Thực hiện cuộc vận động “Mỗi cán bộ, giáo viên nhận đỡ đầu một học sinh có nguy cơ bỏ học vì hoàn cảnh gia đình khó khăn hay học yếu” của ngành Giáo dục, thầy Bùi Văn Lước, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Huỳnh Thúc Kháng (huyện Tây Hòa), tự nêu gương và tích cực triển khai tốt cuộc vận động này trong nhà trường, đạt nhiều kết quả đáng khen ngợi.
Xuất thân trong gia đình nông dân nghèo, nên thầy Lước càng hiểu và thông cảm hơn với những học sinh có hoàn cảnh khó khăn hay học yếu. Tốt nghiệp chuyên ngành Ngữ văn (Trường cao đẳng Sư phạm Nha Trang), năm 1986, thầy Lước về công tác tại Trường PTCS Hòa Phong 3. Sau 3 năm, thầy chuyển về Trường THCS Huỳnh Thúc Kháng công tác. Thầy Lước làm công tác giảng dạy đến năm 1991, sau đó được bổ nhiệm làm phó hiệu trưởng nhà trường cho đến nay. Bao nhiêu năm làm công tác quản lý, cũng là ngần ấy thời gian, thầy Lước luôn trăn trở, lo lắng trước những khó khăn của học sinh. Thầy Lước nhớ lại: “Dù rất lâu nhưng tôi vẫn còn nhớ như in trường hợp một em học sinh nữ ngất xỉu nhiều lần trong lớp học, vì nhịn ăn sáng để có tiền mua sách vở. Biết hoàn cảnh của em, tôi và nhiều đồng nghiệp đã chia sẻ những đồng lương của mình để giúp đỡ em vượt qua những khó khăn, tiếp tục học tập”.
Triển khai cuộc vận động “Mỗi cán bộ, giáo viên nhận đỡ đầu một học sinh có nguy cơ bỏ học vì hoàn cảnh gia đình khó khăn hay học yếu” của ngành Giáo dục, thầy Lước đã tự nguyện tiên phong thực hiện. Đến nay, phong trào ấy đã lan tỏa mạnh mẽ, mỗi cán bộ giáo viên, nhân viên nhà trường, đều nhận đỡ đầu từ 1-2 em học sinh có hoàn cảnh khó khăn hay học yếu trong suốt cấp học, mỗi tháng từ 200.000-250.000 đồng. “Để các em có kết quả học tập tốt, thì điều đầu tiên là giúp các em ổn định về tư tưởng, không lo lắng về vấn đề cơm, áo, gạo, tiền. Nhờ thực hiện tốt phong trào đỡ đầu học sinh khó khăn, những năm qua, tỉ lệ học sinh bỏ học giữa chừng của trường giảm hẳn, năm rồi chỉ còn 0,53%. Mục tiêu của nhà trường là tiếp tục phát động nhiều mô hình nhằm góp phần không để học sinh nào bỏ học vì khó khăn”, thầy Lước cho hay.
Với vai trò là Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ của nhà trường, thầy Lước luôn là người phát động và gương mẫu thực hiện các hoạt động thiện nguyện như: Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam; mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo; nuôi heo đất… Trong công tác chuyên môn, thầy Lước cùng hội đồng sư phạm nhà trường luôn thực hiện tốt phong trào thi đua dạy tốt, học tốt; mỗi thầy cô là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo; xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực; nghiên cứu sáng kiến, kinh nghiệm… nhằm nâng cao hiệu quả công tác giảng dạy.
Nhìn nhận về thầy Lước, thầy Lê Xuân Cảnh, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Trường THCS Huỳnh Thúc Kháng, cho hay: “Thầy Lước có lối sống giản dị. Sự ân cần và thân thiện của thầy là tấm gương sáng cho tập thể giáo viên và học sinh của nhà trường noi theo”. Còn ông Lê Hoàng, Phó Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Tây Hòa, nhận xét: “Thầy Bùi Văn Lước là cán bộ quản lý giỏi, tâm huyết với nghề, có nhiều sáng kiến và đặc biệt thầy rất yêu quý và sẵn sàng đỡ đầu cho các học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Sự nhiệt thành và những đóng góp của thầy cho ngành Giáo dục là rất quý”.
Những nỗ lực, cống hiến của thầy Bùi Văn Lước đã được ngành Giáo dục ghi nhận bằng nhiều danh hiệu cao quý: Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh, bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh, UBND huyện về hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; kỷ niệm chương Vì sự nghiệp Giáo dục, Vì sự nghiệp Công đoàn và sự nghiệp Nhân đạo… Đặc biệt, tập thể Trường THCS Huỳnh Thúc Kháng vừa vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen và Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng ba.
DƯƠNG TRÍ