Các trường đại học vừa hoàn tất công bố điểm chuẩn xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2021. So với năm 2020, điểm chuẩn nhiều ngành tăng mạnh khiến không ít thí sinh không đỗ ở đợt xét tuyển đầu tiên này.
Điểm trúng tuyển tăng cao
Kết quả điểm chuẩn năm 2021 của các trường cho thấy đều tăng, thậm chí có ngành tăng mạnh, khiến nhiều thí sinh dù đạt điểm cao nhưng vẫn rớt nguyện vọng đã đăng ký. Em Lê Bảo Nguyên ở xã Hòa Trị, huyện Phú Hòa, cho hay: Em thích khối ngành kinh tế của Trường đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh). Năm trước do không trúng tuyển vào trường này nên năm nay em thi lại để lấy điểm xét tuyển. Với điểm thi 26, em tự tin đăng ký các nguyện vọng xét tuyển vào trường này. Ai dè, lại không đỗ, vì điểm trung bình trúng tuyển khối ngành kinh tế của Trường đại học Kinh tế - Luật là 26,25, khối ngành kinh doanh quản lý là 26,68.
Đây cũng là thực trạng của không ít thí sinh, vì điểm chuẩn năm nay tăng mạnh ở các ngành, trường hút thí sinh. Mặt khác cũng là do thí sinh đặt các nguyện vọng chưa hợp lý, cứ đổ xô vô vào ngành hot, trường tốp trên. Theo TS Nguyễn Đức Nghĩa, nguyên Phó Giám đốc Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, việc tăng điểm chuẩn đã được dự báo từ trước do chỉ tiêu xét tuyển dành cho điểm thi tốt nghiệp ở một số trường, đặc biệt nhiều trường lớn đã chuyển sang xét tuyển theo các phương thức khác. Ngoài ra, phổ điểm năm 2021 tuy ít thay đổi nhưng môn Tiếng Anh có sự thay đổi lớn ở phân khúc điểm cao, số lượng điểm 10 nhiều. Cùng với đó, các trường xét tuyển một ngành bằng nhiều tổ hợp nhưng điểm chuẩn lại bằng nhau nên việc điểm thi môn Tiếng Anh tăng nhiều dẫn đến điểm chuẩn tăng lên. Thực tế qua đợt xét tuyển lần đầu tiên này, đã có không ít thí sinh đạt 25-26 điểm vẫn trượt tất cả nguyện vọng do chọn xét tuyển vào các trường tốp trên.
Năm nay, với quyền tự chủ tuyển sinh, các trường áp dụng nhiều phương thức khác nhau để xét tuyển. Do đó, tỉ lệ xét điểm thi tốt nghiệp THPT có phần giảm nhất định. Đây cũng là một nguyên nhân quan trọng khiến điểm xét tuyển vào đại học cao hơn các năm trước. Tuy nhiên, theo đại diện các trường, thí sinh chưa trúng tuyển vẫn còn cơ hội xét tuyển bằng các phương thức khác cũng như các đợt xét tuyển bổ sung.
Còn cơ hội nhưng bị động
Theo quy chế tuyển sinh, đến 17 giờ ngày 26/9 là thời hạn cuối cùng để thí sinh trúng tuyển xác nhận nhập học. Trên cơ sở đó, hội đồng tuyển sinh các trường mới có quyết định về việc có xét tuyển bổ sung hay không. Do đó, những thí sinh không trúng tuyển trong đợt xét tuyển này phải đợi đến đợt xét tuyển bổ sung là đã rơi vào thế bị động.
Thực tế tuyển sinh những năm qua cho thấy, ngay đợt đầu tiên xét tuyển thường những ngành có điểm chuẩn cao, khả năng sẽ tuyển đủ trong đợt 1. Nếu có xét tuyển bổ sung thì chỉ tiêu sẽ không nhiều. Sau ngày 26/9, các trường sẽ thống kê kết quả tuyển sinh sau đó sẽ quyết định có tuyển bổ sung hay không, cụ thể như thế nào… Thí sinh cần theo dõi trên website của mỗi trường để biết thông tin.
Nếu thí sinh chưa trúng tuyển bằng phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT, các em vẫn còn cơ hội xét tuyển bằng các phương thức khác như xét bằng học bạ hoặc điểm kỳ thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh tổ chức đợt 2 sắp tới. Chẳng hạn như hai trường đại học Xây dựng Miền Trung, đại học Phú Yên vẫn tiếp tục nhận hồ sơ xét tuyển ở tất cả các ngành với tất cả các phương thức nên thí sinh theo dõi trên website của nhà trường để biết rõ chi tiết hơn về số lượng, thời gian nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển…
Chỉ tiêu tuyển sinh của các trường đại học năm nay là 530.000. Sau khi xét tuyển đợt 1, kỳ xét tuyển 2021 xem như khép lại. Bởi theo các chuyên gia tư vấn, với điểm chuẩn cao như năm nay thì việc các trường xét tuyển bổ sung bằng điểm thi tốt nghiệp rất khó xảy ra, đặc biệt là ở các trường có nhiều thí sinh quan tâm. Nếu có xét bổ sung thì chỉ xảy ra với các trường tuyển chưa được 50% chỉ tiêu tuyển sinh. Vì vậy, thí sinh cần tìm hiểu kỹ và lựa chọn phương thức xét tuyển phù hợp để đảm bảo cơ hội trúng tuyển. |
THÚY HẰNG