Theo Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Thị Mộng Ngọc, Phó Chỉ huy trưởng Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh, tình hình dịch COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp; số ca mắc mới gia tăng mỗi ngày ở nhiều địa phương, kể cả tại Phú Yên. Hầu hết các trường hợp này liên quan đến người từ các vùng dịch trở về, kể cả các trường hợp đã tiêm đủ liều vắc xin.
Phân tích tình hình F0 của Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh cho thấy, trong 7 ngày qua, Phú Yên phát hiện 1 ca nhiễm qua sàng lọc cộng đồng, 18 ca nhiễm là F1, trong khu cách ly, khu phong tỏa; 28 ca nhiễm từ TP Hồ Chí Minh và các tỉnh có dịch trở về địa phương. Ổ dịch ở xã Hòa Đồng, huyện Tây Hòa đã có 9 trường hợp F1 trở thành F0. Công tác khoanh vùng, xử lý ổ dịch đang được thực hiện khẩn trương.
Báo Phú Yên trao đổi với BSCKII Nguyễn Thị Mộng Ngọc, Giám đốc Sở Y tế, Phó Chỉ huy trưởng Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh về công tác khoanh vùng, cách ly dập dịch và những lưu ý trong việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch hiện nay.
* Thưa bác sĩ, hiện nay, công tác khoanh vùng, xử lý ổ dịch được thực hiện như thế nào?
- Công tác khoanh vùng, xử lý ổ dịch hiện nay vẫn tiếp tục thực hiện theo các quy định của Bộ Y tế như trong giai đoạn Chính phủ chưa ban hành Nghị quyết 128. Cụ thể là ngay khi phát hiện ca F0 trong cộng đồng, phải nhanh chóng xác định các yếu tố dịch tễ có liên quan để quyết định khu vực cần phong tỏa theo nguyên tắc phong tỏa hẹp nhất có thể nhưng mở rộng phạm vi xét nghiệm tầm soát để tránh bỏ sót F0 ngoài cộng đồng. Quản lý chặt chẽ để tránh lây nhiễm chéo trong khu phong tỏa; đảm bảo cung ứng đầy đủ lương thực, thực phẩm và nhu cầu chăm sóc y tế bên trong khu phong tỏa; tiến hành lấy mẫu xét nghiệm 3 ngày/lần để sớm phát hiện các F0, đưa đi cách ly điều trị, sớm giải phóng phong tỏa, trả lại cuộc sống bình thường cho bà con.
* Công tác phòng, chống dịch đang gặp những khó khăn nào, thưa bà?
- Mặc dù đã trải qua gần 2 năm chống dịch, có những thời điểm vô cùng khó khăn, đe dọa quá tải ngành Y tế tỉnh nhà, nhiều đợt thực hiện giãn cách xã hội toàn tỉnh, ảnh hưởng đến đời sống vật chất lẫn tinh thần của toàn dân nhưng đến nay, vẫn còn một bộ phận người dân ý thức chưa đầy đủ về trách nhiệm chấp hành các quy định phòng chống dịch: thực hiện chưa nghiêm túc việc cách ly, khai báo y tế chưa đầy đủ, chưa tự giác khai báo khi bản thân là F1, F2, thậm chí khi đã có triệu chứng nghi ngờ mắc COVID-19 vẫn không khai báo để xét nghiệm kiểm tra. Điều này dẫn đến chậm phát hiện ổ dịch mới, tăng mức độ phức tạp của các ổ dịch, gây hao tốn nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch.
* Theo bà, cần lưu ý những gì trong việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch hiện nay?
- Hiện nay, tình hình dịch COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp; số ca mắc mới gia tăng mỗi ngày ở nhiều địa phương, kể cả ở tỉnh ta. Hầu hết các trường hợp này đều liên quan đến người từ các vùng dịch trở về, kể cả các trường hợp đã tiêm đủ liều vắc xin. Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 128 theo tinh thần tạo điều kiện thuận lợi cho việc khôi phục các hoạt động kinh tế - xã hội nhưng vẫn yêu cầu phải đảm bảo nguyên tắc an toàn phòng, chống dịch là trên hết. Vì vậy, trong giai đoạn này lưu ý bà con không được chủ quan, phải luôn thực hiện nghiêm thông điệp 5K của Bộ Y tế: khẩu trang, khoảng cách, khử khuẩn, không tụ tập đông người, khai báo y tế đầy đủ; tuân thủ các quy định về cách ly y tế, xét nghiệm khi có yêu cầu. Nếu có các biểu hiện như: sốt, ho, khó thở, mất vị giác/khứu giác…, bà con phải liên hệ với trạm y tế nơi cư trú để đăng ký xét nghiệm kiểm tra sức khỏe.
Bà con nào chưa được tiêm vắc xin thì khẩn trương đăng ký ngay với chính quyền địa phương để sớm được tiêm chủng.
* Xin cảm ơn bác sĩ!
YÊN LAN (thực hiện)