Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành đề án Nâng cao chất lượng giáo dục đại học (GDĐH) giai đoạn 2019-2025, trong đó xác định rõ giá trị yêu cầu của việc gắn kết giữa học tập và thực hành trong quá trình đào tạo nhằm tạo sự chuyển biến thực chất về chất lượng đào tạo, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực.
Đào tạo gắn với thực tiễn
Đề án đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, có 100% sinh viên tốt nghiệp đạt chuẩn đầu ra, kể cả chuẩn trình độ ngoại ngữ, tin học, kỹ năng mềm để sẵn sàng tham gia thị trường lao động. Về điều kiện bảo đảm chất lượng và kiểm định chất lượng giáo dục, phấn đấu 100% giảng viên đại học có trình độ thạc sĩ hoặc tương đương trở lên, trong đó ít nhất 35% có trình độ tiến sĩ; 100% cơ sở GDĐH (đủ điều kiện) thực hiện kiểm định chất lượng giáo dục, trong đó khoảng 10% được kiểm định bởi các tổ chức kiểm định nước ngoài có uy tín...
Đặc biệt, trong bối cảnh thế giới đang diễn ra cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, yếu tố cốt lõi của việc xây dựng hệ thống GDĐH đó là đào tạo gắn liền với yêu cầu thực tiễn, đào tạo đáp ứng tốt hơn nhu cầu của xã hội. Phát triển mô hình đào tạo gắn kết giữa nhà trường với doanh nghiệp được xem là yêu cầu quan trọng được đặt ra.
Trên thực tế, chất lượng giáo dục ở bậc đại học những năm gần đây được đánh giá có nhiều chuyển biến, tuy nhiên vẫn còn hạn chế, trong đó rõ nhất là “sản phẩm” đào tạo chưa đáp ứng được yêu cầu. Bởi vậy, việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, kết nối với doanh nghiệp trong quá trình thực hành, thực tập được coi là một trong những giải pháp trọng tâm, cũng là nhu cầu cấp thiết của các cơ sở GDĐH.
Thầy Đinh Gia Tuấn, phụ trách Trung tâm Hỗ trợ sinh viên và quan hệ doanh nghiệp, Trường đại học Xây dựng Miền Trung, cho hay: Hiện nhà trường hợp tác với hơn 30 doanh nghiệp trong và ngoài nước. Việc xác lập mối quan hệ giữa nhà trường với doanh nghiệp chính là đẩy mạnh hình thành các cơ sở đào tạo trong doanh nghiệp để chia sẻ các nguồn lực chung về cơ sở vật chất, tài chính, nhân lực, rút ngắn thời gian chuyển giao từ kiến thức, kỹ năng vào thực tiễn cuộc sống.
Mặt khác, mô hình gắn kết giữa trường với doanh nghiệp là sự kết nối quan hệ cung - cầu lao động, khắc phục nghịch lý sinh viên ra trường không tìm được việc làm, trong khi đó các doanh nghiệp lại không tuyển được lao động.
Sinh viên Trường đại học Xây dựng Miền Trung trải nghiệm thực tế tại công trường xây dựng - Ảnh: THÚY HẰNG |
Kỳ vọng sự thay đổi
Theo nhìn nhận của các trường, phát triển mô hình gắn kết giữa nhà trường và doanh nghiệp trong đào tạo đại học là một tất yếu khách quan và phải hành động thực sự, thực tế, hiệu quả, tránh hình thức theo kiểu phong trào.
Sự gắn kết đó không chỉ là lấy doanh nghiệp làm nơi cho sinh viên đến thực tập để nâng cao kỹ năng thực hành hoặc cơ sở đào tạo là nơi các doanh nghiệp tìm đến để tuyển dụng lao động… Vấn đề đặt ra là sự gắn kết này cần phải được định hình trở thành khuôn mẫu, phương thức chung với nhiều hình thức gắn kết đa dạng.
Mỗi trường đại học cần xây dựng cho mình mô hình thích hợp, cụ thể trong đào tạo nguồn nhân lực dựa trên cơ sở nghiên cứu nhu cầu của doanh nghiệp (bên cầu lao động) và đánh giá năng lực thực tế của trường mình (bên cung lao động) có khả năng đào tạo để đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp.
Trong những năm qua, mô hình gắn kết giữa nhà trường và doanh nghiệp đã được triển khai, song sự gắn kết này còn mang tính hình thức, tự phát và thiếu bài bản dẫn đến lúng túng, mạnh ai nấy làm. Do đó, việc nâng cao chất lượng sinh viên tốt nghiệp vừa là mục tiêu, vừa là giải pháp trọng tâm được đề án Nâng cao chất lượng GDĐH tập trung triển khai trong giai đoạn từ nay tới năm 2025 được xem là kỳ vọng cho sự đột phá trong GDĐH.
Theo Bộ GD-ĐT, thời gian tới bộ này sẽ xây dựng các trung tâm thực hành, thí nghiệm hiện đại dùng chung cho các cơ sở GDĐH; thí điểm xây dựng một số làng đại học quốc tế nhằm thu hút các cơ sở có uy tín của nước ngoài tham gia đào tạo, chia sẻ tài nguyên và hợp tác nghiên cứu khoa học.
Việc chuyển giao kết quả nghiên cứu khoa học của các cơ sở GDĐH cho doanh nghiệp, cộng đồng và xã hội cũng sẽ được quan tâm đẩy mạnh trong giai đoạn này. Nhà trường cần thực hiện tốt phương châm đào tạo những gì xã hội cần chứ không đào tạo những gì nhà trường có.
THÚY HẰNG