Thứ Bảy, 30/11/2024 12:26 CH
Trường đại học địa phương loay hoay tìm hướng phát triển
Thứ Năm, 03/06/2021 07:30 SA

Thí sinh tìm hiểu thông tin tuyển sinh của Trường đại học Phú Yên tại một chương trình tư vấn hướng nghiệp. Ảnh: THÚY HẰNG

Trường đại học địa phương (trường công thuộc tỉnh) đã đóng góp một phần không nhỏ trong việc cung ứng nguồn nhân lực cho tỉnh. Tuy nhiên, trong sự phát triển không ngừng về quy mô cũng như yêu cầu về chất lượng đào tạo trong bối cảnh tự chủ đại học, các trường này đang loay hoay tìm hướng phát triển.

 

Loay hoay đầu vào, đầu ra

 

Thực tế tuyển sinh những năm gần đây cho thấy, dù điểm đầu vào thấp so với khối các trường đại học nhưng các trường đại học địa phương (ĐHĐP) vẫn rất khó tuyển sinh. Thậm chí nhiều ngành học ở các trường này do tuyển không đủ chỉ tiêu nên không mở được lớp. Điều này không chỉ khiến nhà trường, cơ quan chủ quản ở tỉnh gặp khó khăn mà ngay cả thí sinh cũng cảm thấy băn khoăn khi tham gia xét tuyển vào hệ thống trường ĐHĐP.

 

TS Trần Lăng, Phó Hiệu trưởng Trường đại học Phú Yên cho biết: Thế mạnh của trường là đào tạo các ngành sư phạm nhưng những năm gần đây vấn đề giải quyết việc làm cho sinh viên sư phạm gặp nhiều khó khăn nên rất ít học sinh chọn học ngành này. Mặc dù nhà trường đã mở thêm một số ngành khác mà địa phương sẽ cần nhân lực trong tương lai, song do tâm lý người học thường lựa chọn học những trường đại học ở các thành phố lớn, thành phố trực thuộc trung ương… nên đây là thách thức không nhỏ đối với trường ĐHĐP.

 

Hiện trường ĐHĐP không chỉ “thất thế” trong tuyển sinh, đào tạo mà còn gặp nhiều hạn chế trong vấn đề việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp. ThS Nguyễn Thị Quỳnh Uyên, Trường đại học Phú Yên nhìn nhận: “Tìm được việc làm đúng chuyên môn khi ra trường và có thu nhập cao là mong muốn của hầu hết sinh viên. Sinh viên sau khi tốt nghiệp ở các trường ĐHĐP phần lớn không tìm được việc làm phù hợp với ngành nghề được đào tạo nên phải tìm đến các thành phố lớn để xin việc. Điều này làm cho hệ thống trường ĐHĐP không thu hút được người học.

 

Vòng tròn “tuyển sinh - đào tạo - cung ứng nguồn nhân lực” thiếu và yếu ở tất cả các khâu, nên các trường đại học tỉnh rơi vào khó khăn.

 

Cần khai thác tối đa lợi thế

 

Đánh giá về mô hình ĐHĐP, Bộ GD-ĐT nhìn nhận: Mạng lưới trường ĐHĐP giúp cho nhiều học sinh nông thôn có cơ hội tham gia giáo dục đại học. Tuy nhiên, trước bối cảnh toàn cầu hóa và yêu cầu về cơ chế tự chủ, ĐHĐP đã và đang gặp nhiều thách thức. Có rất nhiều giải pháp được đặt ra với ĐHĐP trong bối cảnh phát triển toàn cầu hóa. Nhưng có một giải pháp được các nhà quản lý giáo dục nhắc đến nhiều nhất chính là việc trường ĐHĐP phải tạo được bản sắc và sự khác biệt với tốc độ đa dạng hóa đại học như hiện nay thì mới có được vị trí bền vững.

 

ThS Lê Dinh Dinh, Phòng Tổ chức cán bộ, Trường đại học Phú Yên chia sẻ: Lợi thế của ĐHĐP là cái máy cái trong ngành Giáo dục mỗi tỉnh, thành, bên cạnh chịu sự quản lý hành chính nhà nước của Bộ GD-ĐT thì các trường ĐHĐP luôn có mối quan hệ đan xen, đa chiều với các cơ quan, đơn vị hành chính sự nghiệp, các doanh nghiệp, công ty, đơn vị sản xuất kinh doanh, nhà máy, xí nghiệp… trên địa bàn tỉnh để cùng thực hiện nhiệm vụ kinh tế, chính trị. Vì vậy, trường đại học cần liên kết với các doanh nghiệp trong công tác đào tạo và tuyển dụng. Đó là phương thức nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, giúp người học rèn luyện kỹ năng, tích lũy kinh nghiệm thực tế; đồng thời tạo cơ hội tìm kiếm việc làm cho sinh viên tại chính các doanh nghiệp hợp tác.

 

Theo các đại biểu tham gia hội thảo khoa học Vai trò của các trường cao đẳng, đại học trên địa bàn tỉnh đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và khu vực Nam Trung Bộ - Tây Nguyên, hiện nay, thế mạnh của trường ĐHĐP là đào tạo những ngành truyền thống thì không còn nhiều, buộc phải chuyển sang đào tạo các ngành mới để phù hợp với người học.

 

Để nâng cao chất lượng đào tạo thì các trường phải chuẩn hóa đội ngũ giáo viên. Và việc chuẩn hóa này phải thông qua phối hợp với các đơn vị sử dụng lao động để giảng viên tiếp cận với quy trình công việc hoặc các nghiên cứu hợp tác và chuyển giao công nghệ giữa trường đại học với đơn vị sử dụng lao động về các ngành nghề mà trường đang đào tạo. Trên cơ sở này sẽ thúc đẩy việc ký kết hợp đồng đào tạo và cung ứng lao động theo nhu cầu, giúp đảm bảo đầu ra, tạo dựng niềm tin, sự hấp dẫn và thuyết phục đối với người học trong việc lựa chọn trường ĐHĐP để theo học.

 

Thực tế cho thấy, hình ảnh và uy tín của các trường đại học có ảnh hưởng rất lớn đến việc lựa chọn trường của thí sinh. Do đó mà các trường đại học lớn luôn thu hút được nhiều thí sinh hơn các trường ĐHĐP. Các trường ĐHĐP muốn tồn tại, phát triển, cần khai thác tối đa lợi thế của mình, đó là vị trí địa lý gần nhà, thuận lợi cho việc đi lại và học tập của người học; cần mở thêm các ngành học mới, đặc biệt là các ngành đang phát triển và phù hợp với nhu cầu nhân lực địa phương và xã hội. Như vậy, trường ĐHĐP sẽ đủ sức cạnh tranh và tìm được vị thế khi định vị được vị trí cũng như linh hoạt trong cách tổ chức, cơ chế phục vụ cộng đồng của mình.

 

THÚY HẰNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek