Là một trong những bệnh mạn tính tiêu tốn nhiều chi phí điều trị nhưng lại chưa được quan tâm đúng mức trong điều trị và dự phòng, loãng xương trở thành “sát thủ thầm lặng”. Báo Phú Yên đã phỏng vấn TS-BS Nguyễn Tấn Dũng, Phó Giám đốc kiêm Trưởng Khoa Phục hồi chức năng - Bệnh viện C Đà Nẵng, Ủy viên Ban chấp hành Hội Thấp khớp học Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Phục hồi chức năng Việt Nam về căn bệnh diễn tiến âm thầm và nguy hiểm này.
Loãng xương là hậu quả của sự mất cân bằng giữa tạo xương và hủy xương. Đây là vấn đề y tế rộng lớn và phức tạp mà gãy xương là hệ quả. Chi phí cho các vấn đề liên quan đến gãy xương đã khiến loãng xương trở thành một trong những bệnh mạn tính tiêu tốn nhiều tiền nhất. Trong khi đó, việc chỉ có bác sĩ chuyên khoa khớp mới được kê đơn thuốc điều trị loãng xương dẫn đến tình trạng đại đa số bệnh nhân loãng xương không được tiếp cận điều trị.
TS-BS Nguyễn Tấn Dũng báo cáo tại hội thảo khoa học “Loãng xương - Nhận biết và chiến lược điều trị” - Ảnh: YÊN LAN |
* Thưa tiến sĩ, đâu là những tồn tại trong chẩn đoán loãng xương hiện nay?
- Trước hết là khó khăn về thiết bị. Muốn đo mật độ xương thì phải mua máy khá đắt tiền. Ở tuyến dưới, ít có bệnh viện được trang bị máy này; Bệnh viện Đa khoa Phú Yên là một trong những cơ sở y tế sớm có máy đo loãng xương. Vì vậy, trước hết bác sĩ cơ xương khớp, nội tiết cần định hướng cho các bác sĩ khác quan tâm đến loãng xương để bệnh nhân được chẩn đoán sớm.
Ở cộng đồng, chúng ta có thể trang bị máy có chi phí thấp hơn, nhưng loại máy này chỉ có giá trị sàng lọc thôi, ví dụ như máy siêu âm xách tay. Vì sàng lọc cho nên chúng ta có thể chẩn đoán quá mức, chưa loãng xương nhưng đã điều trị rồi. Do đó, để có kết quả chính xác thì bệnh nhân phải đến bệnh viện tuyến trên, nơi có đầy đủ thiết bị, để tiếp tục được sàng lọc và chẩn đoán.
Nếu không có thiết bị đo mật độ xương thì chúng ta phải sàng lọc với sự hỗ trợ của cận lâm sàng. Ví dụ, khi bệnh nhân bị đau ở thắt lưng thì cũng phải cho đi chụp X-quang chứ không điều trị “mò”, cho thuốc giảm đau, giãn cơ, vì có khi bệnh nhân đã bị tổn thương do loãng xương rồi.
Một số xét nghiệm sinh hóa cũng có thể giúp cho việc luận giải có thể có loãng xương, ví dụ như khi làm xét nghiệm canxi máu, canxi niệu thì đã biết tương đối về sự chu chuyển xương của người bệnh.
* Các bác sĩ chuyên ngành loãng xương rất trăn trở về việc hầu như chúng ta chỉ mới điều trị gãy xương - là cái ngọn, chứ chưa chú trọng đến việc điều trị loãng xương. Vì sao có tình trạng đó, thưa tiến sĩ?
- Đúng là có tình trạng đó. Ngay cả ở các nước Âu - Mỹ, mục tiêu chiến lược đầu tiên là phòng ngừa loãng xương, gãy xương, chứ còn điều trị loãng xương qua phục hồi xương bị mất, nâng mật độ xương lên là một quá trình dài lâu. Mật độ xương đỉnh thường đạt được ở tuổi 30, cùng lắm là 35-40 tuổi, với chế độ dinh dưỡng tuyệt vời. Sau đó thì bắt đầu quá trình mất xương theo thời gian. Việc điều trị để cân bằng quá trình mất xương là khó rồi, cho nên mục tiêu đầu tiên là phòng ngừa gãy xương, trong đó có rất nhiều yếu tố nguy cơ ngoài yếu tố mật độ xương thấp. Thành ra phải điều trị phối hợp nhiều vấn đề. Còn khi gãy xương rồi mà không chẩn đoán và điều trị loãng xương thì đó là sai lầm rất lớn hiện nay. Ngay cả ở các nước có mức sống cao thì cũng chưa tới 20% bệnh nhân gãy xương tiếp tục được điều trị loãng xương, thành ra nguy cơ gãy xương lại tiếp diễn cho đến cuối đời. Vì xương tiếp tục mất đi theo thời gian mà chúng ta chỉ dựa vào việc gia tăng mật độ xương thôi thì không toàn diện.
* Được biết một số thuốc điều trị loãng xương còn giúp ích cho bệnh nhân trong một số bệnh cảnh khác, như tim mạch chẳng hạn. Tiến sĩ có thể cho biết rõ hơn về điều này?
- Có một số thuốc loãng xương, ngoài tác dụng tăng mật độ xương, chống ức chế hủy xương thì còn những lợi ích khác. Ví dụ như vitamin D, ngoài tăng hấp thu canxi ở ruột, tăng quá trình chuyển hóa canxi vào xương thì còn mang lại lợi ích cho người mắc bệnh tim mạch, đặc biệt là người thiếu vitamin D, phòng ngừa một số bệnh ung thư. Hoặc một loại thuốc gần với hoóc môn sinh dục, gọi là kích thích chọn lọc estrogen, ví dụ như Raloxifene, ngoài tác dụng tăng mật độ xương, ức chế hủy xương thì còn một tác dụng rất lý thú đối với phụ nữ là giảm các tác động của mãn kinh.
* Xin cảm ơn tiến sĩ!
Trong chuyển hóa của xương, canxi và phospho đóng vai trò cực kỳ quan trọng. Khi hủy xương tăng do nội tiết tố, do dùng thuốc hay do lão hóa thì sẽ làm cho xương yếu đi. Phụ nữ thường bị loãng xương hơn nam giới. Khi nội tiết tố sụt giảm nhanh (thường thì sau tuổi 55), tốc độ mất xương rất nhanh và có thể dẫn đến loãng xương nếu như không có chế độ dinh dưỡng tốt, thường xuyên vận động… trước năm 30 tuổi và vẫn duy trì sau đó. Từ 55 tuổi trở đi, cứ 3 phụ nữ thì có một người bị loãng xương. Đến 60 tuổi, cứ 2 phụ nữ thì có một người bị loãng xương. Nam giới cũng bị loãng xương, nhất là những người hút thuốc lá nhiều, uống nhiều bia rượu.
Bổ sung 700-800Ul vitamin D hàng ngày làm giảm nguy cơ gãy xương đùi và xương khác ở người lớn tuổi trong cộng đồng và trong bệnh viện.
TS-BS Nguyễn Tấn Dũng |
YÊN LAN (thực hiện)