Thứ Sáu, 25/10/2024 21:23 CH
Tuyển sinh đào tạo giáo viên: Hướng đến đổi mới toàn diện
Chủ Nhật, 12/08/2018 10:59 SA

Thí sinh dự thi năng khiếu vào ngành Giáo dục mầm non Trường đại học Phú Yên - Ảnh: THÚY HẰNG

Năm 2018, Bộ GD-ĐT thực hiện chủ trương đổi mới trong tuyển sinh đào tạo sư phạm với nhiều điều chỉnh và cắt giảm chỉ tiêu tuyển sinh trong toàn quốc. Động thái quyết liệt này được nhiều chuyên gia tuyển sinh và các nhà quản lý giáo dục đánh giá cao.

 

Tuyển sinh đáp ứng nhu cầu chất lượng

 

Năm 2018, Bộ GD-ĐT giao chỉ tiêu đào tạo giáo viên trên cơ sở khảo sát, thống kê nhu cầu sử dụng giáo viên của các địa phương trong toàn quốc với tổng chỉ tiêu 35.599 học sinh, sinh viên, giảm 17.000 học sinh, sinh viên so với năm trước. Cùng với việc đưa ra điểm sàn xét tuyển sinh các ngành đào tạo sư phạm ở bậc đại học, cao đẳng, trung cấp năm nay thứ tự là 17, 15, 13 điểm, Bộ GD-ĐT còn quy định nâng ngưỡng xét tuyển dựa vào kết quả học tập ở cấp THPT cao hơn so với các năm trước. Cụ thể, đối với trình độ đại học: Xét tuyển học sinh tốt nghiệp THPT có học lực lớp 12 xếp loại giỏi. Các ngành Sư phạm Âm nhạc, Sư phạm Mỹ thuật, Giáo dục thể chất xét tuyển học sinh tốt nghiệp THPT có học lực lớp 12 xếp loại khá trở lên. Đối với trình độ cao đẳng: Xét tuyển học sinh tốt nghiệp THPT có học lực lớp 12 xếp loại khá trở lên. Các ngành Sư phạm Âm nhạc, Sư phạm Mỹ thuật, Giáo dục thể chất xét tuyển học sinh tốt nghiệp THPT có học lực lớp 12 xếp loại trung bình trở lên. Động thái quyết liệt này đã được nhiều chuyên gia tuyển sinh và các nhà quản lý giáo dục đánh giá cao.

 

Tại Trường đại học Phú Yên, ngay trong đợt 1 có 46 thí sinh học lực lớp 12 xếp loại giỏi tham gia xét tuyển bằng hình thức học bạ, 127 thí sinh trúng tuyển bằng hình thức sử dụng điểm thi THPT quốc gia. Trong 9 ngành đào tạo giáo viên trình độ đại học thì ngành Giáo dục mầm non đã tuyển đủ chỉ tiêu 60 sinh viên ngay từ nguyện vọng 1. Đặc biệt, một số thí sinh có điểm thi trên 23 điểm vẫn chọn học Giáo dục mầm non. Em Nguyễn Thị Như Quỳnh ở huyện Sơn Hòa cho biết: “Em được 19,9 điểm. Với số điểm này, em trúng tuyển ngành Giáo dục mầm non Trường đại học Phú Yên nên rất mừng. Học gần nhà sẽ giúp gia đình giảm được chi phí học tập”.

 

Ngưỡng đầu vào của các trường đào tạo giáo viên được xây dựng trên cơ sở kết quả điểm thi của các thí sinh đăng ký xét tuyển vào các ngành sư phạm, cũng như yêu cầu chất lượng đầu vào của các ngành đào tạo giáo viên để bảo đảm chất lượng người thầy trong toàn hệ thống. Với mặt bằng điểm thấp như năm nay, mức sàn mà Bộ GD-ĐT đưa ra thực sự là một thách thức đối với các trường. Việc nhiều trường sẽ gặp khó khăn trong tuyển sinh là điều được dự báo trước. Tuy nhiên, trong xu thế chung các ngành đào tạo giáo viên đang bị cạnh tranh sức hấp dẫn với những ngành nghề khác thì việc giảm chỉ tiêu, nâng cao ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào đối với đào tạo giáo viên đã thể hiện quyết tâm nâng cao chất lượng đào tạo lực lượng này.

 

Sẽ đảm bảo việc làm sau khi tốt nghiệp

 

Theo số liệu thống kê của Bộ GD-ĐT, hiện cả nước có khoảng 100 cơ sở được phép đào tạo giáo viên các cấp. Theo quy hoạch, tới năm 2020 quy mô đào tạo sư phạm chiếm 10% tổng số sinh viên tuyển mới. Năm 2018 là năm đầu tiên Bộ GD-ĐT áp dụng điểm sàn riêng cho các trường sư phạm. Lâu nay, việc thừa - thiếu cục bộ và chất lượng đào tạo hạn chế được coi là một trong những căn nguyên của việc nhiều giáo viên sau khi tốt nghiệp các trường sư phạm khó tìm được việc làm. Chính vì thế, việc giảm chỉ tiêu đào tạo và quy định điểm sàn chính là hướng đến nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên. “Tôi đánh giá cao việc Bộ GD-ĐT đưa ra điểm sàn xét tuyển sinh các ngành đào tạo sư phạm ở bậc đại học, cao đẳng, trung cấp năm nay nhằm đảm bảo chất lượng nguồn tuyển. Mong rằng tới đây, việc giao chỉ tiêu cho các trường theo đơn đặt hàng của địa phương được thực hiện triệt để, qua đó góp phần giải quyết việc làm đối với giáo sinh sau khi tốt nghiệp”, TS Phạm Văn Cường, Giám đốc Sở GD-ĐT Phú Yên nói.

 

Tại hội nghị tổng kết năm học 2017-2018, triển khai nhiệm vụ năm học 2018-2019 vừa được Bộ GD-ĐT tổ chức, nhiều đại biểu đánh giá cao việc bộ này quyết tâm không duy trì quy mô tuyển sinh để đánh đổi chất lượng. Điều này buộc các trường phải có trách nhiệm với sản phẩm của mình, chất lượng đào tạo phải được đặt lên hàng đầu, phải đào tạo được đội ngũ những người thầy tốt để đào tạo ra những thế hệ học trò giỏi. Có thể với việc quy định đầu vào như trên sẽ khó khăn cho các trường trong việc tuyển sinh năm nay, nhưng đây là vấn đề mang yếu tố trách nhiệm với người học, với xã hội, đặc biệt là với trọng trách được giao đào tạo giáo viên của mỗi nhà trường. Trường sư phạm được coi là máy cái để đào tạo giáo viên, có thầy giỏi mới có trò giỏi thì càng không thể chạy theo số lượng mà bỏ qua chất lượng.

 

Với chỉ tiêu các ngành sư phạm được Bộ GD-ĐT giao cho từng cơ sở đào tạo sát với dự báo nhu cầu tuyển dụng, thì sau 3-4 năm nữa, cơ hội việc làm của sinh viên tốt nghiệp các ngành sư phạm sẽ rất cao. Đây là một lực lượng nhà giáo tương lai được đào tạo theo hướng tiếp cận năng lực và quan điểm phát triển, hứa hẹn sẽ đáp ứng tốt yêu cầu đổi mới của chương trình giáo dục phổ thông mới.

 

THÚY HẰNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek