Từ trước đến nay, ngành Giáo dục rất chú trọng đến công tác xây dựng thư viện trường học; coi đây là giải pháp quan trọng để học sinh tự học, nghiên cứu, hình thành kiến thức, kỹ năng, thay đổi phương pháp dạy - học, góp phần hình thành và phát triển nhân cách cho học sinh phổ thông đáp ứng yêu cầu của công cuộc đổi mới giáo dục.
Đối với giáo dục tiểu học, xây dựng và phát triển văn hóa đọc chính là hình thành thói quen đọc sách nhằm giúp học sinh hình thành kỹ năng, phương pháp và niềm đam mê đọc sách ngay từ nhỏ. Thời gian qua, dưới sự hỗ trợ của các đơn vị, tổ chức trong và ngoài nước, các chương trình thiện nguyện, chương trình hỗ trợ, chương trình “Tủ sách nhân ái”, chương trình “Sách hóa nông thôn”… đã tặng, tài trợ cho nhiều trường tiểu học thư viện, trang thiết bị, sách, tủ sách và học bổng cho học sinh; tập huấn nâng cao năng lực nghiệp vụ cho cán bộ thư viện; hướng dẫn nhà trường xây dựng không gian thư viện xanh nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho hoạt động đọc của học sinh. Kết quả là nhiều thư viện trường học phát huy được hiệu quả.
Mới đây, tổ chức Room to Read (RtR) thông báo về việc triển khai chương trình thư viện thân thiện trường tiểu học năm 2019 tại Phú Yên. Theo đó, tổ chức này hỗ trợ cho 18 trường tiểu học trên địa bàn các huyện Phú Hòa, Tây Hòa, Đông Hòa và Tuy An xây dựng chương trình thư viện thân thiện. Trong đó, 9 trường theo mô hình toàn phần (mỗi thư viện sẽ được RtR hỗ trợ tài liệu, sách, trang thiết bị, vật phẩm… tương ứng khoảng 100 triệu đồng trong suốt thời gian thực hiện chương trình), 9 trường theo mô hình bán phần (mức hỗ trợ khoảng 60% so với hỗ trợ toàn phần). Ngoài ra, RtR còn hỗ trợ tổ chức các khóa tập huấn cho nhóm giảng viên cấp tỉnh, cung cấp tài liệu kỹ thuật và thực hiện các chuyến giám sát hỗ trợ hàng quý cho các trường tham gia chương trình thư viện thân thiện trường tiểu học.
Theo lãnh đạo Sở GD-ĐT Phú Yên, mô hình thư viện thân thiện do Bộ GD-ĐT phối hợp với tổ chức RtR đã triển khai thí điểm tại nhiều tỉnh thành trong cả nước nhằm hỗ trợ xây dựng thói quen đọc cho học sinh tiểu học. Do đó, Sở GD-ĐT khuyến khích các trường tùy vào điều kiện cụ thể về nguồn lực, không gian khuôn viên của mỗi nhà trường, xây dựng và phát triển các loại hình thư viện thân thiện phù hợp dưới sự sáng tạo của cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh và sự tham gia của phụ huynh học sinh. Đây là hình thức đổi mới thư viện nhằm tạo không gian mở tối đa, giúp học sinh tiếp cận và phát huy thói quen đọc sách.
Để giúp các đơn vị chuẩn bị tốt các điều kiện triển khai dự án, Sở GD-ĐT yêu cầu các đơn vị thực hiện tốt công tác truyền thông; rà soát, xây dựng đội ngũ giáo viên, nhân viên phụ trách thư viện; đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, học liệu, các hoạt động thư viện cần được tổ chức linh hoạt, sáng tạo; khuyến khích các em mượn sách mang về nhà, đọc sách mọi nơi mọi lúc… Kết quả xây dựng thư viện trường học đạt chuẩn, thư viện tiên tiến, thư viện trường học xuất sắc, thư viện thân thiện là một trong những tiêu chí để xem xét đánh giá, xếp loại công tác thi đua của đơn vị, trường học trong năm học.
MẠNH THÚY