Thứ Ba, 22/10/2024 18:43 CH
Lòng biết ơn thầy cô
Thứ Ba, 20/11/2018 06:18 SA

Tôi vẫn thường tự hỏi mình biết ơn thầy cô vì điều gì, và không bao giờ trả lời được hết. Với tôi, thầy cô không chỉ là chữ nghĩa, kiến thức, mà như một phần quan trọng hình thành nên tôi bây giờ.

 

Dạy học sinh bằng cả trái tim yêu thương - một nét đẹp của các nhà giáo - Ảnh: THÚY HẰNG

 

Năm, sáu tuổi, má tôi, một người đàn bà nhà quê suốt ngày còng lưng trên ruộng, chợt nhớ ra mình có đứa con sắp đến tuổi đi học. Làng quê thời chiến tranh chỉ có hai người dạy chữ cho trẻ trước lớp một là một ông già râu tóc từ nơi khác tản cư đến và một người lính bị thương, cả hai chân cụt đến tận đùi. Tôi hơi ngán hai cái chân cụt của ông thầy trẻ nên quyết định chọn ông thầy già.

 

Một buổi sáng mùa hè, má dẫn tôi băng qua một bãi cát trắng lóa, đầy gai bàn chải, đến nhà ông thầy già để học vỡ lòng. Gọi là lớp học cho sang chứ thực chất chỉ là một cái chái thêm ra từ ngôi nhà tranh sơ sài. Bàn ghế là mấy thân cây sù sì, gập ghềnh kê tạm. Nền nhà, sân đều không có lát gạch hay láng xi măng, mà chỉ toàn cát là cát.

 

Lũ nhỏ chúng tôi ôm những quyển vở tờ nào cũng quăn góc lên cho thầy viết chữ lên đó rồi ra rả đọc theo, viết theo. Có khi đang viết, hai ba đứa bỏ vở, chui xuống gậm bàn chơi trò cất nhà, buôn bán, lượm sạn chơi ô ăn quan. Thầy có một cái roi dài để trên bàn nhưng chỉ đập “hù dọa” là chính. Chúng tôi tha hồ chạy nhảy, rượt đuổi trên bãi cát nắng chói chang chỉ có mấy cái nhà tôn che tạm của những người tản cư hoặc bị dồn dân về “ấp chiến lược”.

 

Tôi không nhớ mình đã học được gì, chỉ nhớ hình ảnh người thầy mặc áo bà ba đen, tóc râu đen dài, thường ngồi trầm ngâm, mặt buồn buồn, mắt nhìn xa xa đâu đó. Đến nay, thỉnh thoảng tôi vẫn thắc mắc: Ông từ đâu đến, vì sao ông dạy học? Thỉnh thoảng vẫn thấy nhớ thầy, dù chắc rằng ông giờ đã đi vào cõi xa rồi.

 

Tôi học được vài chữ lem nhem trong một tháng hè, nên khi vào lớp một, tôi hầu như chưa biết gì, dù thời đó học sinh vô lớp một là đã phải biết đọc, biết viết. Ngày học đầu tiên của lớp một, cô giáo hỏi: “Cả lớp, ai đã biết đọc, biết viết thì giơ tay”.

 

Thấy các bạn đều giơ tay, tôi cũng giơ tay. Ngay sau đó, cô viết chữ lên bảng đen, tôi không viết được, cũng không đọc được, vậy là bị cô bắt xòe hai tay trên bàn và đánh cho mấy thước đau điếng. Những ngày lớp một của tôi là những ngày đòn roi và bị chép phạt liên tục. Ngày nào cô giáo cũng cầm tay tập cho tôi viết vì tôi viết chậm. Tối nào má cũng phải sang nhà đứa bạn cùng lớp của tôi năn nỉ nó cho mượn vở, rồi chong đèn dạy tôi đọc, viết.

 

Cuối năm tôi được lên lớp hai, vượt qua được ba đứa bị ở lại lớp. Cô giáo lớp một của tôi nghiêm khắc nhưng cô rèn học sinh rất kỹ. Trong lớp, cô đến từng bàn cầm tay đứa này, sửa cách ngồi cho đứa khác, phạt đòn đứa nọ, sửa giọng nói đứa kia. Cô thường kiểm tra vệ sinh, tay đứa nào dơ bẩn và cổ có đất, đều bị cô đánh rất đau. Đứa con trai của cô học trong lớp cũng bị “ăn đòn”, có khi còn nhiều hơn các trò khác. Tôi học được từ cô sự nghiêm túc, tận tâm và công bằng.

