Nghiên cứu công bố trên tạp chí Nature Communications chỉ ra cây Ashitaba chứa một tinh chất tự nhiên giúp kích thích quá trình thanh lọc những chất thải tế bào trong cơ thể.
Ở Nhật Bản, những chiếc lá có vị đắng nhẹ của cây Ashitaba từ lâu đã được biết đến là có lợi cho sức khỏe nhưng phải cho tới gần đây, giới khoa học mới chứng minh được lợi ích tuyệt vời của loại thảo dược này.
Nghiên cứu công bố trên tạp chí Nature Communications chỉ ra cây Ashitaba chứa một tinh chất tự nhiên giúp kích thích quá trình thanh lọc những chất thải tế bào trong cơ thể. Đây là những độc tố tích tụ nhiều khi tế bào ngày càng lão hóa và là nguyên nhân gây ra nhiều bệnh tật cũng như các tình trạng rối loạn trong cơ thể.
Theo giáo sư Frank Madeo, chuyên gia Viện Nghiên cứu sinh học phân tử thuộc trường Đại học Graz của Úc, tinh chất này có tên khoa học là 4,4' - dimethoxychalcone hay DMC, có trong cây Ashitaba và là chất xúc tác quan trọng của quá trình thanh lọc và tái tạo trong cơ thể, giúp loại bỏ những chất thừa, chất thải tế bào.
Đây là quy trình quan trọng để duy trì sức khỏe khi cơ thể ngày càng lão hóa. Nếu tế bào không thể hoạt động hiệu quả để loại bỏ những thành phần đã bị hư hỏng thì lâu dần, những thành phần này tích tụ có thể gây nhiều bệnh, trong đó có bệnh ung thư.
Các nhà khoa học đã thử nghiệm tác động của DMC đối với các loại tế bào nấm men. Kết quả cho thấy DMC có thể bảo vệ các tế bào này khỏi tác động của quá trình lão hóa với hiệu quả tương đương hoặc cao hơn một số hợp chất có khả năng bảo vệ tế bào đã được biết đến như chất resveratrol có trong vỏ trái nho.
Sau đó, nhóm nghiên cứu tiếp tục thí nghiệm tác động của DMC đối với các tế bào ở loài sâu bọ hay bướm. Kết quả thu được rất ấn tượng khi DMC có thể giúp những loài này kéo dài tuổi đời thêm 20%.
Những thí nghiệm bổ sung cũng chỉ ra DMC giúp bảo vệ tế bào tim chuột và bảo vệ những con chuột thí nghiệm khỏi nguy cơ suy gan do nhiễm độc ethanol. Các thí nghiệm với tế bào người sau đó cũng chỉ ra rằng DMC có thể giúp làm chậm quá trình lão hóa.
Tuy nhiên, các tác giả cũng thận trọng khuyến cáo dù các thí nghiệm đều cho thấy DMC có thể tác động tới tế bào của con người, nhưng đây mới là những giai đoạn nghiên cứu sơ khai và cần phải tiếp tục nghiên cứu sâu hơn trước khi có thể áp dụng thử nghiệm lâm sàng với người.
Theo TTXVN,Vietnam+