Thứ Hai, 28/10/2024 07:30 SA
Bỏ điểm sàn đại học: Thí sinh phải “sàng lọc” đầu vào khi tham gia xét tuyển
Chủ Nhật, 27/05/2018 08:16 SA

Trường đại học Quốc tế (Đại học quốc gia TP Hồ Chí Minh) tư vấn tuyển sinh cho các thí sinh Phú Yên - Ảnh: THÚY HẰNG

Năm 2018, Bộ GD-ĐT trao quyền xác định điểm sàn cho các trường, trừ những trường đào tạo giáo viên, nhằm để các trường có trách nhiệm hơn với người học và xã hội. Vì vậy, thí sinh cần cân nhắc kỹ lưỡng khi chọn trường tham gia xét tuyển.

 

Trao quyền xét tuyển đầu vào cho các trường

 

Cụ thể, tuyển sinh năm 2018, Bộ GD-ĐT cho các trường tự xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào (điểm sàn), công bố trên trang thông tin điện tử của trường và Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GD-ĐT trước khi thí sinh điều chỉnh nguyện vọng. Theo nhìn nhận của các trường, việc bỏ điểm sàn hầu như không tác động tới các trường tốp đầu vì ngưỡng điểm sàn của các trường này hàng năm đều cao hơn điểm sàn của Bộ GD-ĐT rất nhiều. Việc bỏ điểm sàn chỉ tác động mạnh đến các trường đại học địa phương, các trường đại học tốp dưới và một số trường ngoài công lập.

 

TS Nguyễn Đức Nghĩa, nguyên Phó Giám đốc Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh cho biết: Hiện nay, cửa vào đại học rất rộng, quan trọng là các em chọn trường nào và học ngành gì cho phù hợp? Vì thế, việc bỏ điểm sàn sẽ tạo điều kiện “mở” để các trường cạnh tranh trong thu hút thí sinh.

 

Thực tế tuyển sinh gần đây cho thấy, nhiều trường đại học đã lấy điểm chuẩn chỉ bằng điểm sàn nhưng vẫn không tuyển đủ chỉ tiêu. Điều này cho thấy nếu các trường có hạ thấp điểm đầu vào cũng chưa hẳn tuyển được thí sinh. “Việc bỏ điểm sàn là để các trường thể hiện trách nhiệm tự chủ của mình trong việc tự xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào cũng là giúp các trường khẳng định uy tín với người học và xã hội. Chính vì thế, việc các trường đưa ra một ngưỡng điểm sàn hợp lý cho mình cũng là đảm bảo chất lượng của trường”, TS Nguyễn Đức Nghĩa nói.

 

Bỏ điểm sàn nên việc tuyển sinh phụ thuộc vào tiêu chí xác định tuyển sinh của từng trường. Vậy nên, vừa qua mới có tình trạng một số trường thông báo điểm nhận hồ sơ xét tuyển bằng kết quả thi THPT quốc gia năm 2018 trong khoảng 10-13 điểm, gây nhiều bức xúc trong dư luận. Trước tình trạng này, Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD-ĐT) liên tục chỉ đạo các trường tránh xác định điểm sàn quá thấp. Còn các chuyên gia giáo dục thì cho rằng, dù bộ bỏ điểm sàn nhưng ngưỡng đảm bảo chất lượng tối thiểu của các trường cũng không nên thấp hơn mức điểm sàn hàng năm mà Bộ GD-ĐT đã quy định trước đó.

 

Các trường phải tự đặt ngưỡng đầu vào cho mình

 

Dù Bộ GD-ĐT không quy định điểm sàn nhưng chắc chắn các trường sẽ có điểm sàn riêng cho mình để đảm bảo chất lượng, giữ uy tín cho chính mình. Bộ GD-ĐT chỉ đưa ra chế tài, còn các trường phải công khai mức điểm tuyển sinh để xã hội kiểm soát. Trường nào lấy điểm quá thấp, chất lượng kém thì dần dần sẽ không có người học và bản thân người học khi tốt nghiệp ra trường cũng khó tìm được việc làm. Vậy nên, khi chọn trường, ngành theo học thì thí sinh phải thận trọng, không nên vì cố vào đại học mà bỏ qua khâu “sàng lọc” ngay từ đầu vào.

 

TS Lê Tuấn Lộc, Phó Hiệu trưởng Trường đại học Kinh tế - luật (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh), cho hay: Ngưỡng điểm đầu vào của trường thường cao hơn nhiều so với điểm sàn của Bộ GD-ĐT đưa ra. Điểm sàn ngoài đảm bảo chất lượng đào tạo còn là để khẳng định vị thế của nhà trường chứ không đơn giản là điểm bao nhiêu. Do đó, dù năm nay Bộ GD-ĐT có bỏ điểm sàn thì nhà trường cũng sẽ có “sàn” của riêng mình để đảm bảo uy tín, thương hiệu của trường. PGS-TS Nguyễn Văn Thư, Hiệu trưởng Trường đại học Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh cũng cho rằng điểm sàn mà các trường xây dựng chính là cách để khẳng định thương hiệu đào tạo của nhà trường. Phụ huynh nhìn vào đó để cho con em mình theo học. Ví dụ, trường A điểm sàn nhận hồ sơ là 20 nhưng trường B nhận 15 điểm, chỉ cần nhìn thông số đó thôi, xã hội cũng như thí sinh, phụ huynh sẽ biết được vị trí của trường đại học đó ở đâu trong hệ thống giáo dục đại học Việt Nam.

 

Việc Bộ GD-ĐT không quy định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào là để cho các trường đại học được tự chủ hơn trong việc xác định điểm chuẩn đối với những thí sinh đăng ký xét tuyển theo phương thức sử dụng kết quả thi THPT. Nhà trường phải chịu trách nhiệm chất lượng đào tạo. Chính vì vậy, Bộ GD-ĐT yêu cầu khi tuyển sinh, các trường công bố minh bạch điều kiện xét tuyển, theo tiêu chuẩn nào, điểm bao nhiêu. Khi các trường công bố điều kiện xét tuyển thì thí sinh, phụ huynh và xã hội sẽ biết chất lượng đào tạo của các trường như thế nào. Vì chất lượng đào tạo các trường hiện nay khác nhau, trường chất lượng cao, trường chất lượng thấp; trường có điểm chuẩn trúng tuyển cao nhưng cũng có trường điểm chuẩn trúng tuyển lại rất thấp…

 

Các trường đại học hiện nay đã làm rõ chuẩn đầu ra đáp ứng yêu cầu của xã hội, nên các trường cũng phải đảm bảo yêu cầu của chuẩn đầu vào. “Nếu trường nào lấy đầu vào quá thấp so với mặt bằng chung của các trường đại học thì sẽ nhận được sự đánh giá của xã hội và đương nhiên khi mà thấp quá sẽ ít nhiều ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng đầu ra, dẫn tới xã hội và thí sinh nghi ngờ về chất lượng đào tạo của trường. Do vậy, các trường cần thận trọng trong việc xác định mức điểm chuẩn xét tuyển để tránh những hệ lụy không tốt cho các đợt tuyển sinh về sau”, Phó Trưởng Phòng Quản lý thi tuyển sinh và công nhận văn bằng (Bộ GD-ĐT) Nam Nhật Minh nhấn mạnh.

 

THÚY HẰNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek