Thứ Ba, 22/10/2024 16:36 CH
Dạy học trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0
Thứ Ba, 20/11/2018 07:00 SA

Học sinh lớp 10 Anh 2 Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh tặng hoa chúc mừng cô giáo nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 - Ảnh: THÚY HẰNG

Trước những thay đổi lớn lao của giáo dục dưới tác động của cách mạng công nghiệp 4.0, sự nỗ lực, cống hiến âm thầm của các thầy, cô giáo chính là nhân tố quan trọng thúc đẩy đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục, góp phần đưa giáo dục Việt Nam tiếp cận gần hơn với những nền giáo dục tiên tiến trên thế giới.

 

ÔNG PHAN ĐÌNH PHÙNG, PHÓ CHỦ TỊCH UBND TỈNH: Nhà giáo phải biết phát huy nội lực

 

Nhịp độ phát triển của đất nước không chỉ lệ thuộc vào tốc độ phát triển kinh tế, của khoa học kỹ thuật mà còn phụ thuộc vào nhịp độ phát triển của giáo dục, đào tạo. Thầy, cô giáo không tâm huyết với nghề không thể sáng tạo ra những phương pháp giáo dục hiệu quả, phù hợp với từng loại học sinh, nhất là những học sinh gặp khó khăn về hoàn cảnh sống, về điều kiện học tập. Do đó, để làm tròn sứ mệnh vẻ vang của mình, mỗi nhà giáo phải biết tự phát huy nội lực để có thể đóng góp cho sự nghiệp trồng người.

 

Trước hết, thầy, cô giáo phải chuẩn bị cho mình có đủ nội lực để phát huy mọi tiềm năng của bản thân cho mục tiêu phát triển phẩm chất, năng lực của mỗi học sinh. Thầy, cô chỉ nói hay, truyền đạt kiến thức giỏi là chưa đủ mà phải có đủ kiến thức về tâm lý học để có khả năng thấu hiểu từng học sinh, khích lệ và dẫn dắt học sinh tự chiếm lĩnh kiến thức thông qua các hoạt động trải nghiệm trên lớp, ngoài nhà trường… Dạy học kiểu áp đặt, khuôn mẫu cứng nhắc chắc chắn sẽ không thành công.

 

Đứng trước xu thế của sự phát triển, đối với quá trình dạy học, cần chuyển từ truyền thụ kiến thức sang hình thành phẩm chất và phát triển năng lực người học hay là tổ chức một nền giáo dục mở, thực học, thực nghiệp; chuyển phát triển giáo dục đào tạo từ chủ yếu theo số lượng sang chú trọng cả số lượng, chất lượng và hiệu quả… Giáo dục là một con đường dẫn mọi người đến thành công, tạo ra sự cân bằng trong xã hội. Để làm được điều này, nó đòi hỏi các nhà giáo phải thật sự tâm huyết, năng động và sáng tạo và biết phát huy nội lực của mình mới chủ động đáp ứng được những nhu cầu thay đổi của xã hội, đất nước.

 

PGS-TS NGUYỄN HUY VỊ, GIẢNG VIÊN CAO CẤP TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN (ĐẠI HỌC QUỐC GIA TP HỒ CHÍ MINH): Thay đổi mạnh từ vai trò người dạy học

 

Bản chất của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là dựa trên nền tảng công nghệ số và tích hợp tất cả các công nghệ thông minh. Những yếu tố cốt lõi của kỹ thuật số trong cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ là: Trí tuệ nhân tạo (AI), Vạn vật kết nối - Internet of Things (IoT) và Dữ liệu lớn (Big Data).

 

Dĩ nhiên, cách mạng công nghiệp 4.0 đang và sẽ tác động mạnh đến nền giáo dục thế giới nói chung, trong đó có Việt Nam, một cách toàn diện về mục tiêu, nội dung, phương pháp và đặc biệt là công nghệ trong dạy học. Nói riêng về vai trò của nhà giáo, nhất định nó cũng bắt đầu và sẽ thay đổi mạnh từ vai trò người dạy học, chuyên truyền thụ kiến thức là chính, sang vai trò người “huấn luyện viên” hoặc “cố vấn học tập” - người giữ vai trò thiên về hướng dẫn cách thức, phương pháp cho người học tự học.

