Thứ Ba, 29/10/2024 01:29 SA
Xây dựng xã hội học tập từ ý thức tự học của mỗi người
Thứ Ba, 01/05/2018 07:00 SA

Nông dân xã Hòa Mỹ Tây (huyện Tây Hòa) học bổ túc văn hóa THCS - Ảnh: THÚY HẰNG

Xây dựng xã hội học tập là chủ trương lớn của Ðảng và Nhà nước ta. Trong đó thúc đẩy việc tự học, tự bồi dưỡng nâng cao kiến thức, trình độ, kỹ năng của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động, nhất là những nhóm đối tượng khó khăn ít được tiếp cận với cơ hội học tập đang được ngành Giáo dục và các địa phương trên địa bàn tỉnh chú trọng.

 

Khuyến khích sự tự học

 

Ở cái tuổi từ 40-70, việc tiếp thu kiến thức có phần khó khăn nhưng gần 40 nông dân ở xã Hòa Mỹ Tây (huyện Tây Hòa) vẫn quyết tâm theo đuổi việc học tập bổ túc THCS. Với họ, học không chỉ để lấy tấm bằng mà còn để thỏa mãn sự ham học; học là để cho bản thân và làm gương cho con cháu…

 

Sau gần nửa năm theo học lớp bổ túc THCS do Trường THCS Tây Sơn, lão nông Nguyễn Việt Hùng, 70 tuổi ở thôn Quảng Mỹ, xã Hòa Mỹ Tây đã nhận được tấm bằng tốt nghiệp THCS hệ giáo dục thường xuyên trong niềm vui không chỉ của bản thân mà còn cả vợ, con cháu ông cũng vui không kém.

 

Ông Hùng nói: “Ngày trước do nhà nghèo, lại chưa ý thức được việc học là cần thiết nên tôi và các bạn cùng trang lứa vùng này đều nghỉ sớm. Sau đó, tôi và một số thanh niên trong làng “nhảy núi” theo cách mạng nên không còn khái niệm học chữ. Hòa bình lập lại, thấy lớp cháu con học hành đến nơi đến chốn, tầm hiểu biết mở rộng nên những người làm cha làm mẹ ở thế hệ chúng tôi cũng muốn cải thiện trình độ để không bị lạc hậu”.

 

Cầm tấm bằng tốt nghiệp THCS trên tay, lão nông Lê Hùng Cẩn (SN 1950) ở thôn Mỹ Phú, xã Hòa Mỹ Tây, bộc bạch: “Ở cái tuổi bước thấp bước cao, mắt mũi kèm nhèm như tôi mà còn đi học để có được tấm bằng tốt nghiệp THCS nghe cũng lạ nhưng với tôi sự học là vô cùng. Thời chiến tranh loạn lạc, nghèo khó mình không có điều kiện đi học thì nay mình học. Học không chỉ cho mình mà còn để làm gương cho con cháu, góp phần xây dựng xã hội học tập”.

 

Truyền thống hiếu học từ ngàn xưa của dân tộc ta vẫn đang chảy trong mạch ngầm của mỗi gia đình nay gặp được chủ trương đúng, trở thành dòng chảy mạnh, tạo động lực để thúc đẩy phong trào xây dựng xã hội học tập phát triển ở tất cả các địa phương trên toàn tỉnh.

 

Từ đồng bằng đến miền núi, chúng ta dễ dàng bắt gặp những gia đình học tập, dòng học học tập, cộng đồng học tập với muôn vàn cách tổ chức, nuôi dưỡng, khuyến khích học tập sinh động, góp phần xây dựng xã hội học tập và hỗ trợ thiết thực công cuộc phổ cập giáo dục ở các địa phương.

 

Hướng đến xã hội học tập

 

Học tập là nhu cầu chính đáng của mỗi người. Trong xã hội phát triển, mỗi người càng phải tự học, tự rèn để bắt kịp với sự phát triển của thời đại, đồng thời đóng góp trí tuệ xây dựng quê hương đất nước trong thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH.

 

Tuy nhiên, trước khi đi đến một xã hội học tập đúng nghĩa, chúng ta cần xây dựng và thổi vào tư duy mỗi người về một gia đình học tập. Ở đó việc học không chỉ là việc của những người trong độ tuổi cắp sách tới trường, mà nó là việc của cả cha mẹ và ông bà. Mỗi gia đình học tập được xây dựng thành công, chúng ta có cơ sở để đến gần hơn một xã hội học tập thực thụ.

 

Ở Phú Yên, hiện các địa phương đều đã có tổ chức Hội Khuyến học cơ sở và Ban Chỉ đạo xã hội học tập. Mạng lưới trường lớp kể cả chính quy và không chính quy được phát triển và mở rộng. Trên cơ sở đó, các hình thức học tập được tổ chức đa dạng, huy động được số trẻ đến tuổi đi học và học đúng độ tuổi đến lớp; đồng thời thực hiện phổ cập giáo dục ở các cấp học, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, các tầng lớp nhân dân được tạo điều kiện đi học.

 

Việc học tập đã trở thành nhu cầu và phong trào mạnh mẽ của tỉnh. Phó Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Tây Hòa Lê Hoàng cho biết: Ngoài lớp học bổ túc THCS của các nông dân ở xã Hòa Mỹ Tây đã tốt nghiệp, hiện trên địa bàn huyện còn có gần 150 nông dân, thanh niên trong độ tuổi phổ cập đang theo học các lớp bổ túc THCS. Hè năm nay, Phòng GD-ĐT sẽ mở các lớp xóa mù chữ để tạo điều kiện cho các tầng lớp nhân dân theo học.

 

Theo TS Phạm Văn Cường, Giám đốc Sở GD-ĐT Phú Yên, mọi cá nhân có trách nhiệm học tập thường xuyên, suốt đời, tận dụng mọi cơ hội học tập mọi lúc, mọi nơi, phù hợp với điều kiện, nhu cầu. Nhận thức điều đó, Hội Khuyến học Việt Nam đã phát động phong trào xây dựng Gia đình hiếu học với ba tiêu chí chủ yếu như tất cả con em trong gia đình ở tuổi đến trường đều phải đi học, học không lưu ban và không bỏ học; người lớn tuổi trong gia đình đều phải có nội dung, kế hoạch học tập phù hợp, học có kết quả để nâng cao trình độ văn hóa, nghiệp vụ, chất lượng cuộc sống; các thành viên trong gia đình học tập tích cực tham gia công tác khuyến học cộng đồng và xây dựng gia đình hòa thuận, văn hóa.

 

“Cần xác định xã hội học tập là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân, của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Trong đó sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền là yếu tố then chốt. Kinh nghiệm cho thấy ở nơi nào có sự nhận thức đúng, tư duy đúng về xây dựng xã hội học tập thì nơi đó sẽ tạo được nền móng tốt trong việc huy động toàn xã hội làm giáo dục. Ngược lại, nơi nào không có nhận thức đúng, tư duy đúng sẽ không mang lại hiệu quả”, TS Phạm Văn Cường nhấn mạnh.

 

THÚY HẰNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek