Hôm nay, ngày 5/9, lẽ thường là Ngày hội toàn dân đưa trẻ đến trường, một ngày hội thật sự của các học sinh trong niềm vui gặp mặt. Nhưng năm nay, hình ảnh sân trường rộn ràng tiếng cười nói giữa nắng sớm mùa thu, những câu văn hay nhất về niềm vui ngày khai trường đã không thể hiện diện trong ngày khai giảng năm học mới quá đặc biệt này.
1 Lẽ thường, hằng năm trong lễ khai giảng, thầy và trò sẽ được nghe thư của Chủ tịch nước, Chủ tịch UBND tỉnh, chúc mừng động viên thầy và trò bắt đầu một năm học mới với nhiều mục tiêu, kỳ vọng. Nhưng năm nay, những điều ấy đã thay đổi. Thầy cô giáo, học sinh nghe thư trực tuyến, đọc thư Chủ tịch nước trên mạng, qua báo chí…
Cũng như nhiều địa phương khác phải giãn cách xã hội vì dịch COVID-19, Phú Yên cũng tổ chức khai giảng online và bắt đầu năm học mới trong tư thế sẵn sàng với các phương án dạy và học linh hoạt: trực tiếp kết hợp trực tuyến, học qua truyền hình, tài liệu bài giảng…
Đã chính thức bước vào năm học mới nhưng chưa bao giờ mọi thứ ngổn ngang, khó khăn đến thế.
Các trường học được trưng dụng làm khu cách ly tập trung phòng chống dịch COVID-19 vẫn chưa hoàn trả đầy đủ. Câu chuyện thiếu hàng nghìn giáo viên, thừa cục bộ hàng trăm giáo viên chưa thể giải quyết kịp thời, vì chưa thể tổ chức thi tuyển biên chế. Hạ tầng cơ sở, vật chất kỹ thuật phục vụ cho việc dạy học linh hoạt, trực tuyến của các trường cũng chưa thực sự đầy đủ, sẵn sàng. Giáo viên đứng lớp vẫn còn nhiều nỗi lo lắng, sự vướng víu cho phương án dạy học trực tuyến lâu dài…
Với các phụ huynh, lòng như lửa đốt cùng nhiều nỗi băn khoăn. Sách giáo khoa cho con chưa mua kịp vì những ngày qua thực hiện giãn cách xã hội. Điện thoại thông minh, máy tính xách tay không phải gia đình nào cũng có điều kiện sẵn sàng, khi cuộc sống bị đảo lộn, không có thu nhập đã hơn hai tháng vì dịch bệnh, đặc biệt là các gia đình ở nông thôn, miền núi. Đâu đó vẫn có trường hợp học sinh là F0, F1 phải điều trị, cách ly tập trung chưa thể sẵn sàng cho năm học mới.
Còn những học sinh, đặc biệt là các em cấp tiểu học, mới vào bậc THCS thì ngơ ngác với cách học xa lạ, không được sự kèm cặp trực tiếp của thầy cô.
Một năm học mới quá đặc biệt, đặc biệt trong sự khó khăn, bộn bề bởi ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.
2. Trong khó khăn ấy, toàn ngành Giáo dục, cùng cả hệ thống chính trị vừa chống dịch vừa quan tâm, chăm lo cho sự nghiệp giáo dục, việc học hành của con em. Trong thư của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gửi thầy, cô giáo và các em học sinh trước thềm năm học mới, viết: Ngành Giáo dục của chúng ta đang đối diện với thử thách hết sức to lớn do đại dịch COVID-19 diễn ra khắp toàn cầu. Nhưng hơn lúc nào hết, tôi tin tưởng ngành Giáo dục, đặc biệt là đội ngũ thầy cô giáo cùng toàn thể học sinh, sinh viên sẽ tiếp tục phát huy truyền thống thi đua, vượt lên khó khăn, học tập và rèn luyện thật tốt như lời Bác dạy năm xưa!
Đối với Phú Yên, dịch COVID-19 đã kéo dài hơn hai tháng, việc tổ chức năm học mới đúng khung năm học chung của cả nước là một sự nỗ lực và quyết tâm rất lớn không chỉ của ngành Giáo dục mà cả hệ thống chính trị. Chống dịch lúc này là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu, nhưng vẫn phải quan tâm đặc biệt đến giáo dục, đến năm học mới. Đó là quan điểm chỉ đạo thống nhất của tỉnh.
Trong sự khó khăn về tài chính, để hỗ trợ cho người dân, tỉnh đã chỉ đạo Ngân hàng Chính sách xã hội triển khai gói cho vay ưu đãi để mua sắm máy tính phục vụ việc học của học sinh. Sách giáo khoa cũng đã được đưa về cơ sở. Các trường học, cơ sở vật chất, trang thiết bị cũng đã được chuẩn bị cơ bản. Phương án học tập linh hoạt, thích ứng với công tác phòng, chống dịch COVID-19 cũng đã sẵn sàng…
Năm học mới 2021-2022, toàn tỉnh có hơn 198.000 học sinh, trong đó khối tiểu học nhiều nhất với hơn 78.600 học sinh; khối THCS có 54.885 học sinh; khối THPT có 30.857 học sinh, khối mầm non 33.984 cháu.
Khó khăn do COVID-19 gây ra là sự thật khách quan mà thế giới phải đối mặt, dốc sức tìm cách khắc phục, sớm đẩy lùi để cuộc sống trở lại bình thường mới. Ngành Giáo dục phải nỗ lực thích ứng, bởi dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều rủi ro, nguy hiểm, khó lường.
Mỗi học sinh phải xây dựng kế hoạch học tập, rèn luyện phù hợp, thích nghi với nhiều hình thức học tập, nhất là học tập trực tuyến, có thể dừng đến trường nhưng không dừng học tập, để chinh phục các mục tiêu trong năm học, từng bước thực hiện ước mơ, khát vọng, hoài bão của tuổi trẻ.
Mỗi phụ huynh hãy là chỗ dựa tinh thần, hậu phương vững chắc đồng hành cùng con em trong học tập; phối hợp với thầy cô giáo, nhà trường để cùng vượt qua năm học đầy khó khăn, thử thách.
Thật tâm đắc với câu nói, cũng là lời động viên, kỳ vọng của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc về tinh thần hiếu học của dân tộc Việt Nam trải qua quá trình lịch sử: Lịch sử đã chứng minh, không có thách thức nào có thể vượt cao hơn tinh thần hiếu học, không khó khăn nào có thể làm chùn bước ý chí phấn đấu, quyết tâm dùi mài kinh sử, chinh phục tri thức để làm rạng danh tiên tổ, để phụng sự đất nước của dân tộc Việt Nam trong suốt ngàn năm văn hiến.
TRẦN QUỚI