 

Có thể nói vắn tắt tổng quát là, trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ hiện diện nền giáo dục 4.0, mà ở đó người giáo viên không còn vị trí độc tôn với phương pháp sư phạm ít nhiều mang tính quyền uy trên/trong lớp học nữa; bởi vì tri thức khoa học sẽ được phổ quát hóa trên IoT với Big Data và khái niệm lớp học sẽ bị “ảo hóa” kéo theo vai trò người thầy cũng bị “ảo hóa” tất yếu!

 

Đây là một thách thức mà ngành sư phạm sẽ chịu tác động lớn nhất trong sự thích ứng. Thay đổi triết lý và phương pháp đào tạo giáo viên của nền giáo dục 4.0 đã bắt đầu lộ diện và sẽ nhanh chóng định hình trên toàn thế giới! Mô hình Giáo dục 4.0 (Education 4.0 Model) phải được bắt đầu trở thành một vấn đề hằng thường trong nhận thức của các nhà giáo ngay từ hôm nay.

 

ThS TRẦN NGỌC HIỆP, TRƯỞNG PHÒNG GIÁO DỤC TIỂU HỌC, SỞ GD-ĐT PHÚ YÊN: Chủ động “bắt kịp” với quá trình đổi mới

 

Giáo dục trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 cần phải được ưu tiên phát triển đi trước một bước. Muốn vậy, giáo dục phải được ưu tiên đầu tư đồng bộ cả ba mặt: tài chính; cơ chế chính sách quản lý; đào tạo bồi dưỡng, đãi ngộ nhà giáo.

 

Để cán bộ quản lý và giáo viên không những yên tâm công tác với nghề cao quý mà mình đã chọn mà còn có thêm điều kiện tiếp tục học tập để nâng cao trình độ, đáp ứng yêu cầu đổi mới GD-ĐT, rất cần sự quan tâm, giúp đỡ và tạo điều kiện thuận lợi của các cấp, ngành.

 

Bên cạnh đó, việc dạy học trong thời đại 4.0 đòi hỏi giáo viên phải cung cấp nhiều kỹ năng phù hợp cho học sinh hơn như: vận dụng kiến thức vào thực tiễn, phát triển năng lực giải quyết vấn đề thực tiễn dựa trên kiến thức khoa học, có phong cách học tập sáng tạo, chủ động…

 

Cho nên, để bắt kịp với thời đại, đóng góp tốt nhất cho sự nghiệp trồng người, mỗi nhà giáo cần phát huy nội lực của bản thân, không ngừng tự bồi dưỡng, nâng cao trình độ, nghiệp vụ, bản lĩnh chính trị và trau dồi đạo đức, phẩm chất.

 

Với ngành Giáo dục Phú Yên, để “bắt kịp” với thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, ngành đã chủ động đón đầu, tích cực triển khai, thực hiện hiệu quả các chương trình hành động của Đảng, Nhà nước và ngành về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT. Đội ngũ nhà giáo toàn ngành đang tiếp tục học tập để nâng cao trình độ, nghiệp vụ chuyên môn và bản lĩnh để có đủ năng lực đáp ứng chương trình giáo dục phổ thông mới.

 

ThS ĐỖ THỊ CẨM VINH, GIÁO VIÊN TRƯỜNG CAO ĐẲNG NGHỀ PHÚ YÊN: Người thầy cũng phải trải nghiệm thực tế để đào tạo tốt hơn

 

Thị trường lao động sẽ có những thay đổi lớn khi mà các công việc giản đơn sẽ dần bị thay thế bởi robot và yêu cầu làm chủ công nghệ, máy móc thiết bị hiện đại ngày càng cao. Thực tế này đòi hỏi nhà giáo giáo dục nghề nghiệp phải có sự thay đổi trong công tác giảng dạy để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng tốt yêu cầu của thị trường.

