5 năm qua (2012-2017), cuộc vận động “Mỗi cán bộ quản lý, giáo viên ngành Giáo dục nhận đỡ đầu một học sinh có nguy cơ bỏ học vì hoàn cảnh khó khăn hay học yếu” do ngành GD-ĐT phát động đã mang lại nhiều kết quả tích cực. Không chỉ góp phần nâng cao hình ảnh và vị thế người giáo viên, cuộc vận động này còn góp phần ngăn dòng học sinh bỏ học, đẩy mạnh phong trào xây dựng xã hội học tập.
Cũng như nhiều giáo viên khác của Trường THPT Lê Thành Phương (huyện Tuy An), năm học 2012-2013, khi Công đoàn ngành Giáo dục Phú Yên triển khai cuộc vận động “Mỗi cán bộ quản lý, giáo viên ngành Giáo dục nhận đỡ đầu một học sinh có nguy cơ bỏ học vì hoàn cảnh khó khăn hay học yếu”, cô Trần Thị Sáng luôn tích cực đi đầu. Từ năm học 2012-2013 đến nay, với lòng nhiệt huyết với nghề, yêu thương học sinh hết mực, cô Sáng đã nhận đỡ đầu và giúp nhiều học sinh có hoàn cảnh khó khăn, học yếu vươn lên trong học tập. Ngoài trích một phần lương để mua tập vở, đồng phục, trao học bổng cho học sinh nghèo, cô Sáng còn tổ chức các tiết dạy phụ đạo miễn phí cho các em. Trong 5 năm qua, cô đã đỡ đầu cho 5 học sinh có hoàn cảnh khó khăn; đồng thời tổ chức 668 tiết dạy phụ đạo miễn phí. Cô Sáng chia sẻ: “Mỗi khi biết tin về một học sinh nào trong trường có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, cần sự giúp đỡ, tôi luôn sẵn sàng cưu mang các em. Nhìn thấy sự tiến bộ từng ngày của học sinh được mình đỡ đầu, tôi thấy yêu nghề hơn”.
Em Nguyễn Thị Duyên, học sinh lớp 12A2, Trường THPT Lê Thành Phương, bộc bạch: “Ba mẹ em làm nông vất vả, nhưng phải cùng lúc nuôi 4 đứa con ăn học, nên rất khó khăn. Biết được hoàn cảnh của gia đình, cô Sáng luôn động viên em cố gắng. Cô giúp em tiền, còn dạy thêm môn Toán miễn phí. Em rất biết ơn cô và sẽ cố gắng học để trở thành người có ích”.
Trước đây, Sơn Hòa là một trong những địa phương có tỉ lệ học sinh bỏ học gần như cao nhất, nhì tỉnh. Để khắc phục và hạn chế tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng, giảm dần tỉ lệ học sinh yếu, kém, Huyện ủy, UBND huyện đã chỉ đạo và phân công ngành GD-ĐT tìm ra các biện pháp khả thi. Năm học 2012-2013, khi Công đoàn ngành Giáo dục Phú Yên triển khai cuộc vận động “Mỗi cán bộ quản lý, giáo viên ngành Giáo dục nhận đỡ đầu một học sinh có nguy cơ bỏ học vì hoàn cảnh khó khăn hay học yếu”, Phòng GD-ĐT huyện Sơn Hòa đã nhanh chóng phối hợp với Công đoàn Giáo dục và Hội Chữ thập đỏ huyện chọn cuộc vận động này là công trình “Làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” trong toàn ngành. Ông Nguyễn Văn Phú, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Phòng Giáo dục huyện Sơn Hòa, cho hay: “Sau 5 năm kiên trì thực hiện, cuộc vận động đã huy động được 71.244 buổi và 65.492 tiết dạy bồi dưỡng, phụ đạo cho học sinh yếu kém; đồng thời đóng góp được hơn 627 triệu đồng để trao học bổng hàng tháng cho học sinh nghèo. Cuộc vận động đã giúp đỡ 4.155 lượt học sinh được tiếp tục đến trường, góp phần làm giảm tỉ lệ bỏ học toàn huyện từ 2,4% năm học 2011-2012 xuống còn 0,8% năm học 2016-2017”.
Sứ mệnh của ngành Giáo dục là không chỉ cung cấp kiến thức mà còn phải tiếp thêm niềm tin, giúp học sinh vươn lên trong học tập, nuôi dưỡng ước mơ và khát vọng lập thân, lập nghiệp. Bà Nguyễn Thị Ngọc Huyền, Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục Phú Yên, cho biết: “Trong 5 năm qua, với tình thương yêu của người thầy, đội ngũ cán bộ quản lý, nhà giáo toàn ngành đã tích cực thực hiện cuộc vận động “Mỗi thầy, cô giáo nhận đỡ đầu ít nhất một học sinh có hoàn cảnh khó khăn, có nguy cơ bỏ học”. Kết quả có trên 49.000 học sinh có hoàn cảnh khó khăn đã được nhận đỡ đầu, với số tiền hỗ trợ gần 8 tỉ đồng. Ngoài ra, các thầy cô giáo còn tổ chức dạy bồi dưỡng học sinh yếu, kém trên 823.000 tiết; tặng trên 25.000 quyển vở, 17 xe đạp, 212 máy vi tính cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn có nguy cơ bỏ học… Từ khi cuộc vận động được triển khai, học sinh đã yên tâm và thích thú đến trường. Dấu ấn của cuộc vận động này đã tạo được sự đồng thuận lớn trong xã hội; khơi dậy tinh thần trách nhiệm đối với nghề giáo; qua đó tôn lên hình ảnh và nghĩa cử cao đẹp của người giáo viên trong lòng phụ huynh, học sinh, góp phần tích cực vào phong trào xây dựng xã hội học tập ở địa phương”.
KHÁNH HÀ