Học viện Ngân hàng - Phân viện Phú Yên đang tổ chức các lớp đào tạo kiến thức về giáo dục tài chính cá nhân cho học sinh lớp 12 thuộc các trường THPT trên địa bàn toàn tỉnh. Qua đó giúp học sinh tiếp thu những kiến thức về tài chính, biết cách hoạch định ngân sách cá nhân, sử dụng tiền có hiệu quả, đặc biệt là kỹ năng quản lý tài chính khi bước chân vào môi trường đại học, học tập và sinh sống xa nhà.
Dạy học sinh cách quản lý tiền bạc hiệu quả
“Giáo dục tài chính cá nhân là chương trình dạy cho các em về cách quản lý tiền một cách khôn khéo và hiệu quả”, giảng viên Vũ Thị Khánh Minh, Học viện Ngân hàng - Phân viện Phú Yên mở đầu chương trình giáo dục tài chính cá nhân một cách hóm hỉnh như thế tại Trường THPT Ngô Gia Tự với sự tham dự của học sinh lớp 12 trường này. Để học sinh dễ hiểu hơn, cô Minh đặt câu hỏi: Trong lớp chúng ta có bao nhiêu bạn biết mỗi tháng mình xài hết bao nhiêu tiền? Có bao nhiêu bạn theo dõi chi tiêu cá nhân? Có bạn nào được ba mẹ cho tiền tiêu hàng tháng, nhưng đến cuối tháng hết sạch tiền hoặc bị rơi vào tình trạng thiếu nợ phải mượn bạn bè?... Những câu hỏi sát sườn này đã thu hút sự tham gia của các học sinh. Em Trần Thị Ngọc Quyên, lớp 12A2 thật thà chia sẻ: “Chẳng mấy khi em quan tâm đến việc chi tiêu cá nhân. Cứ hết tiền tiêu thì xin ba mẹ, chứ em chưa bao giờ có kế hoạch cụ thể trong việc chi tiêu”. Cùng suy nghĩ này, em Dương Thảo Viên, học sinh lớp 12A3 nói: “Tiền học thêm, tiền mua dụng cụ học tập, tiền ăn sáng, tiền tiêu vặt… mỗi tháng của tụi em không hề ít. Vậy nhưng, hễ cần đến tiền thì tụi em lại “vòi” ba mẹ, chứ chưa biết cách tiết kiệm hoặc nghĩ cách đi làm thêm để kiếm tiền”.
Sau khi nhận được những phản hồi thành thật của học sinh, cô Minh nhấn mạnh “Vậy theo các em, giáo dục tài chính sẽ đem lại lợi ích gì cho chúng ta?”. Bài học giáo dục tài chính cá nhân bắt đầu vào nội dung chính thông qua việc trang bị cho học sinh các khái niệm liên quan đến tiền; cách quản lý tiền khôn khéo và hiệu quả; trang bị cho các em những kỹ năng cơ bản liên quan đến việc lập kế hoạch tài chính, tiết kiệm, quản lý chi tiêu; giúp các em biết cách sử dụng các dịch vụ tài chính ngân hàng, biết cách giao tiếp với ba mẹ về các vấn đề có liên quan đến tiền bạc…
Vì đối tượng là học sinh nên vấn đề tiết kiệm được các giảng viên Học viện Ngân hàng - Phân viện Phú Yên chú trọng. Nói về nguyên tắc tiết kiệm, cô Minh nhắn nhủ: “Bí quyết vượt qua khó khăn khi tiết kiệm đó là các em phải có kế hoạch tốt, phải sắp xếp thứ tự ưu tiên các khoản chi. Tiết kiệm dù ít ỏi mỗi ngày, mỗi tuần nhưng phải duy trì tính kỷ luật. Trong thời gian đến, khi bước chân vào giảng đường đại học, sẽ có nhiều bạn đi làm thêm, vì vậy để tiết kiệm được, các em nên tiêu dùng ít hơn số tiền kiếm được. Khi có thu nhập, các em hãy cất ngay khoản tiết kiệm trước khi tiêu tiền và hãy tiết kiệm ít nhất 10% số tiền kiếm được”.
Nâng cao kỹ năng quản lý tài chính cá nhân
Em Bùi Văn Huy, học sinh Trường THPT Nguyễn Huệ cho biết: “Sau khi được các thầy cô giáo ở Học viện Ngân hàng - Phân viện Phú Yên hướng dẫn cách thức tiết kiệm, chi tiêu sao cho đúng và hiệu quả, em đã ý thức được việc quản trị chi tiêu cá nhân ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường. Kiến thức về tài chính có thể giúp học sinh chúng em giảm thiểu rủi ro khi chuyển sang giai đoạn trưởng thành, nâng cao kỹ năng quản lý tiền khi bắt đầu bước vào giảng đường đại học và đi làm”. Còn em Võ Văn Vỹ, học sinh Trường THPT Lê Trung Kiên cho hay: “Em rất thích ngành Tài chính - Ngân hàng. Tuy nhiên, cơ sở để giải thích cho sự yêu thích này thì em vẫn còn mù mờ. Khi nghe nhà trường thông báo có các giảng viên của Học viện Ngân hàng - Phân viện Phú Yên đến tận trường truyền đạt về kiến thức giáo dục tài chính cá nhân, em tham gia ngay và thực sự cuốn hút bởi các bài giảng liên quan đến cách thức tìm kiếm thu nhập khi còn đang đi học, đặc biệt là khi trở thành sinh viên. Kết hợp tất cả những yếu tố được học, thật dễ dàng cho em trong việc xây dựng kế hoạch và quản lý tài chính cá nhân sau này”.
Hiện nhiều nước trên thế giới, việc giáo dục tài chính cho người dân, nhất là lớp trẻ được chú trọng từ khi còn nhỏ tuổi. Ở Việt Nam hiện nay, một tín hiệu đáng mừng là việc đào tạo về tài chính cá nhân cũng đã và đang được các cơ sở giáo dục đào tạo đặc biệt chú trọng. ThS Trần Thanh Long, Giám đốc Trung tâm Đào tạo và bồi dưỡng Học viện Ngân hàng - Phân viện Phú Yên cho biết, hiện nay môn học tài chính cá nhân đã được đưa vào giảng dạy cho sinh viên của trường. Riêng đối với học sinh THPT, giáo dục tài chính cá nhân là hoàn toàn mới mẻ. Từ việc xây dựng, quản lý, đến chi tiêu tài chính cá nhân… với học sinh phổ thông đều là con số không. Vì vậy, việc đào tạo kiến thức về tài chính cá nhân ngay từ trên ghế nhà trường là một biện pháp mang tính lâu dài đang được Học viện Ngân hàng - Phân viện Phú Yên triển khai miễn phí đến các đối tượng là học sinh THPT. Với từng lứa tuổi cụ thể, chúng tôi có những giáo án và phương pháp truyền đạt khác nhau”.
Theo Sở GD-ĐT Phú Yên, giáo dục tài chính cá nhân rất cần thiết đối với học sinh THPT, nhất là những em chuẩn bị bước vào môi trường đại học, cao đẳng, sống xa gia đình. Vì vậy, các trường THPT tạo điều kiện để các em học sinh bậc học này được tham gia các lớp đào tạo giáo dục tài chính cá nhân do Học viện Ngân hàng - Phân viện Phú Yên tổ chức. |
THÚY HẰNG