Thứ Tư, 25/09/2024 14:23 CH
Thí sinh “né” ngành hẹp, ngành đặc thù
Chủ Nhật, 30/05/2021 13:00 CH

Các chuyên gia tư vấn cho thí sinh Phú Yên trong việc chọn ngành, chọn trường. Ảnh: THÚY HẰNG

Nhiều nhóm ngành như khoa học tự nhiên, nông lâm thủy sản, môi trường… đang rất cần nguồn nhân lực nhưng số lượng thí sinh tham gia đăng ký xét tuyển các nhóm ngành này lại rất ít.

 

Tuyển không đủ chỉ tiêu

 

Để tạo sức hút cho thí sinh với những ngành học đặc thù, cần có một chiến lược về nhân lực. Trong đó, phải nêu rõ được nhu cầu, mức thu nhập có thể đạt được của các ngành học này, bên cạnh công tác truyền thông, hướng nghiệp, mới mong giải quyết được độ vênh trong tuyển sinh như hiện nay.

Nhìn từ công tác tuyển sinh trong những năm gần đây cho thấy, bên cạnh hàng loạt những ngành học mới, bắt kịp xu thế thời đại công nghiệp 4.0, các trường đại học vẫn duy trì một số ngành học mang tính đặc thù, gắn với thế mạnh của mỗi trường như nông lâm nghiệp, thủy hải sản, khoa học tự nhiên hay môi trường.

 

Khảo sát về số hồ sơ xét học bạ đợt 1 và xu hướng chọn ngành nghề đăng ký xét tuyển vào các trường đại học năm 2021 cho thấy, phần lớn hồ sơ xét tuyển sớm của thí sinh đều nộp vào các nhóm ngành hot. Số hồ sơ quan tâm đến ngành đặc thù, chuyên ngành hẹp thuộc lĩnh vực nông lâm ngư nghiệp, thủy sản, môi trường, khoa học tự nhiên không nhiều, dù nhóm ngành này có cơ hội việc làm rất cao.

 

ThS Phùng Quán, Trưởng Phòng Thông tin - Truyền thông, Trường đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh) cho hay, những năm gần đây, những ngành mà trường thường xuyên tuyển không đủ chỉ tiêu phần nhiều có tên gọi khiến học sinh có cảm giác công việc nặng nhọc, vất vả như ngành Địa chất, Hải dương học, Môi trường. Trong khi đây đều là những ngành mà nhu cầu tuyển dụng từ doanh nghiệp rất cao.

 

Tương tự tại các trường đại học Nha Trang, đại học Công nghiệp Thực phẩm TP Hồ Chí Minh, những năm gần đây, việc tổ chức tuyển sinh và đào tạo các ngành thuộc lĩnh vực thủy sản, công nghệ chế biến thủy sản và công nghệ kỹ thuật môi trường thường rất khó tuyển sinh. Các trường thường phải lấy điểm thấp mới đủ số lượng để đào tạo. Hoặc như Trường đại học Tài nguyên môi trường, mỗi năm có khoảng 200 chỉ tiêu cho ngành Công nghệ kỹ thuật môi trường và 250 chỉ tiêu cho ngành Quản lý tài nguyên nhưng luôn tuyển không đủ.

 

Tại Trường đại học Xây dựng Miền Trung, trong khi ngành Kỹ thuật xây dựng luôn có rất nhiều thí sinh tham gia xét tuyển thì ngược lại, ngành Kỹ thuật cấp thoát nước lại không nhiều người học. Trường đại học Phú Yên có ngành Hóa học, nhiều năm liền không tuyển đủ chỉ tiêu.

 

Cần dự báo về nhu cầu thị trường lao động

 

Thống kê của Bộ GD-ĐT cho thấy năm 2020, nhóm ngành khoa học tự nhiên có tổng chỉ tiêu 4.506 nhưng tổng số sinh viên nhập học chỉ là 1.867; nông lâm nghiệp và thủy sản có tổng chỉ tiêu 9.416, tổng nhập học 4.135; môi trường và bảo vệ môi trường có tổng chỉ tiêu 6.656, tổng nhập học 4.345. Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021, tỉ lệ thí sinh chọn bài thi khoa học tự nhiên khá thấp so với bài thi khoa học xã hội, đây cũng là điểm mấu chốt trong việc đăng ký ít nguyện vọng vào nhóm ngành như: Khoa học tự nhiên, nông lâm nghiệp và thủy sản, môi trường và bảo vệ môi trường…

 

Những năm qua, công tác tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp đã đi vào chiều sâu và phát huy được giá trị rất lớn trong công tác định hướng ngành nghề phù hợp cho học sinh. Tuy nhiên, việc chọn lựa ngành học của phụ huynh và học sinh vẫn còn nặng khuynh hướng chọn những ngành hot, có tiếng. Thí sinh dễ dàng lựa chọn các ngành hot như kinh tế, tài chính ngân hàng, công nghệ thông tin, thay vì thử thách ở những ngành đặc thù như khoa học tự nhiên, thủy sản, nông nghiệp hay môi trường…

 

Theo nhận định của các trường, một số ngành nghề xã hội đang rất cần nhưng không tuyển sinh được không nằm ở chỗ trường có quảng bá tốt hay không, có học bổng thu hút người học hay không, mà rất cần có dự báo về nhu cầu thị trường lao động để người học có cái nhìn rõ hơn về đầu ra. Còn các chuyên gia giáo dục thì nhấn mạnh rằng, để tạo sức hút cho thí sinh đối với những ngành học đặc thù, cần có một chiến lược về nhân lực. Trong đó, phải nêu rõ được nhu cầu, mức thu nhập có thể đạt được của các ngành học này, bên cạnh công tác truyền thông, hướng nghiệp, mới mong giải quyết được độ vênh trong tuyển sinh như hiện nay.

 

THÚY HẰNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek