Thứ Sáu, 11/10/2024 16:28 CH
Thi tốt nghiệp THPT năm 2020:
Thí sinh thực tế hơn khi chọn ngành, chọn trường
Chủ Nhật, 19/07/2020 07:00 SA

Thực hiện tự chủ đại học, năm nay học phí nhiều trường tăng nên trong quá trình chọn ngành, chọn trường, thí sinh đặc biệt lưu ý về điều này. Ảnh: THÚY HẰNG

Thời điểm này, học sinh lớp 12 trên cả nước đã hoàn tất việc làm hồ sơ đăng ký dự thi (ĐKDT) tốt nghiệp THPT, đăng ký nguyện vọng xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng đợt 1. Năm nay, dưới tác động của dịch COVID-19, xu hướng lựa chọn ngành nghề của thí sinh thực tế hơn.

 

Theo thống kê của Sở GD-ĐT, toàn tỉnh có 10.117 thí sinh ĐKDT Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020. Trong đó, giáo dục phổ thông có 9.382 thí sinh; giáo dục thường xuyên và tự do có 735 thí sinh. Trong tổng số 10.117 thí sinh ĐKDT năm nay có 2.183 thí sinh chỉ thi để xét tốt nghiệp THPT, 7.623 thí sinh thi để xét tốt nghiệp và tuyển sinh đại học, cao đẳng, 311 thí sinh chỉ thi để lấy kết quả xét tuyển đại học, cao đẳng (là thí sinh giáo dục thường xuyên và tự do). Năm nay, bài thi tổ hợp Khoa học xã hội tiếp tục được nhiều thí sinh trên địa bàn tỉnh chọn với 6.340 thí sinh, trong khi bài thi tổ hợp Khoa học tự nhiên chỉ có 3.443 thí sinh.

 

Nhiều thí sinh chỉ thi để xét tốt nghiệp

 

Nói về việc có đến 2.183 thí sinh chỉ thi để xét tốt nghiệp, ông Phạm Ngọc Thơ, Trưởng Phòng Quản lý chất lượng (Sở GD-ĐT) cho rằng, hiện nay, các trường phổ thông thực hiện khá tốt công tác phân luồng học sinh. Nhiều học sinh học xong lớp 12 lựa chọn học nghề thay vì bằng mọi giá phải trúng tuyển vào đại học. Một thực tế nữa là những năm gần đây, không ít sinh viên tốt nghiệp đại học nhưng thất nghiệp, trong khi trước đó gia đình đã phải vay mượn một số tiền lớn cho con ăn học đại học. Vì thế, nhiều em chọn con đường học nghề, làm việc trong các nhà máy, xí nghiệp có thể kiếm 5-8 triệu đồng/tháng.

 

Theo Sở GD-ĐT, việc có nhiều thí sinh không xét tuyển đại học là thành công bước đầu trong phân luồng, định hướng học sinh trong việc chọn ngành, chọn trường. Hiện nay, thí sinh đã có sự nhìn nhận sát sườn trong chọn nghề phù hợp. Thầy Lê Thành Phương, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, cho hay: “Trường đã tư vấn, định hướng kỹ nhằm giúp học sinh có sự chọn lọc, lựa chọn ngành nghề đúng với năng lực, trình độ, sở trường. Với những học sinh giỏi, trường định hướng cho các em xét tuyển vào những trường tốp trên; còn với những em có học lực trung bình thì khuyên các em tìm hiểu kỹ thông tin về ngành nghề, đầu ra, khả năng kinh tế của gia đình… đừng “cố” vào đại học bằng mọi giá”.

 

Thí sinh tìm hiểu thông tin về ngành, nghề tại một chương trình tư vấn tuyển sinh. Ảnh: THÚY HẰNG

 

Chọn ngành nghề nhu cầu xã hội cần

 

Ba năm trở lại đây, các ngành nghề có xu hướng liên quan đến cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 như Công nghệ thông tin, Khoa học máy tính… được nhiều thí sinh quan tâm lựa chọn thì năm nay các khối ngành liên quan đến kỹ thuật - công nghệ, quản trị kinh doanh, marketing hay du lịch, truyền thông, kiến trúc… được các em quan tâm hơn.

