành công trong sự nghiệp cao quý của mình.
Giám đốc Sở GD-ĐT Trần Khắc Lễ |
TRUNG HIẾU (thực hiện)