Đoàn công tác của Bộ GD-ĐT vừa kiểm tra các điều kiện để xét công nhận lại Phú Yên đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non (PCGDMN) trẻ 5 tuổi. Nhân dịp này, Báo Phú Yên phỏng vấn PGS-TS Nguyễn Bá Minh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Mầm non về kết quả kiểm tra PCGDMN trẻ 5 tuổi cũng như hướng tháo gỡ những khó khăn hiện nay mà bậc mầm non gặp phải.
* So với đợt kiểm tra cách đây hai năm, ông có nhận xét gì về công tác PCGDMN trẻ 5 tuổi của Phú Yên?
- Qua kiểm tra thực tế tại một số địa phương, đơn vị trường học và làm việc với Ban chỉ đạo PCGDMN cho trẻ 5 tuổi của Phú Yên, chúng tôi đánh giá cao những nỗ lực của tỉnh trong việc giữ vững và nâng cao cả ba tiêu chí về trẻ em, giáo viên và cơ sở vật chất. Mục tiêu của PCGDMN trẻ 5 tuổi là huy động hầu hết các cháu ra lớp 2 buổi/ngày để nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ.
So với năm 2016, tỉ lệ trẻ 5 tuổi ra lớp tăng lên, đạt 99,9%; trong đó, tỉ lệ trẻ 5 tuổi học 2 buổi/ngày đạt 100%. Trong lần kiểm tra trước, tỉnh còn xã miền núi Phú Mỡ do khó khăn về cơ sở vật chất nên chưa đạt chuẩn PCGDMN trẻ 5 tuổi. Tuy nhiên, đến tháng 11/2018, xã này cũng đã khắc phục khó khăn, nâng tỉ lệ xã đạt chuẩn PCGDMN trẻ 5 tuổi toàn tỉnh đạt 100%. Bên cạnh đó, tỉ lệ huy động trẻ nhà trẻ 3-4 tuổi cũng được nâng cao, tăng 0,7% so với năm học trước. Định biên giáo viên trên lớp được cải thiện, từ 1,3 người/lớp lên 1,5 người/lớp.
Mạng lưới trường lớp được sắp xếp lại hợp lý, giảm số điểm trường lẻ để nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực. 10 phòng học tạm, học nhờ trong năm 2016, đến nay đã được thay thế và xây mới. Cơ sở vật chất các trường khang trang, sạch, đẹp; địa phương đã có sự quan tâm, đầu tư tốt, huy động từ nhiều nguồn để chăm lo cho bậc học mầm non.
Trình độ đội ngũ giáo viên cũng được nâng cao hơn, 100% đạt chuẩn, trong đó 87,2% trên chuẩn. Chế độ chính sách cho giáo viên cũng được địa phương giải quyết tốt. Những con số này đã phần nào nói lên được sự nỗ lực cùng quyết tâm của tỉnh trong việc giữ vững và nâng cao chất lượng PCGDMN trẻ 5 tuổi.
PGS-TS Nguyễn Bá Minh |
* Theo ông, đâu là những hạn chế trong PCGDMN trẻ 5 tuổi ở Phú Yên và tỉnh cần làm gì để tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng công tác này?
- Mặc dù tỉ lệ huy động trẻ 3-4 tuổi ra lớp của tỉnh có cải thiện, nhưng vẫn còn thấp, chỉ đạt 67,2%, hụt so với toàn quốc 24,8%. Trong khi đó, xu hướng của thế giới và chủ trương của Nhà nước là huy động hầu hết trẻ từ 3-5 tuổi ra lớp để chăm sóc, giáo dục trẻ tốt hơn. Cho nên, tỉnh cần tập trung các biện pháp để nâng cao tỉ lệ này.
Qua kiểm tra, đoàn công tác nhận thấy giáo viên còn gặp một số áp lực vì chế độ, chính sách còn thấp, công tác quản lý sổ sách nhiều. Cho nên, tỉnh cần tinh giảm công tác hồ sơ, sổ sách cho giáo viên. Cấp nào cũng phải có trách nhiệm tham mưu, đề xuất các chính sách nâng cao đời sống, giải tỏa áp lực cho giáo viên mầm non. Sở Nội vụ cần rà soát, hướng dẫn các địa phương hợp đồng lao động giáo viên mầm non đúng pháp luật. Với những giáo viên là con em đồng bào dân tộc thiểu số, địa phương nên đặc cách, ưu tiên trong tuyển dụng.
Thêm vào đó, hiện nay, diện tích của nhiều trường còn hẹp, có đến 147 điểm trường chưa có sân chơi ngoài trời. Vì vậy, trong công tác quy hoạch, tỉnh cần ưu tiên quỹ đất, hoặc có kế hoạch sửa chữa, mở rộng hợp lý. Bên cạnh tự bồi dưỡng nâng cao trình độ, chuyên môn, các giáo viên cần khai thác và sử dụng tốt cơ sở vật chất, đồ dùng, đồ chơi, tạo dựng môi trường giáo dục lành mạnh cho trẻ phát triển. Tin rằng với sự quan tâm chỉ đạo sát sao của lãnh đạo địa phương, sự phối hợp của các sở, ngành cùng nỗ lực và quyết tâm của ngành Giáo dục, Phú Yên sẽ tiếp tục nâng cao các điều kiện huy động, chăm sóc và giáo dục trẻ mẫu giáo.
* Hiện nay, giáo viên ở bậc học mầm non thiếu rất nhiều, nhưng vẫn phải tinh giản biên chế theo quy định. Cách nào để giải quyết vấn đề này, thưa ông?
- Cường độ làm việc của giáo viên mầm non không dưới 10 tiếng/ngày, các cô giáo phải bám trẻ suốt thời gian trên lớp… Thông tư liên tịch 06/2015 giữa Bộ GD-ĐT và Bộ Nội vụ quy định về định mức 2,2 giáo viên đứng lớp mẫu giáo học 2 buổi/ngày là nhằm đảm bảo điều kiện về giáo dục và chăm sóc trẻ. Tuy nhiên, Bộ GD-ĐT chỉ có trách nhiệm đưa ra quy chuẩn, còn cấp chỉ tiêu biên chế lại thuộc về ban, ngành khác nên không thể chủ động. Thiếu giáo viên mầm non hiện là khó khăn chung của nhiều địa phương.
Chủ trương của Chính phủ trong việc tinh giản biên chế ngành Giáo dục là tinh giản bộ phận hành chính, không tinh giản giáo viên. Song, nghịch lý là khối giáo viên không tăng mà rơi vào trường hợp giảm biên chế. Chúng ta vẫn có thể thực hiện đồng bộ Nghị quyết 19 của Trung ương nếu sắp xếp lại mạng lưới trường lớp tập trung, sử dụng nguồn lực giáo viên hiệu quả hơn.
Bên cạnh đó, chuyển một số trường công lập ở những nơi có điều kiện thành trường tư thục. Trường công quản lý tư, nghĩa là các trường này vẫn là tài sản của Nhà nước nhưng giao cho tư nhân quản lý, có thời gian cụ thể. Những người thuộc biên chế của trường này do tư nhân tự hoạch toán, trả tiền, nhưng chỉ thực hiện được việc này ở những nơi có điều kiện.
Năm 2019, Bộ GD-ĐT được giao trách nhiệm xây dựng tiêu chí và cơ chế để chuyển một số trường mầm non và phổ thông công lập ra ngoài công lập. Như thế, số biên chế trong các trường này sẽ dành cho vùng khó khăn.
Ngoài ra, một hướng nữa là xã hội hóa ngay trong trường công lập. Một số trường công lập có chất lượng ở những nơi có điều kiện, hiệu trưởng có quyền tự chủ về sử dụng nhân sự, tự chủ về thu chi. Ví dụ ở cơ sở mầm non đó, ban đầu có 100% biên chế, sau đó là 50% giáo viên chi trả lương từ nguồn thu người học.
Để giải quyết vấn đề thiếu giáo viên, Bộ Nội Vụ đã có báo cáo với Chính phủ, soạn và xây dựng với Bộ Chính trị, bổ sung 30.000 biên chế cho toàn quốc. Nhưng đó là câu chuyện lâu dài. Dù tinh giản biên chế thế nào cũng cần phải đảm bảo định biên 2,2 giáo viên/lớp mẫu giáo học 2 buổi/ngày theo Thông tư 06.
* Xin cảm ơn ông!
HÀ MY (thực hiện)