 

Cô giáo lớp hai của tôi lớn tuổi và là người đầu tiên dạy chúng tôi hát. Bài hát cô dạy cả lớp là bài “Nỗi buồn hoa phượng”. Bây giờ, tôi vẫn nhớ cảnh mấy đứa học trò chúng tôi, lúc đó mới 7, 8 tuổi, theo tay thước gõ nhịp của cô, gân cổ lên hát: “Mỗi năm đến hè lòng man mác buồn, chín mươi ngày qua chứa chan tình thương…”. Bây giờ, mỗi lần hát hay nghe bài “Nỗi buồn hoa phượng”, tôi chỉ thấy vui, chẳng thấy “buồn man mác chút” nào!

 

Lên lớp bốn, tôi tự nhiên học giỏi lên bất ngờ. Lần đầu tiên, tôi được xếp hạng nhất và được lãnh Bản danh dự (Bằng khen hàng tháng dành cho 5 học sinh được xếp vị thứ cao nhất trong lớp). Tôi chạy như bay ra ngoài ruộng lúa khoe với má.

 

Cô giáo lớp bốn của tôi tên là Phục. Cô đi dạy bằng xe Honda, đeo kiếng màu, đeo găng tay và mặc áo dài. Mỗi ngày cô mặc một cái áo dài mà cả tuần, có khi cả hai tuần vẫn không trùng áo. Bọn chúng tôi đứa nào cũng công nhận cô Phục “sang chảnh” nhất, đẹp nhất. Tôi được cô giáo chọn vào nhóm 5 đứa luyện thi “Đố vui để học”.

 

Cuộc thi này được tổ chức hàng năm tại trường, nhưng chủ yếu dành cho khối lớp năm. Không hiểu sao năm đó, lớp bốn cũng được tham gia nên cô cho cả nhóm tập trung ở nhà cô để tập dượt. Cả lũ con nít khoảng 9, 10 tuổi mỗi chiều thứ bảy rủ nhau đi bộ 4, 5 cây số, mồ hôi mồ kê nhễ nhại, đến nhà cô ở trung tâm thành phố để cô tập luyện.

 

Nhà cô chật, cả lũ 5 đứa được ngủ chung giường với cô. Đến giờ tôi vẫn rất cảm động và luôn tự hỏi vì sao cô giáo tôi sạch đẹp, thơm tho là vậy, vẫn cho chúng tôi, mấy đứa nhỏ nhà quê đầu khét nắng và áo quần nặng mùi mồ hôi được quây quần nằm ngủ chung với cô? Tôi học từ cô về nguyên tắc không được phân biệt giàu nghèo, sang hèn, nhất là trong môi trường học đường.

 

Lên lớp năm, cô Quỳnh Phương dạy lớp tôi cũng là cô giáo trẻ vừa tốt nghiệp Trường đại học Sư phạm Quy Nhơn về. Cô người gốc Huế nên rất dịu dàng, đoan trang. Cô Phương cũng phải mang học trò về nhà để rèn thêm trước khi thi đấu “Đố vui để học”. Nhà cô có đông người, ngoài cha mẹ cô đã già, còn có nhiều anh chị và cháu nhỏ. Nhà trước xây gạch, nhà sau lợp tôn.

 

Vậy mà chúng tôi, 5 đứa học trò nhà quê luôn được cô cho ăn cơm, ăn chè, ăn bánh thường xuyên, vì nhà cô, ai cũng nấu ăn rất khéo, thường làm món này món kia đẹp và ngon kỳ diệu. Chúng tôi còn rủ nhau leo lên mái tôn sau nhà cô để hái ổi ăn, cười nói ầm ĩ.

 

Năm đó, lớp năm của tôi được giải nhất kỳ thi “Đố vui để học”, lũ chúng tôi 5 đứa đã cùng đi bộ xuống nhà cô đòi được thưởng bánh kẹo như cô đã hứa. Tôi không hiểu bây giờ học sinh tiểu học có hồn nhiên, khờ khạo như chúng tôi ngày trước không, nhưng tôi luôn biết ơn các thầy cô tôi vì đã rất nghiêm khắc nhưng luôn bao dung, bỏ qua những vụng dại như chúng tôi ngày ấy.

 

Má tôi không biết có tin ông thầy bói nào không, nhưng luôn đặt mục tiêu cụ thể là tôi phải học hết lớp 12. Với bà, lớp 12 là một mức chuẩn cao nhất mà tôi có thể có. Vậy mà, tôi, một con bé nhà quê cù lần và rụt rè đã học qua hết cấp này đến cấp khác. Mọi thứ cũng không phải dễ dàng, suôn sẻ và tôi cũng chẳng phải thông minh, giỏi giang gì. Điều quan trọng nhất và góp phần định hình nên tôi của ngày nay là sự quan tâm yêu thương và sự nghiêm khắc của các thầy cô.

 

Như muôn lớp sóng đổ vào bờ, con sóng sau gối đầu lên con sóng trước, lòng biết ơn thầy cô của tôi dù nhiều khi chưa kịp bày tỏ, đền đáp; thì tôi vẫn mong đem những gì đã có bồi đắp cho các học trò của mình.

 

NGUYỄN THỊ THU TRANG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek