Chủ Nhật, 27/10/2024 15:33 CH
Học để trở thành kiến trúc sư
Chủ Nhật, 17/06/2018 17:36 CH

Sinh viên Trường đại học Xây dựng Miền Trung tham gia triển lãm kiến trúc do nhà trường tổ chức - Ảnh: THÚY HẰNG

Những năm gần đây, kiến trúc là ngành được nhiều thí sinh chọn học. Tuy nhiên, để trở thành một kiến trúc sư giỏi sau khi ra trường là không hề dễ dàng, đặc biệt là với nữ sinh viên khi theo học ngành này.

 

Con gái cũng đam mê kiến trúc

 

“Kiến trúc là ngành đòi hỏi mức độ học tập rất nặng. Nếu toán, lý kém, các môn khoa học kém, các bạn đừng hy vọng sẽ bù đắp bằng vẽ mỹ thuật. Vì vẽ mỹ thuật chỉ là thi đầu vào, và một kiến trúc sư thì không chỉ cần vẽ giỏi mà còn phải giỏi nhiều thứ khác”, sinh viên Đỗ Anh Nhật đã nói như vậy sau 5 năm theo học ngành Kiến trúc tại Trường đại học Xây dựng Miền Trung.

 

Nữ sinh viên này vừa bảo vệ đồ án tốt nghiệp với đề tài: Trung tâm văn hóa Núi Nhạn với kết quả loại ưu cho biết: Em tốt nghiệp THPT năm 2012. Theo định hướng của ba mẹ, em theo học ngành Quản trị kinh doanh. Sau một năm theo học ngành này, em phát hiện mình không thích hợp nên thuyết phục ba mẹ cho em học ngành Kiến trúc. Tuy nhiên, ba mẹ em không đồng ý, bởi ba mẹ cho rằng kiến trúc là ngành học dành cho nam, không thích hợp với con gái. Sau nhiều lần thuyết phục, ba mẹ mới đồng ý cho em theo học ngành này”.

 

Khi vào học kiến trúc em thấy ngành này thế nào? Có đúng với với sự lo lắng của ba mẹ không? Nghe tôi hỏi vậy, Anh Nhật chẳng cần đắn đo, trả lời cái rụp: “Khó, khổ đúng nghĩa luôn đó chị. Chẳng hạn để thiết kế được đề tài bảo vệ đồ án tốt nghiệp, em tập trung ròng rã 2 tháng trời cả ngày lẫn đêm vắt óc tính toán để hoàn thiện công trình kiến trúc Trung tâm văn hóa Núi Nhạn. Mặt mũi nổi mụn, mắt thâm quầng, xót cho nhan sắc lắm, chỉ có những ai thực sự đam mê với công việc này thì mới theo đến cùng được”.

 

Có cùng suy nghĩ như Anh Nhật, sinh viên Nguyễn Ý Nhân, quê ở Mộ Đức, Quảng Ngãi cho hay, sau 5 năm theo học ngành Kiến trúc tại Trường đại học Xây dựng Miền Trung, em thấy lựa chọn ngành nghề để lập nghiệp của mình là đúng. “Gia đình em có truyền thống gắn bó với ngành xây dựng, nhưng chưa có ai là kiến trúc sư nên ngay từ khi vào lớp 10 em đã xác định theo học ngành Kiến trúc nên em tham gia các lớp học vẽ. Sau ba năm học vẽ, cộng với thế mạnh học tốt các môn khoa học tự nhiên nên em tự tin theo học ngành Kiến trúc. Tuy nhiên, khi vào học rồi mới thấy vẽ đẹp, giỏi các môn khoa học tự nhiên vẫn chưa đủ”. Theo Ý Nhân, trong 5 năm học đại học, sinh viên chỉ có 3,5 năm học các môn chuyên ngành và cơ sở ngành. Với tốc độ phát triển đô thị, của khoa học kỹ thuật hiện nay, thì từng ấy năm học đại học làm sao có đủ kiến thức cho chúng ta dùng cả đời và hiểu tường tận tất cảcác khía cạnh của hoạt động nghề nghiệp thiết kế kiến trúc, từ thiết kế nhà ở đến công trình công cộng, quy hoạch... Việc vênh giữa thực tiễn và đào tạo trong nhà trường là điều không thể tránh khỏi. Vì vậy, sau khi ra trường người học cần tiếp tục hoàn thiện kiến thức của mình trong từng môi trường hoạt động nghề nghiệp cụ thể. Chẳng hạn như khả năng thuyết trình, làm việc nhóm, sự hiểu biết về hệ thống quản lý chuyên ngành có liên quan đến nghề nghiệp… cũng là những kiến thức phải được bổ sung trong thực tế.

 

Sinh viên Đỗ Anh Nhật với mô hình Trung tâm văn hóa Núi Nhạn do em thiết kế - Ảnh: THÚY HẰNG

 

Cơ hội rộng mở

 

Hiện nay, chỉ còn một số ngành do đặc thù giới tính, môi trường lao động, đặc điểm nghề nghiệp nên mới ưu tiên nam giới. Còn đa số các ngành đang được đào tạo trong hệ thống giáo dục quốc dân tại Việt Nam đều phù hợp cho cả hai giới. Kiến trúc là một trong những ngành tưởng chừng phù hợp với nam giới, nhưng kỳ thực con gái cũng rất dễ thành công với nghề này. Theo thống kê của Trường đại học Xây dựng Miền Trung, khóa học 2013-2018, nhà trường có 40 sinh viên bảo vệ đồ án tốt nghiệp, trong đó có hơn 10 sinh viên nữ. Đỗ Anh Nhật thổ lộ: “Sau khi hoàn thành chương trình thực tập, em được Công ty TNHH Tư vấn thiết kế Nghinh Phúc (TP Tuy Hòa) nhận vào làm việc với nhiệm vụ thiết kế nội thất đúng với sở trường của em”. Còn Nguyễn Ý Nhân cho hay: “Sau khi thực tập tại Đại Phúc Group (TP Hồ Chí Minh), em được tập đoàn này nhận vào làm việc với vai trò thiết kế vẽ 3D”. Hiện hầu hết các sinh viên tốt nghiệp khóa 2013-2018 của Trường đại học Xây dựng Miền Trung đều tự tin tìm được việc làm sau khi tốt nghiệp. Nếu như thế mạnh của các bạn nam là kiến trúc công trình thì các bạn nữ lại thích kiến trúc cảnh quan. Một số sinh viên cũng chọn việc phát triểnnghề nghiệp tronglĩnh vực khác nhưthiết kế nội thất, thiết kế đồ họa, quản lý xây dựng, thiết kế đô thị, tư vấn, quản lý dự án, thiết kếđồ gỗ, thiết kếđa phương tiệnvà các lĩnh vựcliên quan khác.

 

“Kiến trúc sư là một nghề đòi hỏi sự nỗ lực, học hỏi và sáng tạo không ngừng. Các em đừng coi ra trường là kết thúc quá trình học tập. Đó chỉ là sự khởi đầu của quá trình làm nghề và liên tục học tập, sáng tạo. Hãy liên tục học tập hoàn thiện mình, chắc chắn các em sẽ có thành công trong tương lai”, TS Trần Văn Hiến, Trưởng Khoa Kiến trúc Trường đại học Xây dựng Miền Trung nhắn nhủ.

 

THÚY HẰNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek