Thứ Tư, 23/10/2024 11:29 SA
Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học: Tránh hình thức
Chủ Nhật, 28/10/2018 09:28 SA

Cô giáo Trường tiểu học Kim Đồng ân cần chăm lo bữa ăn trưa cho học sinh bán trú - Ảnh: THÚY HẰNG

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam vừa phê duyệt đề án “Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học giai đoạn 2018-2025”. Theo đó, 100% trường học phải xây dựng bộ quy tắc văn hóa ứng xử. Đây sẽ là giải pháp quan trọng nhằm xây dựng văn hóa ứng xử trường học hiệu quả trong thời gian tới.

 

Tăng tính hiệu quả

 

Mục tiêu chung của đề án là tăng cường xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học nhằm tạo chuyển biến căn bản về ứng xử văn hóa của cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên, học sinh, sinh viên để phát triển năng lực, hoàn thiện nhân cách, lối sống văn hóa.

 

Cụ thể, giai đoạn 2018-2020, 100% trường học xây dựng và thực hiện bộ quy tắc ứng xử đó trong trường học phù hợp với điều kiện và đặc trưng vùng miền của mỗi nhà trường. Theo đó, hàng năm có ít nhất 90% cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên, học sinh, sinh viên được tuyên truyền, phổ biến, học tập các vấn đề liên quan đến văn hóa ứng xử, môi trường văn hóa trong gia đình, nhà trường và cộng đồng; có ít nhất 90% cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên, cán bộ Công đoàn giáo dục, Đoàn Thanh niên, Đội Thiếu niên trong nhà trường được bồi dưỡng nâng cao năng lực ứng xử văn hóa và có năng lực tốt trong tổ chức giáo dục văn hóa ứng xử trong trường học; có ít nhất 90% trường học đạt tiêu chuẩn xanh, sạch, đẹp, an toàn, lành mạnh, thân thiện, góp phần xây dựng môi trường văn hóa trong nhà trường. Giai đoạn 2021-2025, các tỉ lệ tương ứng là 100%, 95% và 95%.

 

Đề án cũng đưa ra 5 nhiệm vụ, giải pháp như tuyên truyền nâng cao nhận thức trong trường học về xây dựng văn hóa ứng xử; xây dựng và thực hiện quy tắc ứng xử; đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức giáo dục văn hóa ứng xử; nâng cao năng lực ứng xử văn hóa và năng lực giáo dục văn hóa ứng xử; tăng cường sự phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong xây dựng văn hóa ứng xử.

 

Bà Nguyễn Thị Ngọc Ái, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Phú Yên cho hay: Thời gian qua, hệ thống văn bản hướng dẫn của ngành Giáo dục chỉ đạo thực hiện văn hóa ứng xử trong trường học đã được ban hành, góp phần tạo ra hành lang pháp lý cho quá trình triển khai tại cơ sở nhưng một số ít quy định trong đó vẫn còn chung chung, thiếu điều kiện thực hiện, thiếu chế tài, thiếu kiểm tra giám sát, dẫn tới quá trình thực hiện trong thực tế có lúc, có nơi chưa hiệu quả.

 

Hiện Sở GD-ĐT đang căn cứ vào đề án “Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học giai đoạn 2018-2025” của Chính phủ để tham mưu UBND tỉnh về vấn đề này. Quan điểm của ngành là quy tắc ứng xử văn hóa trong trường học phải được xây dựng cụ thể, đo đếm được, tránh chung chung hoặc chỉ mang yếu tố “phong trào”.

 

Tránh hình thức

 

Từ những vụ việc liên quan đến vấn đề văn hóa ứng xử trong trường học gây bức xúc trong xã hội thời gian qua thì rõ ràng việc tăng cường các giải pháp nhằm xây dựng hiệu quả văn hóa ứng xử trường học là rất cần thiết. Vấn đề quan trọng là xây dựng như thế nào để khi đưa vào thực hiện một mặt đáp ứng được yêu cầu tăng cường an toàn trường học, một mặt đáp ứng được yêu cầu tăng cường văn hóa ứng xử, quy tắc ứng xử trong nhà trường, giữa thầy cô và học sinh, giữa học sinh và học sinh cũng như giữa thầy cô và phụ huynh.

 

Theo thầy Trần Quang Huy, giáo viên Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi, văn hóa ứng xử học đường còn nhiều điều cần phải suy ngẫm. Có thể có nhiều nguyên nhân khác nhau, nhưng chắc chắn có một nguyên nhân là do chương trình giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh vẫn còn một khoảng trống. Nhà trường tuy có quan tâm giáo dục đạo đức, lối sống, hành vi ứng xử văn hóa cho học sinh nhưng thực tế chưa đạt được kết quả như mong muốn.

 

“Để thực hiện tốt và hiệu quả công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh thông qua việc xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học thì phải giáo dục mọi lúc, mọi nơi, có sự gắn kết chặt chẽ giữa ba môi trường. Đó là đến trường có nhà trường văn hóa, về nhà có gia đình văn hóa, về địa phương có thôn, xóm, khu phố văn hóa. Khi nhà trường là một môi trường văn hóa học đường có chất lượng cao thì chắc chắn sẽ loại trừ được những biểu hiện văn hóa ứng xử không lành mạnh nảy sinh từ bên trong, góp phần xây dựng môi trường văn hóa học đường ngày càng hoàn thiện, trong sáng”, thầy Huy nhấn mạnh.

 

Thực tế cho thấy, hoạt động giáo dục đạo đức, lối sống hiện nay trong các nhà trường chưa đáp ứng được nhu cầu, mong muốn của học sinh, sinh viên; vẫn còn mang tính áp đặt của giáo viên mà chưa quan tâm đến tâm lý lứa tuổi của các em hoặc mang tính phong trào; thời lượng dành cho các môn Đạo đức, Giáo dục công dân và các hoạt động giáo dục khác đóng vai trò “dạy người” ở một số nơi còn bị xem nhẹ. Đã đến lúc tất cả những mong muốn tốt đẹp, cần thiết về văn hóa ứng xử học đường cần được quy chế hóa, cụ thể hóa để có cơ sở hiện thực hóa và bảo đảm không bị biến dạng.

 

“Tiên học lễ, hậu học văn” bắt nguồn từ những điều tưởng đơn giản nhất, như cách xưng hô giữa thầy và trò hay giáo viên gặp học sinh phải niềm nở, vui vẻ… có như vậy thì mọi người dễ hiểu, dễ thực hiện và giám sát, đánh giá được. Dạy kiến thức có thể dễ nhưng dạy làm người mới là điều khó.

 

 

THÚY HẰNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek