Ngày 8/11, Bộ Y tế phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức hội nghị trực tuyến bảo đảm an toàn phòng, chống dịch COVID-19 trong các cơ sở giáo dục.
Ba nội dung được các đại biểu tập trung trao đổi là việc tiêm vắc xin cho học sinh, thực hiện 5K trong lớp học và kế hoạch xử lý trong trường hợp phát hiện F0 tại cơ sở giáo dục.
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết Việt Nam đang trải qua đợt dịch thứ tư ảnh hưởng rất sâu rộng, toàn diện đến tất cả các lĩnh vực, trong đó có giáo dục và y tế.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và nhiều quốc gia nhận định trong năm 2021 và 2022, tình hình dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, chưa thể kết thúc và không thể dự báo về việc có xuất hiện biến chủng mới của SARS-CoV-2 hay không.
Tuy nhiên, với tỉ lệ bao phủ vắc xin đạt cao, nhiều quốc gia đã thay đổi biện pháp phòng, chống dịch từ không có ca bệnh sang thích ứng sống chung với COVID-19, vừa chống dịch, vừa bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội.
Căn cứ vào tình hình thế giới và trong nước, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 về quy định tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”.
Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên phân tích nếu như trước đây, các ca F0 sẽ được chuyển ngay vào bệnh viện và các trường hợp F1 cách ly tập trung thì nay các giải pháp đã linh hoạt hơn, nếu bệnh nhân COVID-19 nặng thì đưa vào viện, bệnh nhân nhẹ có thể điều trị tại nhà, F1 cũng cách ly tại nhà.
Nhấn mạnh cần thống nhất an toàn thì mới đi học, khi đã đi học, phải bảo đảm an toàn, Thứ trưởng Bộ Y tế đề nghị sở Y tế, sở Giáo dục và Đào tạo các địa phương phải phối hợp rà soát, yêu cầu tất cả trường học các cấp xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch để thích ứng an toàn theo Nghị quyết số 128/NQ-CP. Mỗi trường học phải thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch, trong đó hiệu trưởng phải làm trưởng ban chỉ đạo.
Ban Chỉ đạo cấp quận, huyện trực tiếp kiểm tra và phê duyệt kế hoạch phòng, chống dịch của từng trường học trên địa bàn. Sở Y tế hướng dẫn, đánh giá cấp độ dịch ở từng xã, phường, quận, huyện để linh hoạt cho học sinh học trực tuyến hay đi học trở lại.
Các trường cần xây dựng kịch bản phòng, chống dịch chung và xử lý khi có trường hợp F0; quan tâm hơn nữa đến công tác y tế học đường; đảm bảo bố trí 2 phòng y tế có người trực và phòng cách ly tạm thời dành cho những học sinh, cán bộ giáo viên có biểu hiện ho, sốt…
Đồng thời, nhà trường phải tăng cường tuyên truyền để phụ huynh thấy được lợi ích của việc tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho con, em họ để họ đồng thuận và ủng hộ. Vấn đề học sinh đến trường học trực tiếp, phải đeo khẩu trang và đảm bảo giãn cách tiếp tục được thực hiện theo quy định của Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong đợt dịch lần thứ 4 có hơn 47.490 cán bộ giáo viên, trẻ em, học sinh, sinh viên mắc COVID-19.
Hiện đã có 28 tỉnh, thành phố đang tổ chức cho học sinh học trực tiếp trên địa bàn toàn tỉnh; 35 tỉnh, thành phố với 337 quận, huyện đang học trực tuyến, học trên truyền hình. Số học sinh đang học trực tuyến khoảng 6.739.020 (trong đó cấp tiểu học chiếm 42,5%; trung học cơ sở 74,3%; trung học phổ thông 55,2%; liên cấp 48,1%).
Hiện tỉ lệ cán bộ, nhà giáo, nhân viên trường học được tiêm đủ liều vắc xin còn thấp (trung bình toàn quốc là khoảng 62%). Các địa phương đã tăng cường tổ chức tiêm vắc xin phòng dịch cho đội ngũ cán bộ, nhà giáo, nhân viên ngành giáo dục.
TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Ninh Bình và một số địa phương khác đã triển khai tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho học sinh từ 12-17 tuổi. Nhiều địa phương đã có kế hoạch mở cửa trường học trở lại tại các quận, huyện vùng xanh từ ngày 15/11.
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Ngô Thị Minh, thời gian gần đây, tình hình dịch tiếp tục diễn biến phức tạp, số ca nhiễm trong cộng đồng gia tăng ở một số địa phương. Do đó, một số tỉnh, thành phố đã có kế hoạch cho trẻ em mầm non, học sinh đi học trực tiếp trở lại đã phải điều chỉnh kế hoạch.
Thậm chí, một số trường học tại các tỉnh Phú Thọ, Thanh Hóa, Quảng Nam, Hà Tĩnh... phải dừng hoạt động dạy học trực tiếp, chuyển sang học trực tuyến, học qua truyền hình do xuất hiện chùm ca bệnh lây nhiễm trong trường học.
Tại các tỉnh phía Nam, điều kiện cơ sở vật chất ở một số nơi chưa bảo đảm an toàn để đón học sinh tới trường. Trước đó, nhiều cơ sở giáo dục được trưng dụng làm nơi thu dung, điều trị, cách ly chưa được bàn giao cho ngành giáo dục để sửa chữa, vệ sinh, bảo đảm các điều kiện an toàn cho học sinh đi học trở lại…
Đại diện Vụ trưởng Vụ Giáo dục Thể chất (Bộ Giáo dục và Đào tạo) chia sẻ để mở cửa trường học trở lại, nhiều địa phương còn băn khoăn về việc bảo đảm giãn cách trong nhà trường; tổ chức cho học sinh ăn bán trú, việc đeo khẩu trang của giáo viên, trẻ em mầm non, học sinh khi thực hiện các hoạt động giáo dục trong nhà trường…
Đồng thời, nhiều địa phương chưa thống nhất được phương án, kịch bản xử lý khi phát hiện ca F0 trong trường học dẫn đến việc phong tỏa, ngừng hoạt động giáo dục trực tiếp trên diện rộng, ảnh hưởng đến kế hoạch và chất lượng giáo dục.
Đại diện Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế) cho biết theo quy định hiện nay, các địa bàn có nguy cơ dịch cấp độ 1 sẽ tổ chức dạy và học trực tiếp bình thường; ở cấp độ 2, dạy và học trực tiếp bình thường hoặc hạn chế; ở cấp độ 3 hạn chế dạy và học trực tiếp; cấp độ 4 ngừng dạy và học trực tiếp.
Nhằm đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch và bảo đảm chăm sóc sức khỏe học sinh trong các nhà trường, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có hướng dẫn các địa phương rà soát, sắp xếp, bổ sung nguồn lực cho công tác y tế trường học; bảo đảm mỗi cơ sở giáo dục có đầu mối y tế trường học thường trực để triển khai các nhiệm vụ phối hợp với ngành y tế trong công tác phòng chống dịch, tổ chức tiêm vắc xin cho học sinh.
Các địa phương cần nhanh chóng tiến hành, rà soát, bổ sung hoàn thiện các tiêu chí, quy định về bảo đảm an toàn phòng, chống dịch tại các cơ sở đào tạo, ký túc xá; bổ sung hướng dẫn phòng, chống dịch tại Sổ tay phòng, chống COVID-19 trong trường học.
Theo TTXVN/Vietnam+