Chủ Nhật, 27/10/2024 13:19 CH
Để các mô hình, dự án đi vào thực tiễn
Thứ Hai, 18/06/2018 13:00 CH

Nông dân Ngọc Lãng chăm sóc rau - Ảnh: PV

Công tác nghiên cứu khoa học trên địa bàn tỉnh những năm gần đây đã được đẩy mạnh, phục vụ cho các chương trình kinh tế trọng điểm ở địa phương. Trong đó, ngành Nông nghiệp với nhiều đề tài, dự án đã được triển khai nghiên cứu và ứng dụng có hiệu quả giúp tăng năng suất, chất lượng giống cây trồng, vật nuôi; nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp.

 

Nhiều dự án có tính ứng dụng cao

 

Theo ông Lê Văn Cựu, Giám đốc Sở KH-CN, xác định phát triển nông nghiệp, nông thôn và nông dân cùng với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp là nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh, Sở KH-CN đã tập trung đẩy mạnh công tác nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ KH-CN vào thực tiễn sản xuất và đời sống. Trong 5 năm (2013-2017), hoạt động nghiên cứu triển khai các đề tài, dự án đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tỉnh.

 

Năm 2014, PGS-TS Nguyễn Minh Hiếu (Trường đại học Nông lâm Huế) và TS Hoàng Kim (Trường đại học Nông lâm TP Hồ Chí Minh) thực hiện dự án “Nghiên cứu tuyển chọn giống sắn ngắn ngày và kỹ thuật thâm canh, rải vụ nhằm phục vụ cho việc phát triển cây sắn bền vững ở tỉnh Phú Yên”. Sau 3 năm triển khai, nhóm tác giả xác định được giống sắn KM-419 phù hợp nhất với sinh thái địa phương. Giống sắn KM-419 được chọn tạo từ tổ hợp lai BKA900 x KM 98-5, đạt năng suất 36,9-49,6 tấn/ha trong khảo nghiệm sản xuất trên đất xám huyện Đồng Xuân và 44,7-49,6 tấn/ha trên đất đỏ huyện Sông Hinh. Ước tính việc sản xuất sắn bằng giống KM-419 sẽ nâng giá trị cây sắn thêm 17 triệu đồng/ha, góp phần tăng thu nhập nông dân và tăng khả năng cạnh tranh trong xuất khẩu của các nhà máy sắn địa phương...

 

Một dự án khác thuộc Chương trình hỗ trợ ứng dụng tiến bộ kỹ thuật cho nông thôn, miền núi có sức lan tỏa mạnh vào đời sống sản xuất là “Ứng dụng KH-CN xây dựng mô hình sản xuất các loại nấm ăn và nấm dược liệu theo hướng công nghiệp tại tỉnh Phú Yên”. Với dự án này, Trung tâm Ứng dụng và Chuyển giao công nghệ (Sở KH-CN) tiếp nhận và hoàn thiện 6 quy trình công nghệ nuôi trồng nấm rơm (năng suất bình quân đạt 15%/tấn nguyên liệu), linh chi (năng suất bình quân đạt 150g tươi/ bịch), sò (400g tươi/bịch), mộc nhĩ (800g tươi/bịch), chân dài (230g tươi/bịch), hầu thủ (200g tươi/bịch).

 

Trong 6 mô hình, Trung tâm Ứng dụng và Chuyển giao công nghệ đã chuyển giao cho các hộ dân nuôi trồng thành công 3 mô hình là: nấm linh chi (năng suất đạt 155g tươi/bịch), nấm sò (400g tươi/bịch), mộc nhĩ (800g tươi/bịch). Hiện tại, các loại nấm này có thị trường tiêu thụ ổn định, mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân trên địa bàn 7 huyện, thị, thành phố. Quan trọng hơn, việc trồng thành công các loại nấm này giúp đẩy lùi và thay thế được các loại nấm không rõ nguồn gốc xuất xứ, nhất là các loại nấm không an toàn được nhập khẩu từ Trung Quốc.

 

Nhằm phục vụ cho phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn và nông dân, dự án cấp quốc gia “Nghiên cứu sản xuất phân bón NPK một hạt sử dụng cho một số cây trồng bằng kỹ thuật tạo hạt dạng tháp cao phục vụ phát triển nông nghiệp bền vững” đã được Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Hoàng Long Vina triển khai đưa dây chuyền công nghệ tạo hạt dạng tháp cao tiên tiến về địa phương để sản xuất các loại phân bón chất lượng cao phục vụ cho các đối tượng cây trồng chủ lực của tỉnh Phú Yên, các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, thay thế phân bón nhập khẩu từ nước ngoài…

 

Khoa học phải bước ra từ thực tiễn

 

Có thể nói, hoạt động KH-CN trong ngành Nông nghiệp trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã có những bước chuyển biến tích cực; đóng góp vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội và CNH, HĐH ở Phú Yên. Nhờ có các đề tài, dự án KH-CN trong lĩnh vực nông nghiệp mà nhiều đối tượng cây trồng, vật nuôi mới được đưa vào ứng dụng, tạo thêm công ăn, việc làm cho người nông dân, nâng cao giá trị thu nhập của người nông dân trong sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, bên cạnh những thành công, kết quả đạt được, công tác nhân rộng các kết quả nghiên cứu KH-CN trong lĩnh vực nông nghiệp hiện vẫn còn một số hạn chế, tồn tại khi còn nhiều mô hình chưa có sự lan tỏa sâu rộng vào đời sống sản xuất.

 

Kết quả nghiên cứu công nghệ cao trong nông nghiệp vẫn còn khiêm tốn, một số tiến bộ kỹ thuật áp dụng trong sản xuất chủ yếu đang triển khai dưới hình thức mô hình trình diễn, việc nhân ra diện rộng còn hạn chế. Việc ứng dụng các công nghệ thông tin, tự động hóa sản xuất, công nghệ sinh học, các quy trình canh tác tiên tiến (ICM, VietGAP) chưa nhiều… Để phát huy tiềm năng, sức mạnh của ngành Nông nghiệp, rất cần những nhà khoa học lăn lộn trong thực tiễn để nghiên cứu, chuyển giao, phổ biến tiến bộ KH-CN đến người dân.

 

Từ trước đến nay, trong các hội thảo khoa học, vấn đề nhiều chuyên gia đề cập đến là làm thế nào để các đề tài, dự án có sức lan tỏa, nhân rộng vào thực tiễn thay vì xếp các công trình vào ngăn kéo sau khi dự án kết thúc. Bởi trên thực tế, hàng năm tỉnh thực hiện khá nhiều đề tài, dự án nhưng bên cạnh những dự án được ứng dụng rộng rãi thì vẫn còn một số đề tài nghiên cứu KH-CN mang tính chất tài liệu tham khảo, chưa ứng dụng nhân rộng được trong thực tiễn, hoặc có nhân rộng nhưng lại không duy trì được tính thực tiễn.

 

Tại TP Tuy Hòa, làng rau hoa Ngọc Lãng, Ngọc Phước (xã Bình Ngọc) từng là tâm điểm thu hút rất nhiều sự quan tâm của cộng đồng khi nơi đây được xây dựng thành vùng rau an toàn trồng theo hướng VietGAP. Tuy nhiên, niềm tự hào về một vựa rau an toàn không duy trì được lâu khi chính những người dân trồng rau vừa quen với quy trình kỹ thuật tiên tiến đã chán nản quay lại với cách canh tác thông thường. Bởi việc áp dụng quy trình này đòi hỏi người nông dân phải đầu tư nhiều công sức hơn, làm việc vất vả, tỉ mỉ hơn nhưng hiệu quả kinh tế mang lại không tương xứng.

 

Từ thực tế nói trên cho thấy làm khoa học phải đi từ thực tiễn, bám sát nhân dân để quay về phục vụ thực tiễn, phục vụ nhân dân. Chỉ khi nào làm được điều đó một cách rốt ráo thì KH-CN mới phát huy được vai trò to lớn của nó, mới thực sự trở thành động lực phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững.

 

THÁI HÀ

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek