Trung tâm Hỗ trợ đào tạo và Cung ứng nguồn nhân lực (Bộ GD-ĐT) vừa hoàn thành nghiên cứu việc làm của sinh viên sau khi tốt nghiệp. Nghiên cứu này đã khảo sát tình hình việc làm trong khoảng 12 tháng kể từ khi tốt nghiệp của 1.619 sinh viên đến từ 15 trường đại học, học viện trên cả nước. Kết quả khảo sát cho thấy tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp đã có việc làm chiếm 88,3% trong tổng số người được khảo sát.
Sinh viên y dược chiếm tỉ lệ có việc làm cao nhất. Kế đến là nhóm ngành khoa học xã hội, kinh tế, luật, nông lâm - ngư nghiệp và nhóm khoa học tự nhiên, kỹ thuật, công nghệ, thể dục thể thao, nghệ thuật...
88,3% sinh viên tốt nghiệp có việc làm
Từ kết quả khảo sát được thực hiện một cách độc lập trên quy mô lớn, nhóm nghiên cứu đề xuất Bộ GD-ĐT cần nâng cao chất lượng dự báo nhu cầu nhân lực. Đối với trường đại học, cần xây dựng và thực hiện chương trình đào tạo có sự tham gia của bên tuyển dụng lao động. Sinh viên cần tự tăng cường, trang bị những kỹ năng cần thiết cho thị trường lao động. |
Kết quả khảo sát sinh viên tốt nghiệp đại học cho thấy tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp đã có việc làm chiếm 88,3% trong tổng số sinh viên được khảo sát. Trong đó, sinh viên tốt nghiệp thuộc nhóm ngành y dược có việc làm cao nhất, lên tới 96,3%. Tiếp theo là nhóm khoa học xã hội, kinh tế, luật, nông lâm - ngư nghiệp với 89,6%. Xếp cuối là nhóm ngành khoa học tự nhiên, kỹ thuật, công nghệ, thể dục thể thao, nghệ thuật… chỉ 84%. Sinh viên tốt nghiệp đại học nhưng chưa có việc làm và đang tìm việc chiếm 9,1%.
Theo các sinh viên tham gia khảo sát, có 5 trở ngại lớn khi tìm việc. Đó là thiếu hoặc không có thực tiễn và kinh nghiệm nghề nghiệp; thiếu kỹ năng ngoại ngữ, vi tính; thị trường lao động bão hòa; thiếu hiểu biết về thị trường lao động và công việc được nhận không có mức lương đảm bảo.
Phân tích tình trạng việc làm của sinh viên theo kết quả xếp loại tốt nghiệp cho thấy, tỉ lệ có việc làm của sinh viên tốt nghiệp tăng dần theo thứ hạng. Sinh viên tốt nghiệp với thứ hạng càng cao thì tỉ lệ có việc làm càng cao. Nếu tỉ lệ có việc làm của sinh viên tốt nghiệp loại trung bình chỉ là 77,8% thì tỉ lệ có việc làm của sinh viên tốt nghiệp loại xuất sắc là 94,5%. Chỉ có 1,8% sinh viên xuất sắc hiện thất nghiệp. Theo đánh giá của nhóm nghiên cứu, thực trạng này là một minh chứng rất sinh động về nỗ lực học tập, rèn luyện, trau dồi kiến thức của sinh viên khi ngồi trên giảng đường.
Có được kết quả này là nhờ trong thời gian gần đây, các trường đại học có nhiều hoạt động hỗ trợ sinh viên trong quá trình tìm việc.
Sinh viên Trường đại học Phú Yên trong ngày tốt nghiệp. Ảnh: THÚY HẰNG |
Công khai tỉ lệ việc làm của sinh viên
Từ năm 2018, theo quy chế tuyển sinh, các trường đại học bắt buộc phải công bố trong đề án tuyển sinh tỉ lệ sinh viên có việc làm sau 12 tháng kể từ khi tốt nghiệp của hai khóa gần nhất so với năm tuyển sinh. Những trường khảo sát không trung thực hoặc không công khai tỉ lệ việc làm của sinh viên tốt nghiệp theo quy định sẽ không được thông báo tuyển sinh. Đây được xem là một trong những giải pháp để các trường có trách nhiệm hơn với sinh viên trong quá trình tuyển sinh, đào tạo.
