Truyền tải điện Phú Yên thuộc Công ty Truyền tải điện 3 (PTC3) đã thử nghiệm thành công và đưa một số trang thiết bị hiện đại vào công tác quản lý vận hành lưới điện truyền tải hiệu quả, tạo nền tảng để thực hiện đề án Chuyển đổi số doanh nghiệp giai đoạn 2021-2025.
Chủ động phòng, chống cháy bằng công nghệ AI
Phối hợp với Phòng Kỹ thuật PTC3, Truyền tải điện Phú Yên vừa thử nghiệm thành công 3 bộ camera AI cảnh báo cháy. Đây là giải pháp công nghệ sử dụng trí tuệ nhân tạo, có những tính năng vượt trội giúp người làm công tác truyền tải chủ động trong việc phòng, chống cháy.
Theo đó, lưới truyền tải điện do PTC3 quản lý trải dài 9 tỉnh nam miền Trung - Tây Nguyên, đi qua nhiều vùng đồi núi, vùng canh tác của người dân địa phương, nền nhiệt cao vào mùa hè… tiềm ẩn nhiều nguy cơ, sự cố do cháy dưới hành lang tuyến vào mùa khô. Trước đây, PTC3 đã thực hiện nhiều giải pháp để ngăn ngừa cháy, phòng cháy dưới hành lang tuyến như: tuyên truyền vận động người dân, cử công nhân canh gác những vị trí có nguy cơ cháy cao, lắp camera theo dõi tại những vị trí xung yếu… Tuy nhiên, những giải pháp này chưa mang tính chủ động cao, việc phát hiện đám cháy phải thông qua hệ thống giám sát từ màn hình bằng mắt thường.
Để khắc phục những hạn chế trên, Phòng Kỹ thuật PTC3 và Truyền tải điện Phú Yên nghiên cứu ứng dụng camera AI để cảnh báo cháy tại các vị trí xung yếu thường xuyên xảy ra hỏa hoạn dọc các tuyến đường dây 220kV trên địa bàn tỉnh. Đưa vào thử nghiệm trong thực tế (tháng 5/2021), kết quả cho thấy, camera AI hoạt động liên tục 24/7; trong bán kính khoảng 300m camera nhận diện chính xác các đám cháy, khói xảy ra với độ tin cậy đáp ứng yêu cầu; cảnh báo đến người vận hành bằng tin nhắn, hình ảnh xác thực, giúp người vận hành phát hiện nhanh chóng các đám cháy dưới hành lang đường dây và đưa ra các quyết định xử lý kịp thời để ngăn ngừa sự cố có thể xảy ra…
Sau khi thử nghiệm thành công, các camera AI đã được PTC3 lắp đặt để thực hiện nhiệm vụ cảnh báo cháy. PTC3 đang tiếp tục phối hợp với các đơn vị tư vấn xây dựng AI flatform để theo dõi giám sát phụ kiện, thiết bị trên các đường dây truyền tải và giám sát phương tiện vi phạm hành lang an toàn lưới điện.
Thiết bị vệ sinh dây dẫn điều khiển từ xa
Truyền tải điện Phú Yên cũng vừa hợp tác nghiên cứu, đưa vào thử nghiệm thiết bị xử lý bề mặt dây dẫn đường dây 220kV. Sau một số lần hiệu chỉnh, tháng 6/2021, Truyền tải điện Phú Yên đã đưa vào vận hành thử nghiệm máy xử lý bề mặt dây dẫn trên đường dây 220kV Tuy Hòa - Nha Trang.
Đường dây 220kV Tuy Hòa - Nha Trang do chạy gần biển nên trước đây dây dẫn được bôi mỡ để bảo vệ. Tuy nhiên, điều này gây tổn thất điện năng cao bất thường vì trong quá trình thi công, lắp đặt và vận hành, đường dây bám nhiều bụi đất làm mặt dây dẫn gồ ghề dẫn đến dễ phát sinh vầng quang điện. Để làm sạch đường dây, việc vệ sinh dây dẫn thủ công trên đường dây hay hạ dây dẫn xuống để thi công đều không khả thi vì có nguy cơ gây mất an toàn cho người lao động. Việc đưa thiết bị tự động vệ sinh dây dẫn vào vận hành là phương án giúp làm sạch lớp bụi đất bám chặt trên bề mặt, làm nhẵn bề mặt dây dẫn, giảm rõ rệt tổn thất điện năng. Khi tiến hành đo, kiểm tra lại vầng quang, số điểm phát vầng quang trên dây dẫn giảm xuống đến mức bình thường.
Nói về những ưu điểm của thiết bị xử lý bề mặt dây dẫn, ông Trần Đình Thọ, Phó Giám đốc Truyền tải điện Phú Yên, cho biết: “Thiết bị xử lý bề mặt dây dẫn có trọng lượng nhẹ, dễ thao tác lắp đặt, điều khiển qua kết nối wifi (3G, 4G) trên điện thoại thông minh, có khả năng di chuyển tiến, lùi; cảm biến di chuyển chậm và vượt qua được các chướng ngại vật như tạ chống rung, ống nối, ống vá và có thể làm việc trên các loại dây dẫn ACSR 185-550/mm2 (giúp đánh sạch lớp tạp chất bám dính trên bề mặt, không ảnh hưởng đến phần nhôm của dây dẫn). Thiết bị đưa vào sử dụng giúp công nhân giải quyết công việc hiệu quả, nhanh chóng và an toàn hơn”.
Việc ứng dụng thiết bị công nghệ xử lý bề mặt dây dẫn, camera AI để phân tích hình ảnh từ camera giám sát lưới điện truyền tải là nỗ lực của Truyền tải điện Phú Yên và PTC3 nhằm thực hiện quá trình thông minh hóa công tác quản lý vận hành; phù hợp với định hướng chuyển đổi số của EVNNPT là “lấy con người làm trung tâm, công nghệ số làm đòn bẩy”. Ứng dụng này hứa hẹn sẽ mang lại những đột phá về tăng năng suất lao động; đồng thời đảm bảo an toàn lao động, giảm thất thoát điện năng trong thời gian tới.
Trong tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, việc di chuyển bị hạn chế, nhiều địa phương phải giãn cách xã hội, việc nghiên cứu, ứng dụng các thiết bị thông minh vào công tác truyền tải điện góp phần đảm bảo mục tiêu kép: vừa chống dịch vừa giúp quản lý vận hành tốt lưới điện.
Ông Tô Đình Trung, Giám đốc Truyền tải điện Phú Yên |
THÁI HÀ