Bộ GD-ĐT vừa có Thông tư 16/2018/TT-BGDĐT quy định về tài trợ cho các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân. Theo đó, việc tài trợ phải đảm bảo nguyên tắc tự nguyện, công khai, minh bạch, không ép buộc, không quy định mức tài trợ bình quân, không quy định mức tài trợ tối thiểu, không lợi dụng việc tài trợ cho giáo dục để ép buộc đóng góp và không coi huy động tài trợ là điều kiện cho việc cung cấp dịch vụ giáo dục, đào tạo.
Thông tư cũng nêu rõ, việc vận động, tiếp nhận, quản lý và sử dụng các khoản tài trợ phải được công bố, niêm yết công khai tại cơ sở giáo dục được nhận tài trợ và tuân thủ đúng quy định của pháp luật hiện hành. Đặc biệt, không vận động tài trợ để chi trả: thù lao giảng dạy; các khoản chi liên quan trực tiếp cho cán bộ quản lý, giáo viên, giảng viên và nhân viên, các hoạt động an ninh, bảo vệ; thù lao trông coi phương tiện tham gia giao thông của học sinh; thù lao duy trì vệ sinh lớp học, vệ sinh trường; khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên; các chi phí hỗ trợ công tác quản lý của cơ sở giáo dục…
Thật ra, không phải đến bây giờ việc chống lạm thu mới được đề cập mà cách đây 6 năm, Bộ GD-ĐT cũng đã có Thông tư 29/2012 quy định phụ huynh phải hoàn toàn tự nguyện khi đóng góp. Các trường không được coi huy động đóng góp của phụ huynh là điều kiện cho việc cung cấp dịch vụ giáo dục cũng như không quy định mức tài trợ cụ thể với từng phụ huynh.
Thông tư 29 cũng yêu cầu các trường muốn vận động sự đóng góp tự nguyện của phụ huynh học sinh để xây dựng các công trình nhỏ hoặc mua sắm trang thiết bị, dụng cụ học tập, sinh hoạt của học sinh phải xin phép cơ quan quản lý cấp trên. Quy định là vậy, song việc lạm thu, núp bóng tự nguyện hay những khoản tài trợ mang tính bắt buộc vẫn có chiều hướng gia tăng, gây bức xúc cho phụ huynh học sinh.
Điểm khác của Thông tư 16 với Thông tư 29 trước đây chính là việc quy định rõ hơn việc tài trợ cho các cơ sở giáo dục phải đảm bảo nguyên tắc: Tự nguyện, công khai, minh bạch, không ép buộc, không quy định mức bình quân/mức tối thiểu, không ép buộc đóng góp, vận động, tiếp nhận, quản lý và sử dụng minh bạch, công khai.
Quả thật, trong bối cảnh ngân sách nhà nước chưa đảm bảo đầu tư đầy đủ, toàn diện cho các cơ sở, đơn vị giáo dục và người dân thực sự mong muốn đóng góp, cải thiện chất lượng giáo dục cho con em mình thì xã hội hóa là điều tất yếu và cần thiết. Trên thực tế, rất nhiều đơn vị, nhiều ban đại diện cha mẹ học sinh đã làm tốt công tác xã hội hóa.
Chất lượng giáo dục cùng cơ sở vật chất ở những trường này được nâng lên rõ rệt, nhưng trái lại vẫn tồn tại việc nhiều người đang lợi dụng xã hội hóa không nhằm vào mục tiêu vì người học, vì giáo dục mà lợi dụng để làm nhiều việc khác. Vấn đề này cần được nhìn nhận bởi chính những người làm giáo dục, nhất là khi các khoản thu vô lý ngoài học phí, trở thành gánh nặng, nỗi sợ hãi đối với không ít gia đình mỗi khi bắt đầu năm học mới. Vì lẽ đó, nói đến xã hội hóa và các khoản thu tự nguyện…, phụ huynh chỉ ngao ngán và mong muốn một sự minh bạch trong tất cả các khoản thu ngoài quy định.
Hy vọng thông tư mới này sẽ tạo điều kiện cho các cơ sở giáo dục được vận động, tiếp nhận tài trợ các hoạt động giáo dục một cách công khai, minh bạch; khuyến khích được xã hội hóa cho giáo dục đúng nghĩa.
MẠNH THÚY