Đó là việc làm của cô Huỳnh Thị Chung (40 tuổi), giáo viên dạy Vật lý Trường THCS Lý Tự Trọng (phường 8, TP Tuy Hòa). Tại Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh lần thứ 8, cô Chung đã trình làng giải pháp “Sản xuất phân bón hữu cơ sinh học từ phế thải thủy sản và vỏ thơm”, được hội đồng giám khảo đánh giá cao.
Ấp ủ sáng tạo
Cô Huỳnh Thị Chung chia sẻ: “Những lần đi chợ, tôi thấy người bán cá, bán thơm thải ra nhiều vỏ thơm và các loại nội tạng, mang, vảy, vây cá… làm ảnh hưởng đến vệ sinh môi trường. Từ đó, tôi bắt đầu suy nghĩ về một giải pháp tận dụng các phế phẩm này làm ra một sản phẩm khác hữu ích, dẫu biết mình không có chuyên môn về hóa học”.
Khi bắt tay thực hiện ý tưởng sáng tạo làm phân hữu cơ sinh học từ vây, mang, vảy cá và vỏ thơm, cô giáo Chung nhiều lần thất bại. Nhưng nhờ kiên trì thử nghiệm hết lần này đến lần khác, cuối cùng, cô cũng đã hoàn thành giải pháp. |
Dù đã từng có nhiều giải pháp tham dự hội thi sáng tạo kỹ thuật nhưng hầu hết các sáng tạo kỹ thuật trước đây đều thuộc lĩnh vực vật lý nên ban đầu cô Chung khá lúng túng. Đem ý tưởng của mình cũng như những khó khăn vấp phải trao đổi với chồng - kỹ sư điện Đặng Như Ý và các đồng nghiệp ở trường, cô Chung nhận được sự ủng hộ và chia sẻ một số giải pháp để làm phân bón hữu cơ. Kỹ sư Đặng Như Ý cho biết: “Ban đầu nghe vợ nói ý tưởng sáng tạo, tôi khá lo lắng vì chuyên môn của vợ là vật lý chứ không phải hóa học. Tuy nhiên, tôi vẫn ủng hộ để vợ có thêm động lực hoàn thiện sản phẩm. Dù giải pháp chỉ đạt giải khuyến khích tại Hội thi Sáng tạo kỹ thuật vừa qua nhưng đây là niềm vui lớn của vợ và gia đình tôi”.
Được biết, khi bắt tay thực hiện ý tưởng sáng tạo làm phân hữu cơ sinh học từ vây, mang, vảy cá và vỏ thơm, cô giáo Chung nhiều lần thất bại. Nhưng nhờ kiên trì thử nghiệm nhiều lần, cuối cùng, cô cũng đã hoàn thành giải pháp, tận dụng được một số phế phẩm để tạo ra sản phẩm phân bón hữu cơ sinh học giàu đạm bón cho cây trồng, nhất là các loại rau, dưa…, góp phần bảo vệ môi trường.
Biến ý tưởng thành sản phẩm
Theo cô Huỳnh Thị Chung, bản chất của giải pháp “Sản xuất phân bón hữu cơ sinh học từ phế thải thủy sản và vỏ thơm” là cho enzyme bromelain (được tìm thấy trong toàn bộ cây dứa cũng như trong các phế phụ phẩm của dứa) thủy phân protein có trong thủy hải sản.
Về quy trình kỹ thuật, cô Chung bật mí: Đầu tiên nghiền nhỏ phế thải thủy hải sản chung với vỏ thơm và nước với tỉ lệ 1:1:2 (1 phế phẩm cá + 1 phế phẩm vỏ thơm + 2 phần nước). Nội tạng cá và vỏ thơm được nghiền nhỏ với mục đích tăng diện tích tiếp xúc giữa hai nguyên liệu cũng như tạo điều kiện cho enzyme bromelain trong vỏ thơm thủy phân protein có trong thủy hải sản. Tiếp theo đem hỗn hợp ủ trong 3 giờ đồng hồ với nhiệt độ 550C, đây là điều kiện quan trọng để enzyme tăng hiệu suất tối đa trong quá trình thủy phân protein tạo thành nguồn acid amin dinh dưỡng khi bón, tưới cây trồng. Giai đoạn cuối cùng là đun nấu sôi, để nguội, lắng lọc sản phẩm hỗn hợp thành phân. Loại phân dạng lỏng (nước) sẽ được sử dụng để bón lá cho cây trồng, đặc biệt là rau ăn lá. Bã còn lại sẽ được sử dụng để làm phân bón đất trồng.
Nói về giải pháp của cô Huỳnh Thị Chung, thầy Ngô Thanh Việt, Hiệu trưởng Trường THCS Lý Tự Trọng cho biết: “Những giải thưởng tại Hội thi Sáng tạo kỹ thuật của cô giáo Huỳnh Thị Chung là nguồn động viên, khích lệ tinh thần thi đua sáng tạo kỹ thuật của thầy cô giáo ở trường. Chúng tôi sẽ vận động giáo viên, học sinh của trường tiếp tục tham gia sáng tạo phục vụ học tập và cuộc sống”.
Kỹ sư Lê Văn Thứng, thành viên hội đồng giám khảo lĩnh vực nông, lâm nghiệp, tài nguyên môi trường tại Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Phú Yên lần thứ 8, đánh giá: “Giải pháp sản xuất phân bón hữu cơ sinh học từ phế thải thủy sản và vỏ thơm” đã đáp ứng mục tiêu, nội dung hội thi đề ra. Nhất là vấn đề môi trường trong việc xử lý phế phẩm thủy sản, vỏ thơm nói riêng và vỏ trái cây nói chung... ở các chợ hiện nay. Giải pháp nếu hoàn thiện và được áp dụng cho các nhà máy chế biến thủy hải sản hoặc nhà máy sản xuất nước trái cây sẽ rất khả quan”.
HOÀNG HÀ THẾ