 

Sau gần 8 năm gắn bó với môi trường giáo dục, đặc biệt là thông qua việc tham gia Hội giảng Nhà giáo giáo dục nghề nghiệp năm 2018 vừa được Bộ LĐ-TB-XH tổ chức hồi tháng 9 vừa qua, tôi học hỏi được nhiều điều về đổi mới phương pháp giảng dạy, nâng cao chất lượng đào tạo nghề mà hội giảng đề cập.

 

Theo đó, năng lực của giáo viên được xem xét dưới nhiều khía cạnh như: Bài giảng có phù hợp với học sinh; khối lượng kiến thức đưa ra trong một tiết giảng có bảo đảm độ chính xác, khoa học gắn với thực tiễn; việc sử dụng đồ dùng, thiết bị giảng dạy; việc xử lý các tình huống sư phạm...

 

Quả thật, trước yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, vai trò của người thầy càng trở nên quan trọng để phát triển năng lực của người học, ứng dụng khoa học công nghệ vào đào tạo, dẫn dắt định hướng nghề nghiệp và kết nối người học và doanh nghiệp. Là một giáo viên dạy nghề May thời trang, tôi không chỉ trang bị các kỹ năng cho người học mà còn phải đóng vai trò kết nối người học với thị trường lao động.

 

Từ nhà trường đến nhà máy, xí nghiệp vẫn là một khoảng cách lớn mà cả giáo viên lẫn học sinh còn nhiều điều cần biết. Có va chạm với thực tế, giảng viên mới tiếp cận được nhiều cái mới, công nghệ mới. Với tôi, việc tiếp cận doanh nghiệp là để học cái mới, học cách người ta làm việc để về truyền đạt cho học sinh, sinh viên, để khi ra trường, học trò của mình sẽ không bỡ ngỡ.

 

CÔ NGUYỄN THỊ MINH NGUYỆT, GIÁO VIÊN TRƯỜNG PHỔ THÔNG DÂN TỘC NỘI TRÚ HUYỆN ĐỒNG XUÂN: Cần có sự chia sẻ, phối hợp của gia đình và xã hội

 

Trong thời đại công nghiệp 4.0, học sinh có thể học mọi lúc, mọi nơi với nhiều hình thức học tập khác nhau: học trên lớp, học cùng bạn bè thông qua nền tảng internet và thiết bị công nghệ. Không chỉ cần có nền tảng lý thuyết vững, các em còn cần phải tham gia nhiều hoạt động trải nghiệm, vận dụng vào thực tế cuộc sống.

 

Vì vậy, ngoài truyền đạt lý thuyết môn Hóa học cho học sinh, tôi còn thường xuyên tổ chức cho các em thực hành thí nghiệm; thay đổi tư duy, có những quan điểm giáo dục tiên tiến để kịp thời khích lệ, dẫn dắt các em tự chiếm lĩnh kiến thức thông qua các hoạt động trải nghiệm trên lớp, ngoài nhà trường… Thêm vào đó, vì các em là người đồng bào dân tộc thiểu số nên kỹ năng sống còn hạn chế.

 

Trong khi đó, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với công nghệ thông tin phát triển, thông tin đa chiều nên học sinh rất cần sự định hướng và trang bị những kỹ năng cần thiết để thích ứng. Cho nên, ngoài trau dồi, nâng cao kiến thức về công nghệ, chuyên môn, chủ động tìm tòi, đổi mới phương pháp giảng dạy, tôi còn nghiên cứu, trang bị thêm kiến thức về tâm lý học, giáo dục học để có khả năng thấu hiểu học sinh, là chỗ dựa, tư vấn kịp thời cho các em.

 

Dạy học trong thời đại công nghiệp 4.0 với nhiều thách thức, tôi mong rằng vai trò của người giáo viên sẽ tiếp tục được xã hội đề cao, coi trọng và Nhà nước có chế độ đãi ngộ thích đáng hơn. Cùng với đó, gia đình và xã hội cũng nên thấu hiểu, sẻ chia và cùng phối hợp tốt với chúng tôi trong việc giáo dục con em mình để mang lại hiệu quả cao nhất.

 

THÚY HẰNG - HÀ MY (thực hiện)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek