Năm nay, Bộ GD-ĐT không tổ chức kỳ thi THPT quốc gia như những năm trước, thay vào đó là kỳ thi tốt nghiệp THPT. Vì tính chất kỳ thi có thay đổi, nên các trường THPT trên địa bàn tỉnh chủ động điều chỉnh phương pháp, nội dung ôn tập phù hợp với sự thay đổi này.
Chủ động, linh hoạt trong giảng dạy
Các trường vẫn dạy và ôn tập theo nguyện vọng của học sinh đó là hướng tới mục tiêu xét tuyển ĐH, CĐ. Dù mức độ đề thi năm nay theo hướng tăng dễ giảm khó, nhưng vẫn có tính phân hóa để phân loại thí sinh nên trong quá trình giảng dạy giáo viên vẫn lưu ý đến vấn đề này. |
Mục đích của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay là lấy kết quả để xét công nhận tốt nghiệp THPT và đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông; việc xét tuyển đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) chỉ dành cho những học sinh có nhu cầu và với những trường ĐH, CĐ có nhu cầu.
Cô Trần Thị Lệ Như, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Trãi (TP Tuy Hòa) cho biết: “Do mục đích của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay là lấy kết quả để xét công nhận tốt nghiệp nên càng đòi hỏi cao tính chủ động của mỗi nhà trường, mỗi giáo viên. Bởi hầu hết học sinh đều có nhu cầu xét tuyển ĐH, CĐ bằng điểm thi tốt nghiệp. Vì vậy, nhà trường và giáo viên chủ động, linh hoạt trong giảng dạy để học sinh đạt được mục đích vừa đỗ tốt nghiệp vừa có điểm cao để xét tuyển ĐH”. Theo cô Như, năm học 2019-2020, Trường THPT Nguyễn Trãi có hơn 500 học sinh lớp 12. Từ tháng 5/2020, trường bắt đầu dạy tăng tiết một số môn như Toán (tăng 3 tiết/tuần), Ngữ văn (tăng 2 tiết/tuần), Tiếng Anh (tăng 1 tiết/tuần).
Theo các trường THPT trên địa bàn tỉnh, việc giảng dạy và ôn tập cho học sinh vẫn phục vụ hai mục đích: xét tốt nghiệp và tuyển sinh ĐH, CĐ. “Dù mức độ đề theo hướng tăng dễ, giảm khó nhưng vẫn có tính phân hóa để phân loại học sinh. Vì vậy, song song với việc giảng dạy hoàn thành chương trình học kỳ II, giáo viên cũng tập trung ôn tập cho học sinh, giúp các em thích ứng với tính đa dạng của các hình thức xét tuyển. Đặc biệt, trong kế hoạch ôn tập cho học sinh, tính phân hóa theo yêu cầu của đề thi vẫn được giáo viên lưu ý”, một giáo viên Trường THPT Phạm Văn Đồng (huyện Tây Hòa) chia sẻ. Còn cô Nguyễn Thị Hạnh, giáo viên Trường THPT Nguyễn Trãi, cho hay: “Ngoài dạy học theo khung chương trình của năm học, tôi cũng như những giáo viên khác trong trường đều xây dựng kế hoạch, dành thời gian ôn tập cho học sinh theo cấu trúc và đề minh họa của Bộ GD-ĐT. Đối với những học sinh có nguyện vọng xét tuyển ĐH, chúng tôi sẽ tăng cường kiến thức nâng cao cho các em. Đồng thời động viên các em ôn tập kỹ những kiến thức trọng tâm, tìm hiểu kỹ thông tin về việc tuyển sinh của các trường ĐH”.
Phát triển các năng lực chung và chuyên biệt ở học sinh
Năm 2018, Bộ GD-ĐT đã từng khẳng định, phương thức tổ chức thi THPT quốc gia dùng chung kết quả thi vừa để xét tốt nghiệp, vừa để xét tuyển ĐH, là ổn định và phù hợp. Bộ cũng đã có chủ trương duy trì phương thức thi này đến năm 2021. Tuy nhiên, năm nay do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, kỳ thi THPT quốc gia đã được điều chỉnh tên gọi, phương thức lẫn cách thức tổ chức thi cho phù hợp với bối cảnh học sinh phải nghỉ học quá nhiều ngày, chương trình học phải tinh giản đáng kể...
Thời gian tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT (dự kiến vào tháng 8) không còn nhiều. Do vậy, trong khi chờ những hướng dẫn cụ thể của Bộ GD-ĐT về kỳ thi, việc các trường có sự chủ động trong công tác dạy học bám sát theo chuẩn kiến thức và kỹ năng tối thiểu, hướng đến sự phát triển các năng lực chung và chuyên biệt ở học sinh; tích cực tổ chức ôn tập cho học sinh theo các nhóm đối tượng với năng lực khác nhau là rất cần thiết. Nhiều người cho rằng, dù kỳ thi THPT có thay đổi như thế nào, nhưng với sự chủ động, nỗ lực hoàn thành chương trình học kỳ 2 đúng tiến độ và dành khoảng thời gian quý báu còn lại để tiếp tục ôn luyện cho học sinh theo hình thức cuốn chiếu mà các trường đang làm sẽ góp phần giúp học sinh tự tin vượt qua kỳ thi.
Chia sẻ về chỉ đạo của Sở GD-ĐT, Giám đốc Phạm Văn Cường cho hay, Sở GD-ĐT đã chỉ đạo các trường THPT, trung tâm giáo dục thường xuyên thực hiện nghiêm túc hướng dẫn điều chỉnh nội dung dạy học học kỳ 2 năm học 2019-2020. Đồng thời tổ chức kiểm tra đánh giá học sinh đảm bảo chính xác, khách quan, công bằng đúng quy chế; bám sát đề thi tham khảo của Bộ GD-ĐT để xây dựng chương trình, kế hoạch ôn tập phù hợp với từng đối tượng học sinh.
THÚY HẰNG