 

Điểm nổi bật trong đăng ký nguyện vọng của thí sinh, đó là các em chỉ đăng ký từ 3-4 nguyện vọng và tập trung cho nhóm ngành đã chọn. Điều này cho thấy trước khi đăng ký, các em đã có những hiểu biết nhất định về ngành nghề, về nhu cầu xã hội và tìm hiểu kỹ về trường sẽ chọn. Em Nguyễn Tú Anh, Trường THPT Nguyễn Huệ, cho biết: “Em thích làm lễ tân khách sạn. Qua tìm hiểu em được biết đây là ngành xã hội rất cần nhân lực trong hiện tại và tương lai nên nguyện vọng mà em chọn đều tập trung vào những trường có đào tạo ngành học này”. Tương tự, em Phạm Tấn Dũng, Trường THPT Trần Quốc Tuấn chia sẻ: “Em thích ngành Công nghệ ô tô của Trường đại học Sư phạm kỹ thuật TP Hồ Chí Minh nên nguyện vọng 1 em đăng ký vào trường này. Các nguyện vọng còn lại em cũng đăng ký ngành học này nhưng ở một số trường khác có điểm đầu vào thấp hơn”.

 

Năm nay, các trường đại học thực hiện tự chủ nên phương thức tuyển sinh đa dạng. Vì vậy, các tổ hợp học sinh lựa chọn cũng nhiều hơn. Trung bình mỗi em chọn từ 2-4 tổ hợp. Trong đó, đại đa số thí sinh ở khu vực nông thôn, miền núi chọn tổ hợp Khoa học xã hội. Theo các em, môn thi tổ hợp Khoa học xã hội là Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân có thể suy luận tình huống, đoán được đáp án nên không chỉ tránh được điểm liệt nhằm xét tốt nghiệp THPT, mà còn có thể sử dụng để xét tuyển đại học.

 

Cân nhắc yếu tố học phí khi chọn trường

 

Theo đề án tuyển sinh của các trường đại học trong năm nay, chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT giảm đáng kể. Ở nhiều trường, mức chỉ tiêu này không vượt quá 50% tổng chỉ tiêu. Thay vào đó, các trường đa dạng hóa phương thức tuyển sinh. Chính vì thế, ngoài phương thức xét tuyển điểm thi tốt nghiệp, để tăng cơ hội học tập tại ngành mà bản thân yêu thích, thí sinh đã tận dụng nhiều phương thức xét tuyển từ học bạ, điểm thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh cho đến ưu tiên xét tuyển. Do đó, việc trúng tuyển đại học đối với thí sinh không quá khó. “Vấn đề quan trọng các thí sinh cần lưu ý là yếu tố học phí của từng trường. Năm nay, nhiều trường thực hiện tự chủ nên mức học phí không ổn định, gia tăng hàng năm, nếu các em không cân đối với điều kiện kinh tế gia đình thì có thể không “kham” nổi”, TS Nguyễn Đức Nghĩa, nguyên Phó Giám đốc Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh lưu ý với thí sinh.

 

Thầy Huỳnh Tấn Châu, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh cũng đưa ra lời khuyên, bên cạnh sự quan tâm đến ngành học phù hợp, mỗi học sinh cũng cần cân nhắc đến mức học phí, môi trường đào tạo, sao cho việc học đại học không phải là gánh nặng đối với gia đình.

 

Thực tế những năm qua cho thấy, học sinh có học lực giỏi, xuất sắc trên địa bàn tỉnh thường chọn học các ngành Y, Dược. Trong khi theo đề án tuyển sinh của Trường đại học Y dược TP Hồ Chí Minh, học phí năm học 2020-2021 ngành Y khoa là 68 triệu đồng/năm, ngành Răng - Hàm - Mặt 70 triệu đồng/năm, ngành Dược học là 50 triệu đồng/năm, ngành Kỹ thuật phục hình răng là 55 triệu đồng/năm. Mức học phí này tăng gấp 5 lần so với mức học phí cũ. Cũng theo lộ trình, dự kiến học phí mỗi năm tiếp theo sẽ được trường tăng 10%. Như vậy, theo mức học phí mới, sinh viên học 6 năm ngành Y khoa của trường này sẽ phải đóng khoảng 524,66 triệu đồng, chưa kể chi phí sinh hoạt và nhiều chi phí khác.

 

Học phí nhóm ngành y khoa ở nhiều trường đại học khác cũng ở mức khá cao. Học phí Khoa Y (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh) áp dụng cho khóa tuyển sinh 2020-2021 chất lượng cao như ngành Y khoa là 60 triệu đồng/năm, Dược học 88 triệu đồng/năm, ngành Răng - Hàm - Mặt 55 triệu đồng/năm.

 

Đối với các trường ngoài công lập, ngành Y cũng là ngành có học phí đắt đỏ nhất so với các ngành còn lại.

 

THÚY HẰNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek