Thứ Tư, 25/09/2024 18:18 CH
Phát hiện loài tắc kè mới tại Phú Yên
Thứ Hai, 17/05/2021 09:50 SA

Hình ảnh bên ngoài của tắc kè Phú Yên. Ảnh: NGUYỄN ĐĂNG HOÀNG VŨ

Các nhà khoa học vừa công bố loài tắc kè mới cho khoa học được phát hiện ở Phú Yên. Loài động vật thú vị này chỉ hiện diện tại tỉnh Phú Yên và chưa được ghi nhận ở bất cứ nơi nào khác trên thế giới. Đây là loài thứ 78 của giống tắc kè (Gekko) được ghi nhận trên thế giới.

 

Chúng có kích thước trung bình khoảng 9.28cm, thuộc nhóm có kích thước lớn của họ tắc kè (Gekkonidae). Với màu xanh rêu đậm chủ đạo trên lưng xen lẫn nhiều đốm nâu sậm và vệt ngắn màu trắng nằm đối xứng hai bên nên màu sắc của chúng thích nghi với việc ẩn mình trong kẹt đá và các bụi cây để trốn kẻ thù. Loài này được xem là phát hiện mới cho khoa học và hoàn toàn khác với các loài đã từng biết về cả đặc điểm hình dạng bên ngoài lẫn đặc tính di truyền (DNA) bên trong.

 

Tắc kè Phú Yên sở hữu số lượng lớn các bản mỏng nguyên dưới ngón chân, A (chân trước), B (chân sau). Ảnh: Nguyễn Đăng Hoàng Vũ

 

Vì một số loài họ hàng gần gũi với loài tắc kè Phú Yên được mô tả trước đây không có mẫu chuẩn lưu trong nước nên để thực hiện việc đối chiếu với mẫu chuẩn nhằm đảm bảo tính khác biệt, nhóm nghiên cứu đã phải đến hoặc tiếp cận thông tin từ các bảo tàng quốc tế (Đức và Nga). Để dần khắc phục sự bất tiện này và nhằm bảo tồn mẫu vật, nguồn gene trong tương lai, mẫu vật chuẩn và mẫu mô (dùng phân tích DNA) của loài tắc kè Phú Yên đang được lưu tại Bộ sưu tập Động vật Viện Sinh học Nhiệt đới (TP Hồ Chí Minh) và có mã số ITBCZ 6653. Việc lưu mẫu trong nước này cũng tạo điều kiện thuận lợi cho những nhà khoa học Việt Nam trong việc kiểm tra, đối chiếu mẫu vật trong tương lai.

 

Nghiên cứu là kết quả hợp tác của Viện Sinh học Nhiệt đới (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) cùng Trung tâm Bảo tồn Rùa Châu Á, Viện Nghiên cứu động vật (Viện Hàn lâm Khoa học Liên bang Nga) và Bảo tàng Hoàng gia Ontario (Canada). Kinh phí thực hiện nghiên cứu được tài trợ bởi Quỹ phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia (NAFOSTED, 106.05-2018.307) và dự án Hợp tác nghiên cứu VIETBIO Việt - Đức (German Federal Ministry of Education and Research [BMBF], 01DP17052).

 

Tắc kè Phú Yên tiến hóa theo một hướng riêng biệt với các loài còn lại. Ảnh: Nguyễn Đăng Hoàng Vũ

 

Theo nhóm nghiên cứu, tắc kè Phú Yên thường kiếm ăn vào ban đêm, ban ngày chúng ẩn mình trong các bụi cây và khe đá. Đây là loài hoàn toàn mới và được xem là đặc hữu ở Phú Yên, do đó cần tiến hành thêm các nghiên cứu về phân bố, sinh thái và tình trạng bảo tồn, nhằm bảo vệ và phát huy giá trị hệ động vật đặc biệt ở Phú Yên nói riêng và cả nước nói chung.

 

NGUYỄN ĐĂNG HOÀNG VŨ

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek