Thứ Tư, 25/12/2024 01:09 SA
Để ngăn chặn, đẩy lùi tệ nạn xã hội xâm nhập học đường
Thứ Sáu, 15/12/2017 08:43 SA

Hiện nay, tệ nạn xã hội nói chung, tệ nạn ma túy nói riêng xâm nhập vào trường học bằng nhiều con đường khác nhau và ngày càng tinh vi, gây nên sự lo lắng cho cộng đồng và toàn xã hội.

 

Nhằm góp phần ngăn chặn tội phạm học đường nói chung, đẩy lùi ma túy xâm nhập học đường nói riêng, Sở GD-ĐT Phú Yên vừa tổ chức hội thảo công tác truyền thông phòng, chống tội phạm học đường các trường phổ thông trên địa bàn TP Tuy Hòa năm học 2017-2018. Báo Phú Yên xin giới thiệu những giải pháp thiết thực để ngăn chặn cũng như nâng cao nhận thức cho học sinh về vấn đề này.

 

ĐẠI TÁ NGUYỄN VĂN DŨNG, TRƯỞNG CÔNG AN TP TUY HÒA: Ngăn chặn sớm những tác động tiêu cực đến học sinh

 

Trong 3 năm gần đây (2015-2017), toàn thành phố có 75 trường hợp học sinh các trường THCS, THPT vi phạm pháp luật, trong đó có đến 46 trường hợp sử dụng trái phép chất ma túy (chủ yếu là cần sa, bồ đà). Trước diễn biến phức tạp của tình hình tội phạm nói chung, vi phạm pháp luật trong các trường học nói riêng ngày càng có xu hướng gia tăng, đặt ra cho công tác giáo dục, chăm lo cho học sinh trở thành nhiệm vụ quan trọng, cấp bách và thường xuyên, đòi hỏi các ngành, các cấp, đoàn thể, gia đình đều phải tích cực vào cuộc. Với chức năng nhiệm vụ được giao, Công an TP Tuy Hòa thường xuyên tham mưu cho Thành ủy, UBND thành phố, Ban chỉ đạo phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc thành phố chỉ đạo triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp công tác phòng chống tội phạm trong thanh thiếu niên và học sinh, góp phần kiềm chế các loại tội phạm trên địa bàn. Kết quả trong năm 2017, tình hình tội phạm đã giảm hơn 25%.

 

Đảm bảo tốt an ninh trật tự ở các trường học chính là góp phần đảm bảo ổn định tình hình an ninh, trật tự trên địa bàn. Công tác này không chỉ là trách nhiệm của lực lượng công an, của nhà trường, mà còn là sự chung tay của toàn xã hội. Chúng ta cần tích cực và có nhiều giải pháp để phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn sớm những tác động tiêu cực đến nhận thức, tâm lý lứa tuổi các em. Việc tăng cường công tác giáo dục đạo đức, lối sống, giáo dục pháp luật, bồi dưỡng kỹ năng sống, giá trị sống cho học sinh cần được các trường quan tâm chú trọng hơn nữa, đi đôi với thực hiện có hiệu quả công tác phòng ngừa xã hội, triệt xóa các điều kiện, nguyên nhân làm phát sinh tội phạm và vi phạm pháp luật trong lứa tuổi học sinh.

 

TRUNG TÁ NGUYỄN VIỆT CƯỜNG, ĐỘI TRƯỞNG ĐỘI CẢNH SÁT ĐIỀU TRA TỘI PHẠM VỀ MA TÚY (CÔNG AN TP TUY HÒA): Không để học sinh bị đối tượng nghiện hút lôi kéo, dụ dỗ

 

Trong mọi nguyên nhân học sinh nghiện ma túy thì nguyên nhân chính là do sự thiếu quan tâm của các bậc phụ huynh. Đối với gia đình khá giả thì con cái xuất hiện tâm lý ăn chơi, đua đòi cho bằng bạn bằng bè. Đối với những gia đình cha mẹ bất hòa thì do mặc cảm, chán chường, bế tắc, bỏ học rồi bị lôi cuốn vào con đường nghiện ngập. Nguy hiểm hơn là hậu quả đằng sau các tệ nạn là căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS. Vì vậy, trong việc giáo dục học sinh thì sự kết hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội là một điều vô cùng quan trọng; mỗi thầy cô giáo phải tích cực tuyên truyền đến học sinh giúp các em hiểu được mối nguy hiểm của việc sử dụng ma túy và tích cực vận động mọi người, mọi nhà, mọi đối tượng cùng tham gia phòng, chống ma túy.

 

Nhằm tạo nên sức mạnh tổng hợp, đấu tranh có hiệu quả trong phòng, chống ma túy xâm nhập trường học, các nhà trường thường xuyên nhắc nhở, động viên các đoàn thể, các tổ chức chính trị, xã hội trong nhà trường đẩy mạnh các hoạt động phòng, chống ma túy, tạo điều kiện tốt nhất cho việc tổ chức các hoạt động lành mạnh cho học sinh. Tuyên truyền, vận động học sinh ủng hộ và chăm sóc những người đã từng phạm tội và gia đình họ, đồng thời tạo điều kiện cho mọi người dân tham gia vào các hoạt động phòng, chống tội phạm, góp phần làm giảm kỳ thị và phân biệt đối xử đối với người đã từng mắc lỗi. Luôn thắt chặt mối quan hệ nhà trường, gia đình và chính quyền đoàn thể địa phương để quản lý chặt chẽ các đối tượng nghiện hút, buôn bán ma túy không để các đối tượng này lôi kéo, dụ dỗ học sinh.

 

THẦY TRẦN QUANG HUY, GIÁO VIÊN TRƯỜNG THCS NGUYỄN VĂN TRỖI: Xây dựng môi trường văn hóa trường học

 

Nhằm thực hiện tốt và hiệu quả công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi đã xây dựng và triển khai bộ quy tắc ứng xử văn hóa trong trường học; tuyển chọn những nhà giáo có nhiều kinh nghiệm, giàu kỹ năng sống vào ban tư vấn học đường, giúp học sinh tiến bộ; xây dựng quy chế giáo dục tam giác giữa 3 môi trường: gia đình, nhà trường và xã hội. Đồng thời, nhà trường còn tổ chức nhiều hoạt động tập thể vui tươi, lành mạnh để thông qua đó rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh như: kỹ năng giao tiếp, kỹ năng đối phó với những cảm xúc tiêu cực, kỹ năng chống lại những áp lực tiêu cực từ bạn bè, kỹ năng dùng mạng cộng đồng… Nhà trường còn tổ chức phong trào xây dựng tình bạn đẹp - xây dựng lớp học tốt đoàn kết, thân ái, nói không với bạo lực học đường - nói không với ma túy; điều tra, phân loại đối tượng học sinh chưa ngoan, trên cơ sở đó chọn lựa những giải pháp phù hợp, khả thi để ngăn chặn, phòng ngừa và tiến tới kiểm soát có hiệu quả.

 

Khi nhà trường chúng ta là môi trường văn hóa học đường có chất lượng cao thì chắc chắn sẽ loại trừ được những biểu hiện văn hóa không lành mạnh nảy sinh từ bên trong, góp phần xây dựng môi trường văn hóa học đường ngày càng hoàn thiện, trong sáng. Học sinh đến trường sẽ thấy thích thú hơn, trách nhiệm hơn, từ đó chất lượng giáo dục - sản phẩm đào tạo của chúng ta ngày càng được nâng cao, đáp ứng nhu cầu phát triển chung của xã hội.

 

ÔNG TRẦN ANH KHOA, BÍ THƯ CHI BỘ TRƯỜNG PHỔ THÔNG DUY TÂN: Nâng cao nhận thức cho học sinh về công tác phòng chống ma túy

 

Ma túy học đường đã và đang là một vấn đề nóng của toàn xã hội. Các đối tượng, tội phạm ma túy thường nhằm vào các em học sinh gia đình có điều kiện về kinh tế, có biểu hiện chơi bời, hư hỏng; học sinh có ý thức tổ chức kỷ luật kém, thường vi phạm nội quy nhà trường, bị xử lý kỷ luật, có biểu hiện chán học… để lôi kéo, dụ dỗ các em phạm tội.

 

Nhận thức được sự nguy hại của ma túy đối với học đường và nhằm xây dựng môi trường văn hóa học đường an toàn, lạnh mạnh, thời gian qua, bên cạnh phối hợp tuyên truyền và thông qua các hoạt động giảng dạy, Trường phổ thông Duy Tân còn chủ động phối hợp chặt chẽ với cha mẹ học sinh trong việc kiểm tra, giám sát học sinh, thông tin về phụ huynh khi các em có biểu hiện bất thường về sa sút tinh thần, ham chơi bỏ học… Đặc biệt, ở lớp học, giáo viên chủ nghiệm, quản nhiệm báo ngay cho phụ huynh học sinh nếu học sinh không đến lớp sau 15 phút của tiết học đầu tiên; đột xuất kiểm tra cặp sách, quần áo những học sinh nghi ngờ mang hung khí, thuốc lá, chất gây nghiện… vào trường nhằm chặn đứng học sinh vi phạm. Nhà trường xây dựng mạng lưới “cộng tác viên” khắp các lớp để kịp thời ngăn chặn các trường hợp vi phạm và có khả năng vi phạm của học sinh. Đồng thời thiết lập hộp thư góp ý kiến để tiếp nhận những thông tin của học sinh. Qua đó nắm được tình hình học tập, tâm tư, nguyện vọng, thắc mắc của các em để kịp thời giải đáp và giáo dục học sinh tốt hơn.

 

CÔ BÙI THỊ NHÂN, GIÁO VIÊN TRƯỜNG THCS HÙNG VƯƠNG (TP TUY HÒA): Phát huy vai trò giáo viên chủ nhiệm

 

Ở bất cứ đơn vị trường học nào thì một trong những công tác quan trọng trong việc giáo dục đạo đức học sinh theo tôi đó là công tác chủ nhiệm. Có thể nói, vai trò của giáo viên chủ nhiệm (GVCN) có ảnh hưởng rất lớn và góp phần đến 80% vào sự thành công trong công tác giáo dục đạo đức học sinh trong mỗi nhà trường.

 

Với trách nhiệm vô cùng nặng nề ấy, tại trường chúng tôi người GVCN trước hết phải có năng lực quản lý thật tốt vì đây là khâu quan trọng quyết định đến chất lượng giáo dục học sinh. Ngay từ đầu nhận lớp, GVCN phải tìm hiểu cụ thể tình hình của lớp và tiến hành phân loại học sinh, xây dựng kế hoạch chủ nhiệm phù hợp với đặc thù của lớp mình. Xây dựng một bộ khung cán sự lớp có uy tín, trách nhiệm, năng lực, bản lĩnh để quản lý theo dõi các hoạt động của lớp dưới sự hướng dẫn của GVCN.

 

Trong công tác giáo dục đạo đức học sinh ở bậc THCS là khó nhất vì ở lứa tuổi này các em đang độ tuổi dậy thì, tập làm người lớn nên rất khó bảo, vì vậy chỉ cần một cử chỉ hay lời nói vô tình của người lớn sẽ để lại ấn tượng không tốt cho các em. Đặc biệt là những học sinh chưa ngoan, các em sẽ bị mất lòng tin dẫn đến các em tỏ ra lỳ lợm, quậy phá. Trong những trường hợp này, người GVCN phải ân cần, động viên khuyến khích các em, phân tích lý giải để các em thấy cái sai của mình mà sửa chữa. Đồng thời còn phải đến tận nhà học sinh giúp cho phụ huynh nắm rõ tình hình của con em mình tại trường để các bậc cha mẹ thấy được sự quan tâm của nhà trường đối với học sinh, qua đó giữa nhà trường và gia đình có sự phối hợp trong giáo dục các em.

 

MẠNH THÚY (lược ghi)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek