Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh vừa tiến hành giám sát, khảo sát thực tế về việc dạy, học trực tuyến và chuẩn bị phương án để tổ chức dạy, học trực tiếp ở một số trường trên địa bàn tỉnh trong thời gian đến. Phóng viên Báo Phú Yên có cuộc trao đổi với bà Đặng Thị Hồng Nga, Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh về vấn đề được nhiều người quan tâm này.
Bà Đặng Thị Hồng Nga |
* Qua khảo sát thực tế, bà đánh giá như thế nào về việc dạy và học trực tuyến trên địa bàn tỉnh?
- Năm học 2021-2022, tổ chức khai giảng và triển khai nhiệm vụ dạy, học trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, các trường học đã chủ động xây dựng kế hoạch dạy, học và kịp thời điều chỉnh kế hoạch dạy, học phù hợp theo chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp và hướng dẫn của ngành Giáo dục. Đội ngũ giáo viên chuẩn bị tốt các nội dung cơ bản, cốt lõi của các môn học theo kế hoạch dạy, học để giao nhiệm vụ học tập cho sát đối tượng học sinh, linh hoạt chủ động theo hình thức giao bài. Ban giám hiệu nhà trường bám sát sự chỉ đạo của UBND các cấp và ngành GD-ĐT, thực hiện tốt phương châm “tạm dừng đến trường, không dừng học”; có nhiều nỗ lực trong tổ chức dạy, học trực tuyến để học sinh được học mọi lúc, mọi nơi, thích ứng với tình hình dịch bệnh, đáp ứng mục tiêu, chương trình, kế hoạch công tác của năm học.
Các trường đã chủ động lựa chọn các phần mềm giảng dạy trực tuyến, kịp thời điều chỉnh khung thời gian xây dựng thời khóa biểu cho việc dạy, học đảm bảo phù hợp với từng khối học, giảm thời gian học xuống còn 30-35 phút/tiết học trực tuyến; cơ bản đầu tư trang bị về cơ sở vật chất (máy vi tính, đường truyền internet, kết nối wifi) phòng dạy trực tuyến đảm bảo tại các lớp học; vận dụng các công cụ hỗ trợ của các phần mềm, nền tảng dạy học để giao nhiệm vụ, hướng dẫn học sinh học theo hình thức trực tuyến với phương châm “không bỏ các em ở lại phía sau”. Thông qua zalo của lớp, giáo viên chủ nhiệm làm cầu nối để thông tin, phản ánh về tình hình học tập của các em đến phụ huynh và tiếp nhận ý kiến phản ánh của phụ huynh đối với giáo viên qua từng môn học.
* Việc tổ chức dạy, học trực tuyến còn gặp phải những khó khăn, vướng mắc nào, thưa bà?
- Hiện nay, một số trường chưa được trang bị đầy đủ thiết bị để tổ chức dạy học trực tuyến, chủ yếu vận động giáo viên sử dụng thiết bị cá nhân và dạy tại nhà. Đường truyền internet có lúc không ổn định nên ảnh hưởng đến việc dạy, học trực tuyến. Một số giáo viên lớn tuổi, hạn chế việc ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy trực tuyến. Phần lớn các em sử dụng điện thoại thông minh của phụ huynh để học online, nên khi phụ huynh đi làm, các em không có thiết bị để học. Một số học sinh gia đình khó khăn, hộ nghèo, cận nghèo không có thiết bị, đường truyền internet để học. Nhiều gia đình chỉ có 1 máy vi tính hoặc điện thoại nhưng có 2 em học cùng lúc nên không đảm bảo đủ phương tiện để tiếp cận việc học tập, nhất là ở các xã vùng khó khăn. Ba huyện miền núi Sông Hinh, Sơn Hòa, Đồng Xuân không có đủ điều kiện để triển khai việc dạy học trực tuyến.
Bên cạnh đó, việc tương tác giữa giáo viên và học sinh không nhiều, nên giáo viên không thể nắm bắt được hết tình hình học tập của từng em; học sinh có học lực trung bình trở xuống không thể theo kịp. Công tác theo dõi, quản lý đánh giá chất lượng học tập của học sinh còn nhiều hạn chế. Học sinh ở các lớp đầu cấp (nhất là học sinh lớp 6) học theo chương trình giáo dục phổ thông mới, nên một số trường, các em thiếu bộ sách giáo khoa trong đầu năm học mới; chưa có điều kiện gặp gỡ trực tiếp, còn nhiều mới lạ, bỡ ngỡ. Biên chế các lớp chưa ổn định nên việc dạy, học chưa được thuận lợi như các khối lớp khác.
