Thứ Ba, 15/10/2024 02:20 SA
Rà soát ngành khó tuyển nhưng xã hội cần nhân lực
Chủ Nhật, 22/03/2020 13:00 CH

Sinh viên ngành Hóa học Trường đại học Phú Yên thực hành thí nghiệm hóa học. Ảnh: THÚY HẰNG

Thực tế cho thấy, nhiều trường đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) có xu hướng đua nhau mở ngành mà thí sinh thích để đảm bảo chỉ tiêu tuyển sinh. Trong khi ở chiều ngược lại, những ngành học mà thí sinh nghĩ sẽ cực khổ, chê không chọn lại ngày càng trở nên khan hiếm nhân lực.

 

Thiếu nhân lực những ngành khó tuyển sinh

 

Đối với thí sinh, trong thời điểm này, các em cần phải tìm hiểu kỹ thông tin thị trường lao động để chọn trường chọn ngành phù hợp với năng lực học tập và hoàn cảnh gia đình.

Theo số liệu thống kê của Bộ GD-ĐT tại Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2019 và triển khai công tác tuyển sinh năm 2020 do bộ này vừa tổ chức, có 5 nhóm ngành ĐH có tỉ lệ tuyển sinh thấp nhất trong toàn hệ thống được chỉ ra gồm: Nhóm ngành Nông lâm nghiệp và Thủy sản, tỉ lệ nhập học đạt 32,6%; nhóm ngành Khoa học tự nhiên đạt 34,58%; Môi trường và bảo vệ môi trường đạt 45,28%; Dịch vụ xã hội đạt 45,71% và Khoa học sự sống đạt 50,04%.

 

Thực tế cho thấy, nhiều trường ĐH, CĐ có xu hướng đua nhau mở ngành mà thí sinh thích nhằm đảm bảo chỉ tiêu tuyển sinh. Việc trường ĐH mở ngành “chiều” thí sinh và việc thí sinh chọn ngành theo cảm quan là một trong những nguyên nhân gây nên sự bão hòa, cũng như thừa nguồn nhân lực của khối và nhóm ngành đó. Ở chiều ngược lại, những ngành học mà thí sinh nghĩ sẽ cực khổ lại ngày càng trở nên khan hiếm nhân lực.

 

Ông Hà Hùng Vĩ, Tổng Giám đốc Công ty CP Công nghiệp gỗ Trường Thành (Khu công nghiệp Hòa Hiệp) cho rằng: Nhu cầu nhân lực ngành gỗ của các doanh nghiệp rất lớn. Vậy nhưng số lượng sinh viên theo học ngành này tại các trường có đào tạo lĩnh vực lâm nghiệp vẫn chưa nhiều dẫn đến việc tuyển dụng gặp khó khăn.

 

Là ngành học mà nhu cầu nhân lực đang rất cần, nhưng thí sinh lại khá e dè khi đăng ký vào ngành Công nghệ kỹ thuật hóa học. TS Trần Kim Quyên, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Công Thương Miền Trung, chia sẻ: Thực tế nhu cầu nhân lực hàng năm của ngành học này luôn rất cao nhưng lại là ngành khó tuyển thí sinh. Nguyên nhân là do thí sinh cho rằng môi trường làm việc của ngành này khá vất vả, trong khi các em lại có nhiều cơ hội trong các ngành khác.

 

Cũng rơi vào tình trạng khan hiếm người học, thường xuyên phải xét tuyển nguyện vọng 2, 3 là các ngành thuộc các lĩnh vực chế biến lâm sản, thủy sản, phát triển nông thôn và khuyến nông, kinh doanh nông nghiệp, cơ khí nông lâm, cơ khí chế biến bảo quản nông sản thực phẩm hoặc các ngành truyền thống thuộc khối xã hội nhân văn như Triết học, Lịch sử, Lưu trữ học, Thư viện, Công tác xã hội... Chính vì ít người chọn học nên cung thường không đủ cầu.

 

Rà soát những ngành khó tuyển

 

Đây là thực tế mà theo nhiều trường không dễ thay đổi trong thời gian trước mắt, khi công tác tư vấn ngành nghề của các trường vẫn quá chú trọng vào các ngành học hot của mình. Vì vậy, tại Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2019 và triển khai công tác tuyển sinh năm 2020, lãnh đạo các trường ĐH, CĐ cho rằng ngoài việc thúc đẩy các chính sách hỗ trợ, gia tăng sức hút vị trí công việc bằng bài toán tài chính thì công tác truyền thông, hướng nghiệp của các trường cần phải có sự song hành của các doanh nghiệp đang “khát” nhân sự nhóm ngành khó tuyển. Chỉ có doanh nghiệp dẫn chứng vị trí công việc bằng thực tế sản xuất, nghiên cứu… mới giúp xóa đi được những nghi ngại và tính thực dụng của phụ huynh và thí sinh. Đồng thời phải cho người học thấy giá trị, sự vinh quang của nghề nghiệp mà mình chọn lựa, theo đuổi.

 

Thời gian tới, Việt Nam sẽ có rất nhiều ngành nghề ở các lĩnh vực khác nhau cần lực lượng lao động lớn. Các ngành nghề sẽ chuyển đổi cùng với sự phát triển của công nghệ nhưng đều cần nhân lực chất lượng cao, cần người giỏi kỹ năng, có kỷ luật. Vậy nên, bên cạnh việc mở ngành học mới, các trường vẫn còn các ngành khoa học cơ bản, ngành khó tuyển những năm trước đến nay tiếp tục khó khăn, ít thí sinh lựa chọn. Nếu tiếp tục đào tạo, các trường sẽ phải bù lỗ kinh phí cho những ngành khó tuyển sinh, còn nếu tạm thời đóng cửa, dừng tuyển sinh sẽ là một điều đáng tiếc bởi đây là những ngành truyền thống, có thế mạnh về đào tạo. Vì thế, các trường đề nghị Bộ GD-ĐT cần rà soát những ngành khó tuyển nhưng xã hội đang cần nhân lực để đề xuất chủ trương, nhằm khắc phục bất cập trong đào tạo ở các nhóm ngành trên.

 

THÚY HẰNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek