Sở GD-ĐT Phú Yên vừa có văn bản hướng dẫn các đơn vị trực thuộc triển khai các hoạt động giáo dục khởi nghiệp cho học sinh trung học trên địa bàn. Theo hướng dẫn này, bên cạnh việc tổ chức tốt việc truyền thông khởi nghiệp, Sở GD-ĐT yêu cầu các trường chủ động nghiên cứu, tổ chức xây dựng chương trình, nội dung giáo dục hướng nghiệp, dạy nghề phổ thông có tính linh hoạt; đẩy mạnh các hoạt động trải nghiệm sáng tạo, nghiên cứu khoa học kỹ thuật nhằm đảm bảo mục tiêu đến năm 2020 có ít nhất 90% học sinh được tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, được trang bị kiến thức kỹ năng về khởi nghiệp trước khi tốt nghiệp.
Hướng dẫn này của sở được xem là động thái triển khai đề án Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, nhằm thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp của học sinh và trang bị kiến thức, kỹ năng về khởi nghiệp cho các em trong thời gian học tập tại các nhà trường. Đồng thời tạo môi trường thuận lợi để hỗ trợ học sinh hình thành và hiện thực hóa các ý tưởng, dự án khởi nghiệp, góp phần tạo việc làm cho học sinh sau khi tốt nghiệp.
Khởi nghiệp đối với học sinh phổ thông quả thật khá mới mẻ, vì trường học chưa có chương trình giảng dạy, chủ yếu chỉ tích hợp giáo dục hướng nghiệp vào giảng dạy các bộ môn có điều kiện thuận lợi như Công nghệ, Giáo dục công dân và các hoạt động giáo dục khác như giáo dục ngoài giờ lên lớp, giáo dục nghề phổ thông... nhằm cung cấp cho học sinh thông tin về những ngành nghề cần thiết phải phát triển ở ngay địa phương mình, giúp học sinh hình thành năng lực nghề nghiệp tương ứng; giáo dục cho các em tinh thần kinh doanh, khởi nghiệp. Thực hiện đề án Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, học sinh sẽ được hướng dẫn cách khởi nghiệp ngay từ phổ thông. Nhiều học sinh hào hứng khi nói về điều này. “Em rất thích bán hàng online, nhưng không biết nên bắt đầu từ đâu. Em hy vọng trong thời gian đến sẽ được các thầy cô giáo tư vấn, hướng dẫn cách khởi nghiệp”, em Phạm Tú Ngân, học sinh Trường THPT Nguyễn Trãi cho hay. Còn học sinh Nguyễn Cẩm Vân, Trường THPT Trần Suyền chia sẻ: “Em rất thích kinh doanh nên khi thấy mốt số bạn bè hùn vốn mở quán bán trà sữa, em cũng muốn làm nhưng không biết cách nào để thuyết phục ba mẹ. Hy vọng thông qua việc được học về khởi nghiệp em sẽ có cách thuyết phục ba mẹ để khởi nghiệp bằng một công việc phù hợp với lứa tuổi”.
Theo Sở GD-ĐT, sắp tới các trường phổ thông sẽ xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác tư vấn, hỗ trợ học sinh khởi nghiệp; biên soạn bộ tài liệu cung cấp kiến thức, kỹ năng khởi nghiệp cho học sinh; tăng cường tổ chức các hoạt động thực tập, trải nghiệm tại doanh nghiệp tạo điều kiện cho học sinh được tiếp xúc với các hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp… Qua đó giúp học sinh THPT hiểu rõ về khởi nghiệp, kích thích trí sáng tạo, tư duy năng động, khơi nguồn khởi nghiệp để các em theo đuổi ước mơ khởi nghiệp và định hướng cho tương lai sau này.
Trên con đường hội nhập quốc tế, việc trang bị cho học sinh nền tảng kiến thức thật tốt về khởi nghiệp ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường sẽ có tác động tích cực. Và để tạo ra sự thay đổi tích cực này, rất cần sự chung tay, đồng hành của ngành Giáo dục, của mỗi gia đình, của các doanh nghiệp, tổ chức và cộng đồng... để thế hệ trẻ phát huy hết năng lực.
THÚY HẰNG