Thứ Tư, 27/11/2024 23:50 CH
Tự chủ đại học: Nhiều trường chưa đủ năng lực và thiếu sự sẵn sàng
Chủ Nhật, 21/06/2020 13:00 CH

Tọa đàm khoa học Đổi mới tư duy về quản lý nhà nước với giáo dục đại học Việt Nam thu hút nhiều nhà quản lý, nghiên cứu, lãnh đạo ở lĩnh vực giáo dục đại học. Ảnh: THÚY HẰNG

Tự chủ đại học sẽ tạo ra bước ngoặt lớn cho các cơ sở giáo dục đại học (GDĐH). Tuy nhiên việc áp dụng các quy định mới về tự chủ đại học cũng đặt ra nhiều vấn đề phải điều chỉnh, xử lý.

 

Viện Nghiên cứu phát triển phương Đông phối hợp với Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) Việt Nam vừa tổ chức Tọa đàm khoa học “Đổi mới tư duy về quản lý nhà nước với GDĐH Việt Nam” với sự tham gia của gần 100 nhà quản lý, nghiên cứu, lãnh đạo ở lĩnh vực GDĐH. Tại chương trình tọa đàm, các ý kiến cho rằng hiện nay, tự chủ ĐH được xem là xu thế phát triển trong đổi mới tư duy về quản lý nhà nước được rất nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng và ở nước ta trong thời gian qua cũng đã tiến hành áp dụng thí điểm cơ chế tự chủ ở một số trường ĐH. Tuy nhiên trong quá trình áp dụng đã và đang cho thấy nhiều vấn đề phải điều chỉnh, xử lý.

 

Còn lúng túng

 

Hiện cả nước có hơn 20 cơ sở GDĐH thực hiện thí điểm tự chủ. Quá trình thực hiện cho thấy, đây là xu thế tất yếu, đưa đến nhiều kết quả đáng ghi nhận như việc cải thiện chất lượng đào tạo gắn với thực tiễn, phát triển nghiên cứu khoa học ở một số cơ sở GDĐH hàng đầu, một số trường ĐH xuất hiện trong các bảng xếp hạng uy tín quốc tế. Tuy nhiên, tự chủ ĐH cũng đặt ra một số thách thức như năng lực tự chủ của một số trường còn hạn chế, thực hiện chưa nghiêm dẫn đến nhiều vấn đề bất cập nảy sinh.

 

GS.TS Trình Quang Phú, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển phương Đông cho biết, sự nghiệp giáo dục nước ta đã 4 lần đổi mới, cải cách, nhưng vẫn còn quá nhiều bất cập, cần thiết đổi mới hơn nữa mới theo kịp quốc tế. Theo GS.TS Trình Quang Phú, tự chủ ĐH chung quy có 3 yếu tố: Tự chủ quản trị ĐH (bao gồm bộ máy con người, quy chế quản lý), tự chủ học thuật đào tạo để có chất lượng cao, tự chủ tài chính. Với các trường thí điểm tự chủ phải cho họ mạnh dạn, sáng tạo để thực hiện 3 yếu tố này bằng kinh nghiệm thực tiễn và kinh nghiệm các nước đã thành công.

 

Các ý kiến tại buổi tọa đàm cũng cho biết, vẫn còn một số rào cản, vướng mắc do tình trạng luật chồng luật. Đại diện Trường ĐH Tôn Đức Thắng, một trong những trường thực hiện đạt hiệu quả tự chủ ĐH, chia sẻ: Bên cạnh các quy định theo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật GDĐH, các cơ sở GDĐH vẫn phải tuân thủ các quy định của Luật Đầu tư công, Luật Đấu thầu dẫn đến vướng mắc, khó khăn trong nhiều hoạt động liên quan đến mua sắm thiết bị, đầu tư công, xây dựng cơ bản, thậm chí gây chậm tiến độ ở một số dự án. Hay trong lĩnh vực nhân sự, các trường bị vướng rất nhiều do quy định của Luật Viên chức. Những vướng mắc này khiến các trường chưa tự chủ được về việc tuyển dụng và sa thải cán bộ giảng viên năng lực chưa đảm bảo, chưa có quyền tự quyết và tự chịu trách nhiệm trong việc bổ nhiệm nhân sự vào các vị trí trọng yếu.

 

Một số ý kiến khác thì bổ sung về quyền và trách nhiệm của hội đồng trường để đảm bảo thực quyền cũng là vấn đề còn nhiều tranh cãi. Tất cả những điều này đều có ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học của các trường, từ đó ảnh hưởng trực tiếp đến người học.

 

Tăng quyền tự chủ cho các trường

 

Quyền tự chủ của trường ĐH đã được thừa nhận từ lâu nhưng chưa tạo ra chuyển biến đáng kể, ngoài việc do những vướng mắc về cơ chế, thì một phần quan trọng khác là do các trường chưa đủ năng lực và thiếu sự sẵn sàng. Thực tế cho thấy, các trường ĐH vẫn chưa mạnh dạn thực thi sự tự chủ, vẫn mang tâm lý e dè, bởi thói quen phụ thuộc nhiều vào sự quản lý của Nhà nước.

 

TS Nguyễn Thị Kim Phụng, nguyên Vụ trưởng Vụ Đại học (Bộ GD-ĐT) cho hay: Tự chủ ĐH mở ra rất nhiều cơ hội nhưng cũng không ít khó khăn thách thức đối với các trường ĐH. Những thành tựu đạt được của quá trình tự chủ của các cơ sở GDĐH trong thời gian qua chỉ là bước đầu. Việc không hoàn toàn tự chủ về học thuật, về quản trị và về tài chính, dẫn đến những người đứng đầu các cơ sở GDĐH cũng không đủ quyền hành để thực thi các cải cách cần thiết. Vấn đề đặt ra là các trường cần phải nỗ lực, thay đổi để đạt được các mục tiêu cũng như tồn tại và ngày càng phát triển.

 

Việc trao quyền tự chủ cho các trường ĐH trong thời gian qua có thể nói vẫn chưa được thực hiện một cách triệt để và đầy đủ. Thực tế các trường đều phải chịu sự phân phối về chỉ tiêu tuyển sinh của Bộ GD-ĐT cho nên dù nguồn lực có thể tiếp nhận nhiều hơn nhưng các trường không thể tuyển vượt quá chỉ tiêu đã được ấn định. Năm học 2020-2021, Bộ GD-ĐT tăng quyền tự chủ cho các trường, tuy nhiên Bộ trưởng GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết sẽ có phương thức để kiểm soát chặt chẽ về chất lượng đào tạo và chất lượng đầu ra. Bởi nếu không, những trường không đặt mục tiêu chất lượng lên hàng đầu sẽ có thể lợi dụng cơ hội này để làm ẩu, làm sai quy trình, dẫn đến hậu quả nghiêm trọng cho xã hội.

 

GS.TS TRẦN HỒNG QUÂN, NGUYÊN BỘ TRƯỞNG GD-ĐT: Tự chủ đại học phải gắn liền với trách nhiệm 

 

Tự chủ là con đường tất yếu để các trường đổi mới phương thức quản trị, chuyển từ đào tạo theo vốn tự có sang đào tạo theo nhu cầu của thị trường để nâng cao chất lượng. Đó cũng là biện pháp để quy hoạch lại mạng lưới các trường ĐH ở nước ta hiện nay.

 

Khi áp dụng cơ chế tự chủ, các trường sẽ có cơ hội phát triển mạnh mẽ hơn từ việc đầu tư nghiên cứu khoa học đến thay đổi chương trình đào tạo và khẳng định thương hiệu. Tự chủ ĐH gắn liền với trách nhiệm, vì vậy mỗi trường sẽ tự lựa chọn cho mình một hướng đi phù hợp để đáp ứng nhu cầu của xã hội.

 

Tuy nhiên, trao quyền tự chủ trọn vẹn cho các trường không có nghĩa là bỏ qua vai trò quản lý của Nhà nước mà ngược lại. Chỉ có điều, vai trò quản lý đó không phải ở việc xác định lộ trình, thời điểm nào, được làm gì và không được làm gì mà phải tập trung vào việc kiểm định nghiêm ngặt, khách quan và chính xác chất lượng, hiệu quả đào tạo, công khai các kết quả đó để người học có cơ sở lựa chọn.

 

TS LÊ VIẾT KHUYẾN, HIỆP HỘI CÁC TRƯỜNG ĐH, CĐ VIỆT NAM: Cần phát huy vai trò hội đồng trường 

 

Tự chủ ĐH sẽ tạo ra bước ngoặt lớn cho các cơ sở GDĐH, đặc biệt là những cơ sở giáo dục có nội lực và có người đứng đầu mạnh dạn tìm tòi, đổi mới, năng động, sáng tạo. Vì khi tự chủ, các trường sẽ tự chủ tài chính, tự chủ về nguồn thu - chi, được thực hiện nhiệm vụ đào tạo và nghiên cứu khoa học, được ngưng mở ngành nào, quyết định mở thêm ngành nào để đào tạo theo nhu cầu của xã hội nếu như đáp ứng được điều kiện theo quy định.

 

Nhà nước không trao quyền tự chủ của trường ĐH cho một cá nhân mà phải cho một tập thể lãnh đạo và tập thể đó phải thực sự là tổ chức quyền lực cao nhất trong trường. Đó chính là hội đồng trường. Tuy nhiên, hiện nay việc thành lập Hội đồng trường chưa thực sự được các trường ĐH ủng hộ hoặc nếu có cũng rất mờ nhạt, chưa thể hiện được vai trò.

 

Vấn đề đặt ra là các trường ĐH cần phải nỗ lực và cho thấy được sự linh hoạt, chủ động về tổ chức bộ máy, thực hiện nhiệm vụ chuyên môn và tuyển dụng nhân sự. Còn Nhà nước cần tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng cho các trường ĐH.

 

THÚY HẰNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek