Thứ Ba, 22/10/2024 18:47 CH
Giáo dục nghề nghiệp: Nỗ lực kéo giảm học sinh, sinh viên học nghề bỏ học
Chủ Nhật, 18/11/2018 07:00 SA

Sinh viên học nghề cơ khí tại Trường cao đẳng Nghề Phú Yên - Ảnh: THÚY HẰNG

Những năm gần đây, số học sinh, sinh viên (HSSV) học nghề tại các trường thuộc hệ thống giáo dục nghề nghiệp bỏ học giữa chừng chiếm tỉ lệ khá cao. Theo các trường, nguyên nhân thì nhiều, nhưng cơ bản là do các em chọn trường, chọn nghề ban đầu chưa xuất phát từ sự yêu thích của bản thân, chưa phù hợp với năng lực…

 

Bỏ học khoảng 30-40%

 

Trường cao đẳng Nghề Phú Yên là địa chỉ được nhiều HSSV theo học trung cấp, cao đẳng nghề, nhưng theo trường này, mỗi khóa học (2-3 năm) tỉ lệ HSSV bỏ học giữa chừng chiếm 30-40%. Ông Nguyễn Hồng Phong, Trưởng Phòng Đào tạo của trường cho hay: Học sinh bỏ học chủ yếu rơi vào bậc trung cấp.

 

Nguyên nhân khiến các em bỏ học giữa chừng nhiều so với đầu vào thì nhiều nhưng cơ bản là do các em chọn trường, chọn nghề ban đầu chưa xuất phát từ sự yêu thích của bản thân, chưa phù hợp với năng lực; một số HSSV ngán học văn hóa, trong khi bậc trung cấp ở một số ngành nghề đòi hỏi học sinh phải hoàn thành một số môn để đáp ứng yêu cầu chuyên môn.

 

Tại Trường cao đẳng Công Thương Miền Trung, tỉ lệ học sinh tốt nghiệp THCS học nghề “rơi rụng” cũng rất cao, chiếm từ 20-30%. Chỉ sau học kỳ 1 của năm đầu tiên, nhà trường đã phải xóa tên hàng trăm học sinh, trong khi trường tuyển sinh chưa đạt chỉ tiêu.

 

Về lý do HSSV bỏ học, trường này nhìn nhận, số ít các em đã chọn sai nghề, không phù hợp với năng lực bản thân, từ đó dẫn đến chán nản mà bỏ học hoặc chuyển sang trường khác. Cũng không ít trường hợp do điều kiện kinh tế gia đình không cho phép các em tiếp tục học mà phải đi làm công nhân, lao động phổ thông…

 

Theo các trường, tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp hiện nay đã có nhiều chuyển biến tích cực, người học chủ động tìm đến đăng ký, song vẫn còn nhiều khó khăn. Việc HSSV trường nghề bỏ học không chỉ lãng phí thời gian, kinh tế mà sâu xa hơn là ảnh hưởng đến cơ cấu nhân lực, trình độ đào tạo.

 

Nâng cao vai trò định hướng nghề nghiệp

 

Để kéo giảm tỉ lệ HSSV học nghề bỏ học, vai trò của việc định hướng nghề nghiệp ngay từ bậc THCS và THPT là cực kỳ quan trọng. Theo đó, bên cạnh sự nỗ lực đưa ngành nghề đến với học sinh thông qua các chương trình tư vấn, hướng nghiệp, thời gian gần đây, các trường còn tổ chức cho học sinh tham quan thực tế công tác dạy và học tại cơ sở đào tạo để các em có quyết định lựa chọn ngành nghề đúng đắn trong tương lai.

 

TS Đặng Văn Lái, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Nghề Phú Yên chia sẻ: Mùa tuyển sinh nào, nhà trường cũng phân công cán bộ tuyển sinh về các trường THCS, THPT tư vấn tuyển sinh ngành nghề cụ thể cho học sinh. Nhà trường cũng tổ chức cho học sinh tham quan ở xưởng thực hành của trường với sự hỗ trợ của giáo viên.

 

Hoạt động này bắt đầu ngay khi các em còn ngồi trên ghế nhà trường phổ thông chứ đợi đến lúc vào trường nghề rồi thì đã muộn. Nhờ vậy, hai năm trở lại đây tỉ lệ học sinh bỏ học được kéo giảm phần nào.

 

Theo sát để nắm bắt nhu cầu, tâm tư, nguyện vọng của HSSV trong trường là giải pháp đang được Trường cao đẳng Công Thương Miền Trung áp dụng để hạn chế HSSV bỏ học.

 

Theo TS Trần Kim Quyên, Hiệu trưởng trường này thì nhà trường đầu tư trang thiết bị, máy móc phục vụ đào tạo, cam kết giới thiệu việc làm cho người học sau khi tốt nghiệp thôi là chưa đủ mà phải kết nối chặt chẽ với gia đình để hỗ trợ HSSV khi gặp khó khăn.

 

Ngoài ra, việc thành lập các sân chơi, cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp, vườn ươm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, câu lạc bộ khoa học - kỹ thuật, thi tay nghề… cũng là cách để giữ chân người học. “Ngay sau khi HSSV nhập học, các khoa và giáo viên thường làm một cuộc khảo sát nhỏ để kiểm tra việc chọn ngành, chọn nghề của các em.

 

Sau đó, trong thời gian học, nếu các em không bộc lộ được năng khiếu về nghề đang học thì nhà trường tạo mọi điều kiện để các em chuyển sang nghề khác phù hợp hơn”, TS Trần Kim Quyên nhấn mạnh.

 

Hiện nay, sự phát triển của CNTT và xu hướng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã mở ra cơ hội ngành nghề rất lớn với nhiều ngành học, bậc học. Tuy nhiên, trong vô số sự lựa chọn cho tương lai, sự lựa chọn nào thật sự phù hợp với khả năng và tố chất cần thiết thì bản thân các em mới trả lời được.

 

Sinh viên Lê Văn Bảo, đang theo học nghề điện tại Trường cao đẳng Công Thương Miền Trung cho hay: “Lúc đầu, em chọn học nghề cơ khí vì nghĩ ngành này dễ xin việc và thu nhập cao. Tuy nhiên, trong quá trình học ở học kỳ đầu tiên, em thấy sức khỏe của mình khó có thể theo đuổi nghề này nên chuyển sang nghề điện. Không riêng gì em, một số bạn sau khi nhập học mới vỡ lẽ nghề mà mình chọn ban đầu không phù hợp nên thông qua sự tư vấn của giáo viên, chúng em chuyển sang ngành học phù hợp hơn”.

 

Hầu hết HSSV học nghề thừa nhận, sở dĩ có sự thay đổi này là vì ngay từ đầu các em “chọn đại” nghề để học theo kiểu “nghe nói, nghe kể” mà không hề có sự tìm hiểu, trải nghiệm thực tế. Cách lựa chọn ngành nghề này cực kỳ nguy hiểm, dễ làm các em thất vọng về nghề sau này.

 

“Mỗi người có những tố chất riêng phù hợp với các ngành nghề khác nhau, không ai giống ai. Muốn biết một ngành nghề nào đó có phù hợp với mình hay không, các em phải có sự trải nghiệm của riêng mình. Làm được như vậy, khi ra trường các em chắc chắn không lo bị thất nghiệp, bởi dù gặp bất cứ trở ngại gì các em cũng sẵn sàng vượt qua, và thành công; ngược lại, các em sẽ tự đào thải chính mình”, thầy Võ Quốc Dũng, một giáo viên có hơn 20 năm dạy nghề điện của Trường cao đẳng Công Thương Miền Trung nhắn nhủ.

 

PHÓ CHỦ TỊCH UBND TỈNH PHAN ĐÌNH PHÙNG: Nhận thức đầy đủ hơn về vai trò, vị trí của nghề trong xã hội

 

Qua theo dõi hoạt động của các trường thuộc hệ thống giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh, tôi rất mừng khi các trường ngày càng mở rộng quy mô, loại hình và ngành nghề đào tạo phù hợp với nhu cầu thực tiễn, cung ứng lao động trong nước và tham gia xuất khẩu lao động…, góp phần nâng cao tỉ lệ lao động qua đào tạo nghề và từng bước đáp ứng nhu cầu sử dụng lao động của tỉnh. Tuy nhiên, hạn chế lớn hiện nay của công tác đào tạo nghề là tình trạng HSSV bỏ học. Để khắc phục tình trạng này, các trường phải tiếp tục tuyên truyền quảng bá, định hướng về nghề nghiệp để HSSV có nhận thức đầy đủ hơn về vai trò, vị trí của nghề trong xã hội.