Tại Trường đại học Xây dựng Miền Trung, những năm qua, nhà trường luôn chủ động khảo sát và công bố tỉ lệ sinh viên có việc làm sau khi tốt nghiệp. Theo đó, tỉ lệ này của trường là gần 85% sinh viên có việc làm sau khi tốt nghiệp. Để có được kết quả này, thời gian qua, nhà trường tập trung thực hiện các biện pháp nâng cao chất lượng đào tạo như phát triển đội ngũ giảng viên, tăng cường cơ sở vật chất, tăng cường kết nối doanh nghiệp, phát triển chương trình đào tạo, kiểm soát chất lượng đầu vào, chất lượng quá trình đào tạo và chất lượng đầu ra… Trong đó, đặc biệt nhấn mạnh công tác kiểm định chất lượng giáo dục; khảo sát, công bố và nâng cao tỉ lệ có việc làm của sinh viên sau tốt nghiệp.
PGS.TS Nguyễn Vũ Phương, Hiệu trưởng nhà trường, cho hay tháng 3/2021, Trường đại học Xây dựng Miền Trung được công nhận đạt chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục. Kết quả kiểm định chất lượng được công khai không chỉ giúp người học lựa chọn được nơi phù hợp để theo học, mà còn tạo được niềm tin đối với các đơn vị sử dụng lao động khi tuyển dụng sinh viên của trường. “Để đảm bảo đầu ra cho sinh viên, nhà trường luôn chủ động xây dựng chương trình đào tạo một cách linh hoạt, cập nhật thường xuyên tiến bộ khoa học của ngành đào tạo cho phù hợp với yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Đặc biệt, để tăng tỉ lệ sinh viên ra trường có việc làm, một trong những yếu tố quan trọng luôn được trường thực hiện tốt đó chính là việc thúc đẩy kết nối giữa nhà trường và doanh nghiệp; làm tốt công tác dự báo nhu cầu thị trường lao động”, PGS.TS Nguyễn Vũ Phương nhấn mạnh.
Để hạn chế tình trạng sinh viên học đại học thất nghiệp, cứ đầu mùa tuyển sinh, Bộ GD-ĐT luôn yêu cầu các trường khi mở ngành mới, xác định chỉ tiêu tuyển sinh, phải khảo sát và căn cứ vào nhu cầu của thị trường lao động. Hàng năm, các trường phải điều chỉnh, cập nhật chương trình đào tạo; định kỳ sau 5 năm phải rà soát tổng thể, chỉnh lý, bổ sung, ban hành lại chương trình mới để đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động; phải căn cứ vào yêu cầu của các vị trí việc làm để xác định các môn học phù hợp nhằm trang bị cho sinh viên kiến thức, kỹ năng đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp; phải hợp tác với doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động nhằm cập nhật công nghệ mới trong quá trình giảng dạy… tạo ra môi trường làm việc thực sự ngay trong nhà trường để sinh viên có cơ hội thực tập và trải nghiệm.
Chú trọng dự báo nhu cầu thị trường
Là một trong những trường có thế mạnh đào tạo các ngành sư phạm, nhưng những năm gần đây do sinh viên sư phạm tốt nghiệp khó xin được việc làm nên công tác tuyển sinh của Trường đại học Phú Yên gặp nhiều khó khăn. Để đạt mục tiêu tăng tỉ lệ sinh viên ra trường có việc làm, rõ ràng cần có sự nỗ lực của nhiều bên. Riêng ở phía cơ sở đào tạo, hiện các trường đang tập làm tốt công tác dự báo nhu cầu thị trường lao động, đặc biệt là những ngành mới để thí sinh hiểu rõ về ngành nghề; xây dựng trung tâm hỗ trợ việc làm để làm cầu nối giữa người học và các đơn vị tuyển dụng…
Theo kết quả mà Trung tâm Hỗ trợ đào tạo và Cung ứng nhân lực (Bộ GD-ĐT) khảo sát từ các doanh nghiệp, 11,2% doanh nghiệp cho rằng ngành học của sinh viên ít phù hợp với công việc. Đây chính là một bất cập của nhân lực có trình độ đại học mới được tuyển dụng. Có đến 16% số doanh nghiệp tham gia khảo sát đánh giá chương trình đào tạo đại học hiện nay vẫn còn nhiều hạn chế, sinh viên không có nhiều cơ hội đạt được các kỹ năng phù hợp để cạnh tranh trên thị trường lao động. Ngoài chương trình đào tạo, 41,6% số doanh nghiệp đánh giá sinh viên tốt nghiệp đại học hiện đang thiếu kỹ năng mềm. Đây chính là hạn chế lớn nhất của sinh viên, tác động đến cơ hội có được việc làm và việc làm chất lượng. Bên cạnh đó, chương trình thực tập, thực tế ở nhiều trường vẫn còn khá nặng về hình thức, thời gian thực tập ít; hiệu quả, chất lượng của hoạt động thực tế, thực tập còn chưa cao. Vì vậy, phía doanh nghiệp đề xuất các trường đại học tăng thời gian thực tập của sinh viên để đảm bảo chất lượng của việc thực tập.
THÚY HẰNG