Trường cao đẳng Công nghiệp Tuy Hòa vừa được đổi tên thành Trường cao đẳng Công Thương Miền Trung. Đây là một trong những thay đổi quan trọng nhằm giúp nhà trường từng bước nâng cao chất lượng, uy tín, thương hiệu để trở thành cơ sở giáo dục hàng đầu khu vực trong việc đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực có chất lượng cho khu vực miền Trung - Tây Nguyên và cả nước.
Bước tiến mới trong đào tạo
Tiền thân của Trường cao đẳng Công Thương Miền Trung là Trường trung học chuyên nghiệp Địa chất II. Trải qua 40 năm xây dựng và phát triển, nhà trường đã đào tạo và cung cấp trên 50.000 cán bộ kỹ thuật, góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. “Trong giai đoạn hiện nay, với yêu cầu đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục - đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, đòi hỏi nhà trường cần phải tiếp tục thay đổi mạnh mẽ để nâng cao chất lượng đào tạo, khẳng định thương hiệu. Với việc đổi tên thành Trường cao đẳng Công Thương Miền Trung, nhà trường sẽ tiếp tục khẳng định đúng giá trị và không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo nhằm cung cấp nguồn nhân lực có chất lượng cho khu vực miền Trung - Tây Nguyên và cả nước”, TS Trần Kim Quyên, Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng nhà trường đã nói như thế tại lễ công bố đổi tên trường.
Theo TS Trần Kim Quyên, trong định hướng phát triển cơ sở giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2017-2020 và tầm nhìn đến năm 2025, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp triển khai xây dựng các trường được lựa chọn ngành, nghề trọng điểm các cấp độ quốc gia, khu vực và quốc tế nhằm chuẩn hóa giáo dục nghề nghiệp để đào tạo nguồn nhân lực có khả năng hội nhập thị trường lao động trong khu vực và thế giới. Xu thế đào tạo gắn với nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp và hợp tác với doanh nghiệp trong xây dựng chương trình đào tạo; tổ chức đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ; phối hợp trong hoạt động sản xuất, gia công cũng đã được triển khai. Với mục tiêu đổi mới và phát triển nhà trường trở thành một cơ sở giáo dục nghề nghiệp có uy tín, chất lượng trong cả nước, Trường cao đẳng Công Thương Miền Trung đã và đang từng bước chuẩn bị các điều kiện cần thiết để đáp ứng các tiêu chuẩn cho công cuộc đổi mới cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Cuối năm 2017, trường được Bộ LĐ-TB-XH phê duyệt các ngành, nghề trọng điểm giai đoạn 2017-2020 với 2 ngành, nghề cấp độ quốc tế là Điện công nghiệp, Cắt gọt kim loại; 2 ngành, nghề cấp độ ASEAN là Công nghệ hàn, Kỹ thuật máy lạnh - điều hòa không khí và 3 ngành, nghề cấp độ quốc gia là Hướng dẫn du lịch, Công nghệ phần mềm, Điện tử công nghiệp. Trường cũng đang được bộ này xem xét chọn vào tốp 70 trường chất lượng cao của quốc gia để tập trung đầu tư thành trường chuẩn quốc tế, khu vực.
Lấy sự hài lòng của doanh nghiệp và người học làm thước đo
Đổi tên thành Trường cao đẳng Công Thương Miền Trung là một trong những bước đi quan trọng để nhà trường cụ thể hóa các mục tiêu trên. Với năng lực của đội ngũ và trang thiết bị hạ tầng hiện có gồm: 17 tiến sĩ, 9 nghiên cứu sinh, 117 thạc sĩ, cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo được đầu tư hiện đại phục vụ tốt cho hoạt động giảng dạy, nghiên cứu và phối hợp sản xuất, trường đang phối kết hợp với các địa phương, doanh nghiệp ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên và các tỉnh phía Nam trong việc đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ. Đến nay, trường đã ký kết hợp tác với 50 doanh nghiệp, trong đó có 3 doanh nghiệp hợp tác toàn diện; hợp tác đào tạo và nghiên cứu chuyển giao công nghệ với 24 tỉnh, thành từ Quảng Bình trở vào Nam.
Ông Nguyễn Văn Hoàng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Cơ khí Vina Nha Trang, cho biết: Thời gian qua, công ty phối hợp với nhà trường thực hiện mô hình “Nhà trường trong doanh nghiệp, doanh nghiệp trong nhà trường”. Theo đó, người học sẽ học song song tại trường và kết hợp thực tập, thực hành tại cơ sở sản xuất của công ty. Vì vậy, sinh viên có cơ hội tiếp xúc với các chuyên gia, rèn luyện kỹ năng tay nghề trực tiếp trên các thiết bị máy móc, môi trường và quy trình sản xuất công nghiệp thông qua “học kỳ doanh nghiệp” với thời gian từ 3-5 tháng.
Ngoài ra, cách đào tạo này còn giúp học sinh, sinh viên rút ngắn thời gian học tập, giảm tải gánh nặng tài chính cho gia đình, bởi lẽ mỗi đợt triển khai học tập tại doanh nghiệp, các em được doanh nghiệp bố trí chỗ ở, ăn trưa và đặc biệt là được trả thù lao khi làm việc theo kết quả đóng góp cho doanh nghiệp từ 3,5-5 triệu đồng/tháng. Người học hoàn thành khóa học sẽ được tốt nghiệp ngay và không phải đi thực tập cuối khóa như trước đây. Không những thế, sinh viên còn được doanh nghiệp xác nhận có kinh nghiệm làm việc (không phải qua thời gian thử việc), tạo điều kiện thuận lợi khi đi xin việc.
“Trường đã vận dụng linh hoạt và kế thừa những kinh nghiệm của 40 năm đào tạo, từ đó chú trọng đào tạo đội ngũ lao động nắm vững kỹ năng nghề, có khả năng thích ứng nhanh với môi trường làm việc của các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Trên cơ sở những nội dung mà nhà trường đang quyết liệt triển khai và đặc biệt là sự ủng hộ, hợp tác của các doanh nghiệp, Trường cao đẳng Công Thương Miền Trung cam kết đảm bảo 100% học sinh, sinh viên học tập tại trường sau khi tốt nghiệp có việc làm phù hợp với mức lương tương xứng năng lực của mỗi cá nhân”, TS Trần Kim Quyên quả quyết.
Với bề dày lịch sử hình thành và phát triển, việc đổi tên thành Trường cao đẳng Công Thương Miền Trung, cùng với việc đổi mới cơ chế hoạt động, phương thức đào tạo được kỳ vọng sẽ mang lại bước đột phá cho nhà trường trong thời gian tới, hoàn thành mục tiêu chiến lược phát triển nhà trường trong giai đoạn mới.
MẠNH THÚY