 

Để gắn bó với nghề và để lập thân lập nghiệp trong tương lai, trước hết HSSV cần hiểu rõ bản thân mình mong muốn làm công việc gì. Khi đã hiểu rõ chính mình, học sinh mới bắt đầu đối chiếu nghề đó được đào tạo trong ngành nào; điều kiện của bản thân có thể học ở cấp học nào. Khi đã chọn được nghề mà mình muốn học, các em cần phải chuyên cần, nỗ lực trau dồi kiến thức chuyên môn, đồng thời rèn luyện cho mình những tố chất, kỹ năng mềm phù hợp với nghề. Học tập và rèn nghề với thái độ nghiêm túc, các em sẽ yêu nghề đã chọn.

 

TRƯỞNG PHÒNG DẠY NGHỀ (SỞ LĐ-TB-XH PHÚ YÊN) LÊ VĂN PHỔ: Hướng nghiệp cho học sinh đóng vai trò tiên quyết

 

Mỗi ngành đào tạo thường bao gồm rất nhiều nghề, mỗi nghề lại yêu cầu những tiêu chí, tố chất khác nhau. Sở dĩ HSSV học nghề bỏ học nhiều là do trước khi chọn lựa ngành học, nhiều học sinh chưa xác định được học xong sẽ làm nghề gì, hay mong muốn công việc gì trong tương lai; ngược lại, các em chỉ xác định ngành thay vì xác định nghề. Vì thiếu những kỹ năng, tố chất cần thiết cho việc học nghề nên một số em chán nản, bỏ học giữa chừng hoặc phải mất thời gian rèn luyện lại từ đầu.

 

Thông thường các em đợi đến khi bước vào lớp 12 mới lựa chọn ngành nghề. Trong khi vào thời điểm tốt nghiệp THCS hoặc vào đầu lớp 10, các em có thể xác định cho mình một hướng đi phù hợp. Khi lựa chọn được hướng đi sớm, các em sẽ chuẩn bị kỹ hành trang cần thiết cho mình, biết mình cần phải học như thế nào, trang bị thêm những gì… để theo đuổi mục tiêu. Dù các trường nghề có nhiều biện pháp thu hút học sinh nhưng chính việc phân luồng, định hướng chưa rõ ràng này làm cho việc thu hút người học vào học nghề đã khó, giữ chân được các em càng khó hơn. Do đó, việc tư vấn hướng nghiệp cho học sinh ở các trường đóng vai trò tiên quyết trong việc định hướng tương lai cho các em.

 

PHỤ TRÁCH NHÂN SỰ TUYỂN DỤNG ĐÀO TẠO CÔNG TY CP AN HƯNG NGUYỄN KIM NGUYÊN: Kết nối người học với doanh nghiệp

 

Ngay từ khi nhập học, HSSV được nhà trường cho tiếp cận với danh sách các doanh nghiệp có mối quan hệ mật thiết với nhà trường. Khi đã tìm hiểu, kết nối với doanh nghiệp phù hợp thuộc lĩnh vực được đào tạo, các em sẽ được thực tập và làm việc thực tế tại doanh nghiệp.

 

Trong quá trình thực tế, các em được cán bộ của doanh nghiệp tư vấn, trợ giúp và đánh giá phần nội dung kiến thức đã thực hiện, từ đó có thể tích lũy được kiến thức, rèn luyện được kỹ năng trong quá trình thực tế và báo cáo kết quả về nhà trường sau mỗi đợt thực tập tại doanh nghiệp.

 

Doanh nghiệp luôn muốn tìm những ứng viên có kinh nghiệm, đã có thời gian làm việc thực tế tại doanh nghiệp và phải phù hợp cho các vị trí doanh nghiệp đang muốn tuyển dụng. Mô hình “đào tạo nghề kép” này sẽ tạo hứng thú cho HSSV trong quá trình học tập, thực hành và đây cũng là một yếu tố quyết định đến chất lượng lao động sau khi tốt nghiệp.

 

Sự phát triển trong tiếp xúc với doanh nghiệp gần đây của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, không chỉ giúp người học chọn đúng ngành, đúng nghề, đem lại việc làm tốt nhất cho sinh viên sau khi tốt nghiệp mà còn góp phần “ngăn dòng bỏ học” đối với các trường.

 

THÚY HẰNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek