Không có tố chất và năng khiếu, chỉ có đam mê sẽ rất khó thành công với những ngành nghề có tính đặc thù riêng. Vì vậy, các ngành đào tạo có môn thi năng khiếu luôn được các trường sàng lọc kỹ đầu vào nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực.
Văn hóa song hành cùng năng khiếu
Trường đại học Phú Yên vừa công bố điểm thi môn năng khiếu đối với 123 thí sinh dự thi vào ngành Giáo dục mầm non. Qua kết quả cho thấy, số lượng thí sinh đạt điểm 8-9 rất nhiều. TS Lê Thị Kim Loan, Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Đào tạo của trường cho biết: Do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên Trường đại học Phú Yên đã điều chỉnh hình thức thi năng khiếu đối với thí sinh đăng ký xét tuyển ngành Giáo dục mầm non bằng hình thức không trực tiếp thay cho hình thức thi trực tiếp tại trường. Theo đó, thí sinh thực hiện hai bài thi bằng cách tự quay và nộp 2 video clip tương ứng với hai môn thi năng khiếu cho hội đồng tuyển sinh. Trong đó, bài thi Năng khiếu 1 (Đọc diễn cảm - Kể chuyện), thí sinh thực hiện clip đọc diễn cảm một đoạn văn hoặc thơ và kể một câu chuyện tự chọn. Bài thi Năng khiếu 2 (Hát - Nhạc), thí sinh thực hiện clip hát một bài hát tự chọn.
Theo TS Lê Thị Kim Loan, để đảm bảo chất lượng đầu vào đối với môn năng khiếu, trước khi các em thể hiện bài thi, nhà trường đã có hướng dẫn cụ thể hình thức thi năng khiếu để thí sinh biết rõ năng lực bản thân có phù hợp với ngành cũng như đam mê, yêu thích công việc này không.
Tương tự, đối với các ngành Kiến trúc, Kiến trúc nội thất của Trường đại học Xây dựng Miền Trung, bên cạnh tổ hợp có môn năng khiếu Vẽ mỹ thuật, thí sinh có nhu cầu xét tuyển theo hình thức học bạ THPT có thể đăng ký xét tuyển với các tổ hợp không có môn Vẽ mỹ thuật: A01 (Toán, Vật lý, Tiếng Anh), D01 (Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh). ThS Nguyễn Vân Trạm, Trưởng Phòng Quản lý đào tạo của trường này cho biết: Đối với những thí sinh không thi môn Vẽ mỹ thuật thì ngay học kỳ đầu tiên, các em này phải tham gia một khóa học Vẽ mỹ thuật miễn phí do trường tổ chức.
Sai lầm của nhiều học sinh hiện nay là thường hướng đến các ngành, hay những trường thấy hay mà không cần biết mình có phù hợp hay không. Nhấn mạnh về điều này, các trường lưu ý, với những ngành đặc thù, đòi hỏi người học phải có năng khiếu. Thí sinh đừng nhầm lẫn giữa đam mê với thú vui cá nhân.
Đảm bảo chất lượng đào tạo
Là một trong những trường đại học đã đào tạo một số ngành nghề đặc thù như Giáo dục mầm non, Sư phạm âm nhạc, Sư phạm mỹ thuật…, TS Trần Lăng, Phó Hiệu trưởng Trường đại học Phú Yên chia sẻ: “Từ năm 2020, nhà trường xây dựng đề án tuyển sinh đối với ngành Giáo dục mầm non theo hai tổ hợp M01 (Ngữ văn, Năng khiếu 1 và Năng khiếu 2); M09 (Toán, Năng khiếu 1 và Năng khiếu 2). Đối với môn Ngữ văn và Toán, nhà trường áp dụng phương thức xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT hoặc xét tuyển dựa vào học bạ THPT của thí sinh. Do đó, song song với việc ôn luyện thi năng khiếu, để trúng tuyển vào ngành Giáo dục mầm non, thí sinh phải đạt ngưỡng bảo đảm chất lượng môn Toán hoặc Ngữ văn. “Phương thức xét tuyển kết hợp môn văn hóa và năng khiếu giúp nhà trường tuyển được sinh viên vừa có trình độ văn hóa, vừa có năng khiếu tốt”, TS Trần Lăng nói.
ThS Nguyễn Vân Trạm cho rằng, vai trò của năng khiếu trong quá trình sinh viên theo học các ngành học đặc thù như Kiến trúc, Thiết kế, Mỹ thuật… đóng vai trò quan trọng vào sự thành công của các em trong quá trình học tập và phát triển sự nghiệp sau này. Không có tố chất và năng khiếu, chỉ có đam mê sẽ rất khó thành công với những ngành nghề có tính đặc thù riêng. Vì vậy, việc các trường sát hạch năng khiếu từ đầu vào đối với ngành học đặc thù là để nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực.
Hiện nay, ngoài quy định chung, Bộ trưởng GD-ĐT khuyến khích các trường sư phạm nói chung và các ngành khác nói riêng khi kiểm tra năng khiếu của thí sinh, cần chú trọng đến tính chất đặc thù của ngành nghề, quan tâm đến một số hình thức để khuyến khích, thu hút những thí sinh có tài năng.
Phương thức xét tuyển kết hợp môn văn hóa và năng khiếu, giúp nhà trường tuyển được sinh viên vừa có trình độ văn hóa, vừa có năng khiếu tốt.
TS Trần Lăng, Phó Hiệu trưởng Trường đại học Phú Yên |
THÚY HẰNG