Ngày 13/10, Trường cao đẳng Nghề Phú Yên tổ chức hội thảo Xây dựng quy định khối lượng kiến thức tối thiểu, yêu cầu về năng lực mà người học đạt được sau khi tốt nghiệp trình độ trung cấp, cao đẳng (gọi tắt là chuẩn đầu ra) nghề Cơ điện lạnh thủy sản và Vận hành sửa chữa thiết bị điện lạnh.
Tham dự hội thảo có gần 30 chuyên gia, các nhà khoa học thuộc viện nghiên cứu, hội khoa học và giảng viên các trường đại học, cao đẳng chuyên đào tạo về lĩnh vực cơ điện lạnh và vận hành sửa chữa thiết bị lạnh trong và ngoài tỉnh tham dự.
Tại hội thảo, TS Đặng Văn Lái, Hiệu trưởng, Chủ nhiệm Ban xây dựng chuẩn đầu ra Trường cao đẳng Nghề Phú Yên, cho biết mục tiêu của việc xây dựng chuẩn đầu ra là để nhà trường công khai với xã hội, người học và người sử dụng lao dộng biết được chuẩn năng lực nghề nghiệp, kiến thức chuyên môn, kỹ năng thực hành, khả năng nhận thức và giải quyết vấn đề, loại hình công việc mà người học có thể đảm nhận sau khi tốt nghiệp.
Quy định chuẩn đầu ra cũng nhằm tăng cường quan hệ, hợp tác, gắn kết giữa nhà trường và doanh nghiệp trong đào tạo và sử dụng lao động, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp và thị trường lao động.
Để xây dựng chuẩn đầu ra cho hai nghề đào tạo này, nhà trường đã khảo sát thực tế tại 46 doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh các ngành dược, rượu bia, thực phẩm, may mặc, thủy sản, các nhà thầu cơ điện lạnh… trong cả nước.
Trên cơ sở xây dựng chuẩn đầu ra của nhà trường, các đại biểu đã góp ý và đề xuất thêm các yếu tố để nhà trường hoàn thiện trong việc mô tả vị trí việc làm, tên công việc, các năng lực của từng vị trí việc làm và các vấn đề khác thuộc hai ngành nghề nêu trên, giúp nhà trường biên soạn, hoàn thiện các yêu cầu chuẩn đầu ra tốt hơn, sát với nhu cầu thực tế, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo.
THÚY HẰNG