Thời gian qua, công tác đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh rất chú trọng việc đào tạo gắn với nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp. Hình thức đào tạo liên kết này có lợi cho cả ba bên: Cơ sở đào tạo thu hút được người học; doanh nghiệp yên tâm có nguồn lao động bảo đảm chất lượng; người học nghề sau khi tốt nghiệp có việc làm ổn định.
Đào tạo gắn với nhu cầu doanh nghiệp
Các cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh xác định, bên cạnh thế mạnh đào tạo của mình, các trường sẽ tăng cường phối hợp với các doanh nghiệp để trao đổi về công nghệ sản xuất, chương trình học, nhu cầu doanh nghiệp nhằm giúp người học tiếp cận hiệu quả các trang thiết bị và công nghệ phục vụ quá trình sản xuất. |
Trường cao đẳng Công Thương Miền Trung vừa tổ chức trao bằng tốt nghiệp trình độ trung cấp, cao đẳng cho hơn 600 học sinh, sinh viên (HSSV) bằng hình thức trực tuyến. Và trong số những HSSV tốt nghiệp lần này có 98,9% đã có việc làm trước ngày nhận bằng tốt nghiệp. Lý giải về điều này, tân kỹ sư thực hành Nguyễn Thanh Phúc cho hay: Em học ngành Công nghệ kỹ thuật cơ khí. Trong quá trình học, em được thực hành, thực tập tại Công ty CP Cơ khí Vina Nha Trang. Nhờ được trực tiếp thực tập tại cơ sở sản xuất, được các anh chị lành nghề “cầm tay chỉ việc” nên em nhanh thạo việc và tích lũy kinh nghiệm thực tế, học tập văn hóa doanh nghiệp. Em và một vài bạn có nhu cầu làm việc tại công ty này nên sau khi hoàn thành chương trình học, chúng em được tuyển dụng luôn.
Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh hiện có 20 cơ sở đào tạo nghề, mỗi năm đào tạo hàng ngàn lao động có trình độ, tay nghề, đáp ứng thị trường lao động. Thực tế đào tạo nghề những năm qua cho thấy, việc gắn công tác đào tạo nghề với nhu cầu doanh nghiệp đã tạo ra lợi ích kép. Một mặt, chất lượng đào tạo của cơ sở đào tạo nghề được nâng cao do có sự tham gia hỗ trợ của doanh nghiệp, tạo điều kiện cho HSSV có môi trường thực hành, đánh giá chất lượng đầu ra của người học. Mặt khác, thông qua việc phối hợp này, các doanh nghiệp được cung cấp đội ngũ lao động có tay nghề, đáp ứng nhu cầu công việc, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Với sự phối hợp này, 3 năm gần đây, hơn 90% HSSV học nghề tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp.
Bà Trần Thị Thu Thủy, Phụ trách nhân sự Công ty CP Viễn thông FPT chi nhánh Phú Yên cho hay: Cùng với tuyển lao động phổ thông, doanh nghiệp cũng tập trung tuyển lao động đã được đào tạo nghề. Để tuyển được lao động có tay nghề phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp, những năm qua, đơn vị đã chủ động hợp tác với các trường cao đẳng trên địa bàn tỉnh. Qua đó đã hỗ trợ HSSV thực hành, thực tập, đóng góp ý kiến về chương trình đào tạo với các trường để đảm bảo đầu ra cho người học; đồng thời tiếp nhận các tân kỹ sư thực hành vào làm việc khi các em hoàn thành chương trình học.
Thích ứng vị trí việc làm
Trong thời kỳ hội nhập quốc tế, để giúp HSSV có được việc làm sau khi tốt nghiệp hoặc tiếp tục học lên trình độ cao hơn, việc các trường chú trọng công tác phối hợp với các doanh nghiệp từ khâu tuyển sinh, đào tạo, đánh giá kỹ năng nghề và giới thiệu việc làm cho người học là rất cần thiết, nhằm giúp người học có thể thích ứng ngay với các vị trí việc làm khi tốt nghiệp.
Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 đặt ra mục tiêu trong giai đoạn 2021-2025, toàn tỉnh phấn đấu tăng số lao động có kỹ năng phù hợp với nhu cầu thị trường lao động; tỉ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 30% vào năm 2025; tạo việc làm tốt hơn cho người lao động, phấn đấu duy trì tỉ lệ thất nghiệp chung ở mức thấp dưới 3%, tỉ lệ thất nghiệp khu vực thành thị dưới 4%... Để thực hiện được điều này, theo Sở LĐ-TB-XH, việc liên kết với doanh nghiệp để đổi mới đào tạo nghề theo hướng nâng cao kỹ năng thực hành nghề vẫn được xác định là một hướng đi phù hợp hiệu quả. Trong thời gian đến, bên cạnh việc tham mưu cho tỉnh ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp tham gia hoạt động đào tạo nghề, sở này sẽ chỉ đạo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đẩy mạnh liên kết, phối hợp với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh để tư vấn, định hướng nghề nghiệp cho HSSV. Trong đó, tổ chức đào tạo nghề gắn với nhu cầu việc làm của người học và nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp, tạo sự gắn kết chặt chẽ giữa nhà trường và doanh nghiệp, góp phần nâng cao hiệu quả kết nối cung - cầu lao động trong thời kỳ hội nhập.
THÚY HẰNG