Theo quy định tại dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục mà Bộ GD-ĐT đang lấy ý kiến, các hành vi vi phạm quy định về hoạt động tuyển sinh và đào tạo của trường đại học, cao đẳng và trung cấp sư phạm có nhiều mức khác nhau tùy theo loại vi phạm (dao động từ 200.000 đồng-80 triệu đồng).
Tuy nhiên, theo đại diện các trường, mức phạt trong một số trường hợp lại quá thấp. Cụ thể như hành vi tuyển sinh để đào tạo trình độ cao đẳng sư phạm, đại học, thạc sĩ và tiến sĩ vượt số lượng so với chỉ tiêu đã được cơ quan có thẩm quyền thông báo hoặc được giao sẽ bị xử phạt nhưng lại quá thấp, không đủ sức răn đe.
Cụ thể, phạt từ 5-10 triệu đồng đối với hành vi tuyển vượt từ 5% đến dưới 10%; từ 10-20 triệu đồng đối với hành vi tuyển vượt từ 10% đến dưới 15%; từ 20-40 triệu đồng đối với hành vi tuyển vượt từ 15% đến dưới 20%; từ 40-60 triệu đồng đối với hành vi tuyển vượt từ 20% đến dưới 40%; từ 60-80 triệu đồng đối với hành vi tuyển vượt từ 40% trở lên.
Theo một cán bộ tuyển sinh Trường đại học Xây dựng Miền Trung, mức phạt này không đủ sức răn đe, bởi với những trường thu học phí cao, số tiền phạt cao nhất đôi khi chưa bằng học phí của một sinh viên trong một năm học.
Nếu áp dụng chung mức phạt này cho tất cả các trường thì sẽ khập khiễng, bởi theo Nghị định 86 của Chính phủ đối với trường đại học công lập chưa tự chủ, học phí năm học này khoảng 5-10 triệu đồng/năm/sinh viên.
Thật ra việc xử phạt vi phạm trong hoạt động tuyển sinh và đào tạo đối với các trường đại học, cao đẳng, trung cấp đã được Bộ GD-ĐT triển khai từ lâu, nhưng việc xử phạt trong thực tế gần như chưa thực hiện.
Trong khi các trường đại học, cao đẳng vi phạm trong tuyển sinh không ít, không chỉ về khai số liệu đất đai, đội ngũ mà còn chỉ tiêu với từng hình thức tuyển sinh.“Nếu bộ thực hiện nghiêm việc xử phạt thì hầu như trường nào cũng có vi phạm, nhất là với các trường đại học lớn sẽ không tránh khỏi việc tuyển vượt số lượng so với chỉ tiêu tuyển sinh được giao”, một cán bộ tuyển sinh Trường đại học Phú Yên cho hay.
Dù vậy, sau rất nhiều năm, chủ yếu bộ vẫn nhắc nhở các trường vi phạm trong hội nghị tuyển sinh toàn quốc chứ không có thống kê và công bố các sai phạm. Chỉ có năm vừa qua, bộ “mạnh tay” công khai danh sách các trường đại học xác định chỉ tiêu tuyển sinh không sát năng lực đào tạo.
Theo nhiều trường, Bộ GD-ĐT cần tăng mức phạt để các trường sợ. Nhưng điều này cũng chỉ là giải pháp tình thế, còn về lâu dài để các trường có thể thực hiện tốt quy định về tuyển sinh, nhất là khâu tuyển đúng chỉ tiêu, Bộ GD-ĐT cần xem xét lại hình thức xét tuyển.
Bởi với cách thức tuyển sinh như những năm gần đây, tỉ lệ thí sinh “ảo” luôn ở mức cao dù bộ đã có nhiều cách lọc ảo nhưng vẫn chưa hiệu quả. Điều này khiến các trường luôn trong trạng thái bị động, căng thẳng, khó chọn được phương án tối ưu để tuyển vừa đủ chỉ tiêu.
Phần lớn các trường đều gọi thí sinh nhập học dư 10-30% so với chỉ tiêu, song thực tế có không ít trường vẫn bị hụt nên phải xét tuyển bổ sung. Và trong các đợt xét tuyển bổ sung, việc lọc thí sinh “ảo” càng khổ hơn nữa.
Xử phạt vi phạm là cần thiết, song bộ cần thực hiện nghiêm túc và công bố công khai để người học và xã hội giám sát mới là biện pháp mạnh để hạn chế các trường vi phạm.
MẠNH THÚY