Tình trạng thiếu giáo viên dẫn đến quá tải cho nhiều thầy cô, khó khăn trong việc soạn bài giảng, ảnh hưởng đến chất lượng dạy học trực tuyến cũng như việc giảng dạy trong điều kiện bình thường mới. |
* Bà đánh giá như thế nào về công tác chuẩn bị tổ chức dạy, học trực tiếp, trực tuyến đối với các cấp học khi dịch bệnh đã được kiểm soát của các trường hiện nay?
- Hiện các trường đều thành lập ban chỉ đạo, các tổ phòng chống COVID-19 kịp thời theo dõi, cập nhật thường xuyên các trường hợp F0, F1 trong lực lượng giáo viên và học sinh; nắm chắc tình hình học sinh, chuẩn bị khu vực cách ly, chia các nhóm học đảm bảo phòng học dưới 30 em theo hướng dẫn của Sở GD-ĐT. 100% trường học đều được trang bị đầy đủ thiết bị đo thân nhiệt, nước sát khuẩn, tổ chức dọn vệ sinh, xịt khử khuẩn phòng học và thiết bị dạy học; xây dựng thời khóa biểu đảm bảo để tổ chức các phương án dạy, học khi các em trở lại trường học trực tiếp.
Tuy nhiên, tình trạng thiếu giáo viên dẫn đến quá tải cho nhiều thầy cô, khó khăn trong việc soạn bài giảng, ảnh hưởng đến chất lượng dạy học trực tuyến cũng như việc giảng dạy trong điều kiện bình thường mới. Ở một số trường, tỉ lệ giáo viên chưa tiêm đủ 2 mũi vắc xin phòng COVID-19 vẫn còn nhiều nên khó khăn trong việc bố trí dạy trực tiếp một số bộ môn và bố trí thời khóa biểu của nhà trường trong thời gian vừa học trực tuyến, vừa học trực tiếp và chia lớp học 2 buổi theo hướng dẫn của Sở GD-ĐT.
* Để đảm bảo các điều kiện dạy, học trong tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp và khi chuyển trạng thái bình thường mới, theo bà cần phải làm gì?
- Sau khảo sát, Ban Văn hóa - Xã hội đã có báo cáo và kiến nghị Thường trực HĐND tỉnh, đề nghị UBND tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố quan tâm bố trí nguồn kinh phí để đầu tư trang thiết bị cho các cơ sở giáo dục công lập, internet cho các phòng học trực tuyến, đảm bảo đủ điều kiện cho giáo viên đến lớp để dạy học đối với cấp THCS và THPT. Hưởng ứng và đẩy mạnh chương trình “Sóng và máy tính cho em” để huy động nguồn lực hỗ trợ kịp thời cho học sinh khó khăn, hộ nghèo, cận nghèo về thiết bị học tập, lắp đặt wifi và giảm giá cước internet. Rà soát, ưu tiên và đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin mũi 2 cho đội ngũ giáo viên để đảm bảo việc dạy trực tiếp tại trường. Tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong trường học theo quy định của Bộ GD-ĐT.
Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh cũng đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan hữu quan khẩn trương tổ chức thi, xét tuyển giáo viên theo kế hoạch đã được ban hành. Xem xét bố trí vị trí cán bộ quản lý (phó hiệu trưởng) đối với các trường đã nhập 2 cấp học (tiểu học và THCS) nhưng chỉ có 1 hiệu trưởng và 1 hiệu phó chuyên môn; thực hiện điều chuyển giáo viên thừa/thiếu cục bộ để tạo điều kiện cho các trường vùng khó khăn đủ giáo viên dạy các khối học. Sớm trình HĐND tỉnh ban hành nghị quyết về quy định khung thu, mức thu học phí, các khoản thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục của nhà trường đối với các cơ sở giáo dục công lập; các chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực GD-ĐT theo Nghị định 81 của Chính phủ. Kiến nghị Bộ GD-ĐT triển khai, cung cấp sách giáo khoa điện tử, xây dựng phần mềm ứng dụng riêng để hỗ trợ việc dạy, học trực tuyến trong toàn ngành. Tăng cường các biện pháp dạy, học linh hoạt để hỗ trợ các em học sinh thuộc diện F0, F1 cho phù hợp; đặc biệt là quan tâm đến các em học sinh yếu và không có thiết bị, phương tiện học trực tuyến. Thường xuyên tổ chức kiểm tra, đánh giá để kịp thời hỗ trợ, khắc phục những vướng mắc, khó khăn cho giáo viên và học sinh.
* Xin cảm ơn bà!
THÙY THẢO (thực hiện)