* Các nhà khoa học Singapore tìm ra 5 kháng thể chống COVID-19
Giới chức quản lý Đức ngày 17/6 cho biết công ty công nghệ sinh học CureVac (Đức) đã giành được giấy phép để bắt đầu tiến hành thử nghiệm một loại vắc xin phòng dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trên con người khi cuộc chạy đua tìm giải pháp ngăn chặn dịch COVID-19 lây lan đang tăng tốc trên toàn cầu.
Viện Paul Ehrlich (PEI), cơ quan chịu trách nhiệm đánh giá kết quả thử nghiệm lâm sàng và phê duyệt lưu hành đối với các loại vắc xin, nhận định rằng sự phê chuẩn trên là một “cột mốc quan trọng”.
PEI cho biết đã “bật đèn xanh” cho CureVac dựa trên “một sự đánh giá cẩn thận về những lợi ích và rủi ro của loại vắc xin ứng viên trên”.
Như vậy, CureVac là công ty thứ hai của Đức tiến hành thử nghiệm vắc xin COVID-19 ở người sau khi PEI hồi tháng 4/2020 đã cấp phép tương tự cho một loại vắcxin COVID-19 do Biontech (Đức) và Pfizer (Mỹ) hợp tác phát triển.
Kế hoạch thử nghiệm vắc xin COVID-19 trên con người của CureVac sẽ có sự tham gia của 168 tình nguyện viên khỏe mạnh, trong đó 144 người sẽ được tiêm vắc xin thử nghiệm bắt đầu từ tháng 6 này.
PEI cho biết dự kiến sẽ có thêm nhiều vắc xin COVID-19 “ứng viên” bắt đầu được thử nghiệm lâm sàng ở Đức “trong một vài tháng tới”.
Theo PEI, “cuộc chiến chống COVID-19 sẽ cần nhiều hơn 1 loại vắc xin để đảm bảo nguồn cung đầy đủ để công tác phòng chống dịch đạt hiệu quả”. Trong khi đó, theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hiện có 11 loại vắc xin phòng COVID-19 đang được thử nghiệm trên con người.
Động thái trên của CureVac diễn ra chỉ hai ngày sau khi Chính phủ Đức thông báo chi 300 triệu euro để mua 23% cổ phần của CureVac, một nỗ lực rõ ràng nhằm ngăn chặn nguy cơ doanh nghiệp này rơi vào tay các công ty nước ngoài.
Theo các phương tiện truyền thông Đức, CureVac đang có kế hoạch niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán Nasdaq (Mỹ) trong tháng 7/2020.
Trong khi đó, theo phóng viên TTXVN tại Singapore, một nhóm các nhà khoa học nước này đã tìm ra 5 kháng thể có thể ngăn chặn sự lây nhiễm của virus SARS-CoV-2 gây dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Thử nghiệm trên người đối với kháng thể đầu tiên AOD01 có thể sẽ được tiến hành trong vài tháng tới.
Tổ chức Nghiên cứu và phát triển phòng vệ Singapore (DSO) cho biết kể từ tháng 3, các nhà khoa học nước này đã sàng lọc hàng trăm nghìn tế bào B, loại tế bào sản sinh ra các kháng thể chống lại các tác nhân gây bệnh từ các mẫu máu của các bệnh nhân mắc COVID-19 đã phục hồi.
Với giai đoạn nghiên cứu đã hoàn tất, công trình nghiên cứu này giờ đây đang chuyển sang giai đoạn thử nghiệm lâm sàng và sẽ được đưa vào sản xuất nếu thử nghiệm trên người thành công.
Theo tiến sĩ Conrad Chan, trưởng nhóm nghiên cứu, khi con người được tiêm kháng thể, loại kháng thể đó sẽ lan ra toàn bộ cơ thể, ngăn chặn virus lan đến phổi, tránh được tình trạng bệnh trở nên nghiêm trọng.
Lý tưởng là các kháng thể được tiêm cho bệnh nhân sau khi họ có các triệu chứng mắc COVID-19 và trước khi bệnh trở nặng. Ngoài ra, do các kháng thể vẫn còn tồn tại trong cơ thể con người gần 1 tháng, nên chúng còn có tác dụng phòng bệnh. Nếu thử nghiệm lâm sàng thành công, đây có thể là giải pháp tốt cho phòng và điều trị COVID-19.
Các nhà khoa học đã sử dụng kỹ thuật sàng lọc đồng thời các tế bào B với virus sống, cho phép nhanh chóng xác định được các loại kháng thể có thể vô hiệu hóa virus. Kỹ thuật này giúp giảm bớt cả thời gian và nguồn nhân lực, có nghĩa là có thể tìm được nhiều kháng thể hơn và trở thành phương thức điều trị an toàn và hiệu quả đối với các bệnh nhân COVID-19.
Kỹ thuật này được DSO phát triển với sự cộng tác với Trường Y Yong Loo Lin và Viện Khoa học đời sống thuộc trường Đại học Quốc gia Singapore trong hơn 5 năm qua.
L.H (tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+)